Tài chính phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam nhìn từ góc độ chính sách

(Banker.vn) Những năm qua, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã trở thành chủ đề được phân tích và bàn luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn với các góc độ tiếp cận khác nhau. Thực tế cho thấy, tác động của CMCN 4.0 đã và đang hiện diện rõ nét trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị tại Việt Nam.
Tóm tắt: Những năm qua, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã trở thành chủ đề được phân tích và bàn luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn với các góc độ tiếp cận khác nhau. Thực tế cho thấy, tác động của CMCN 4.0 đã và đang hiện diện rõ nét trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị tại Việt Nam. Cùng với diễn biến nhanh chóng của CMCN 4.0, một trong những cách thức ứng phó phù hợp được Việt Nam đưa ra là việc đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc ban hành khung khổ pháp lí cũng như các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ nói chung và cơ chế tài chính đặc thù nói riêng dành cho khởi nghiệp sáng tạo hiện nay còn khá thiếu vắng cũng như chưa đạt được sự đồng bộ. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng chính sách tài chính phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung khổ chính sách nói chung và chính sách tài chính nói riêng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ khóa: Doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách tài chính, đổi mới sáng tạo, CMCN 4.0.
 
THE FINANCE FOR START-UP BUSINESSES IN VIETNAM FROM A POLICY PERSPECTIVE
 
Abstract: In recent years, the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has garnered widespread attention and discussions across various platforms. It is evident that Industry 4.0 has significantly impacted Vietnam’s economic, social and political landscape. In response to the rapid advancements of this revolution, Vietnam has aimed to foster innovation and entrepreneurial activities by enacting legal frameworks and support measures. Nevertheless, the current support policies, especially in terms of financial mechanisms, lack uniformity and comprehensiveness for creative startups. This paper assesses the existing financial policies for startup development in Vietnam and offers implications to enhance the overall policy framework, with a specific focus on financial support for start-up enterprises.
 
Keywords: Start-up business, financial policy, innovation, Industry 4.0.
 
1. Giới thiệu

Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) là một doanh nghiệp được thành lập mới hoặc đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới với mục đích nhanh chóng hình thành nên một tổ chức hoặc doanh nghiệp quy mô, có khả năng nhân rộng tại các thị trường khác nhau, sử dụng yếu tố công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Theo đó, hầu hết DNKN là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, khác với DNNVV thông thường, DNKN có một số đặc trưng cơ bản, đó là:
 
- Tính đột phá và sáng tạo: Đột phá và sáng tạo là xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh thời đại CMCN 4.0, góp phần tạo ra sự khác biệt cũng như quyết định khả năng cạnh tranh. Đối với mỗi DNKN, đây được xem là yêu cầu bắt buộc và là mục tiêu phát triển quan trọng nhất. Các DNKN thường tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới chưa từng có trên thị trường hoặc đưa ra phương pháp mới, cách thức mới để làm ra các sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn trên thị trường.
 
- Khả năng tăng trưởng nhanh: DNKN được thiết kế để tăng trưởng không giới hạn. Vì vậy, các DNKN nếu có thể tồn tại, thường có khả năng tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20% trong vòng 3 năm liên tục. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa DNKN với DNNVV.
 
- Tính rủi ro: Mức độ rủi ro của DNKN xuất phát từ các nguyên nhân như ý tưởng kinh doanh mới, yếu thế cạnh tranh trên thị trường, thiếu vốn, trình độ quản trị, nguồn nhân lực... Theo nghiên cứu của tổ chức Nghiên cứu khởi nghiệp toàn cầu (GEM), với 3.200 DNKN thì chỉ có 12 doanh nghiệp tồn tại và duy nhất một doanh nghiệp giới thiệu thành công sản phẩm, dịch vụ trên thị trường và tiếp tục phát triển.
 
- Yếu tố công nghệ: Công nghệ là đặc trưng tiêu biểu của một DNKN. Do các sản phẩm của các doanh nghiệp này có tính đột phá, sáng tạo nên hầu hết DNKN sử dụng yếu tố công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ.
 
- Chu kì sống: Khác với DNNVV thông thường, chu kì sống của DNKN bắt đầu ngay từ giai đoạn phát triển ý tưởng. Chỉ sau khi thử nghiệm thành công sản phẩm xuất phát từ ý tưởng đó, DNKN mới thực sự đạt tới khâu khởi sự kinh doanh, đăng kí thành lập doanh nghiệp.
 
Trong bối cảnh CMCN 4.0, DNKN tạo ra ngày càng nhiều thành tựu đột phá và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, bởi lẽ cuộc cách mạng này hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Trong ngắn hạn, CMCN 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành, lĩnh vực dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, song cũng tạo nên những thách thức đối với một số ngành lạc nhịp về công nghệ khác phải thu hẹp đáng kể hoặc bị đào thải. Trong trung và dài hạn, CMCN 4.0 đem lại nhiều tác động tích cực, giúp cho kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng dựa trên động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, cùng với những diễn biến nhanh chóng của CMCN 4.0, cũng giống như các nước, Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
 
2. Thực trạng chính sách tài chính phát triển DNKN của Việt Nam
 
Trong những năm qua, tại Việt Nam, để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DNKN, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách mang tính kiến tạo và hỗ trợ đắc lực, cụ thể:
 
2.1. Chính sách thuế hỗ trợ DNKN
 
Trong các quy định của chính sách thuế hiện hành, thuật ngữ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hầu như chưa được đề cập. Do đó, chính sách thuế Việt Nam chưa có bất kì một quy định đặc thù cho DNKN. Các DNKN được áp dụng các ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập. Các ưu đãi của chính sách thuế hiện tại hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực nên bất kì doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện ưu đãi thì sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng. Do đó, nếu DNKN thực hiện hoạt động khởi nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thì được ưu đãi, nếu không thực hiện hoạt động tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng được các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành thì cũng không được hỗ trợ về thuế. Nội dung cơ bản của chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp mới thành lập bao gồm:
 
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho doanh nghiệp mới thành lập được thực hiện theo nhiều hình thức, bao gồm:
 
- Ưu đãi miễn thuế đối với một số loại thu nhập: Luật Thuế TNDN quy định một số khoản thu nhập được miễn thuế, trong đó có: (i) Thu nhập từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kì sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; (ii) Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam; (iii) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
- Cho phép doanh nghiệp trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm để thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không trích lập quỹ khoa học và công nghệ nhưng có thực hiện cho hoạt động khoa học và công nghệ, các khoản chi này nếu đáp ứng điều kiện xác định chi phí được trừ thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
 
- Ưu đãi về thuế suất: Thuế suất thuế TNDN ưu đãi hiện hành ở các mức 10%, 15% và 17%, được áp dụng cho một số lĩnh vực, ngành, nghề, địa bàn. Cụ thể:
 
Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với:
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composite, vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: (i) Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỉ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỉ đồng/năm, chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; (ii) Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỉ đồng, thực hiện giải ngân trong không quá 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau: (i) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; (ii) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: Dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kĩ thuật của EU hoặc tương đương.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỉ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng kí không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
 
Áp dụng thuế suất 15% đối với:
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
 
Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi được tính từ năm đầu tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu; đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Riêng đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư có quy mô lớn và công nghệ cao thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài thêm nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 15 năm.
 
Áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 10 năm đối với:
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống.
 
+ Thu nhập của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
 
- Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế:

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
 
+ Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 10 năm và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp, trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.
 
+ Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định ở đây được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
2.2. Chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho DNKN
 
Chính sách hỗ trợ vốn cho DNKN được đề cập đến trong hàng loạt các văn bản pháp quy, chương trình, đề án - điển hình như: Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 07/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" bắt đầu thực hiện từ năm 2017; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV... bước đầu giúp các DNKN đạt được thành công.
 
(1) Quyết định số 844/QĐ-TTg (Đề án 844)
 
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 844. Đề án này tập trung vào việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, phát triển hệ thống pháp luật và cổng thông tin điện tử quốc gia về khởi nghiệp vào năm 2020. Ngoài ra, đề án cũng sẽ hỗ trợ, tài trợ cho 200 DNKN. Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nhiều nguồn. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nguồn ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp quản lí của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung cụ thể. 
 
(2) Quyết định số 171/QĐ-BKHCN
 
Trên cơ sở của Quyết định, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, để định hướng, đề ra mục tiêu và giải pháp cơ bản về hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp. Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn được hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup.vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch! Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...
 
(3) Nghị định số 38/2018/NĐ-CP
 
Nghị định này hướng dẫn về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Trước khi Nghị định này ra đời, Việt Nam chưa có quy định nào về đăng kí quỹ đầu tư dành riêng cho khởi nghiệp. Các đơn vị muốn thành lập quỹ đầu tư cho DNKN phải tuân theo các quy định khắt khe của Luật Chứng khoán về quỹ đầu tư chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Do đó, tính đến cuối năm 2017, mặc dù có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư vào Việt Nam nhưng hầu hết đây là các quỹ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam như CyberAgent Ventures, 500 Startups, ESP Capiptal, chưa thành lập quỹ trong nước. Một số ít tập đoàn hoặc nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn đầu tư cho khởi nghiệp thường đầu tư dưới hình thức công ty đầu tư như FPT Ventures, Seedcom. Có lẽ chỉ có Quỹ DFJ - VinaCapital là thành lập dưới dạng quỹ theo Luật Chứng khoán do có tiềm lực lớn vì vừa thuộc mạng lưới các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trên thế giới Draper Fisher Jurvetson (DFJ) vừa thuộc hệ thống quỹ của VinaCapital.
 
Việc tạo ra các hành lang pháp lí cởi mở, thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài thành lập ở Việt Nam là cần thiết. Việc cho phép thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của người Việt cũng không kém phần quan trọng để làm địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư dưới dạng cổ đông, gián tiếp đầu tư vào DNKN trong nước. Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn lực đầu tư trong cộng đồng là rất lớn nhưng nhiều nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, kiến thức để trực tiếp đầu tư cho khởi nghiệp. Việc hợp pháp hóa quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và các công ty quản lí những quỹ này sẽ là đầu mối hữu ích để thu hút và quản lí nguồn vốn đầu tư của những nhà đầu tư như vậy. Muốn thế, cần có các quy định phù hợp, đơn giản hơn so với các quy định về quỹ đầu tư chứng khoán, bởi về bản chất, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có những đặc tính hoàn toàn khác so với quỹ đầu tư chứng khoán thông thường, đó là họ chỉ đầu tư cho các doanh nghiệp mới thành lập, trong khi các quỹ đầu tư chứng khoán thông thường có thể đầu tư cho nhiều loại tài sản khác nhau. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng chấp nhận rủi ro cao hơn các quỹ đầu tư chứng khoán thông thường vì họ đầu tư vào những công ty mới thành lập. Chính vì rủi ro này, chỉ một số ít nhà đầu tư có “khẩu vị” rủi ro cao và chịu đầu tư dài hạn mới có thể tham gia, do đó số lượng các nhà đầu tư tham gia một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thường có thể chỉ 5 - 10 nhà đầu tư so với hàng trăm nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ của quỹ đầu tư chứng khoán. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành với mục đích sẽ giải quyết các nhu cầu này. Các nội dung nổi bật là công nhận hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức và quản lí các quỹ đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để đối ứng đầu tư cho các DNKN cùng các quỹ này.
 
(4) Thông tư số 45/2019/TT-BTC ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lí tài chính thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025
 
Thông tư này quy định quản lí tài chính thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 quy định tại Đề án 844. Cụ thể:
 
- Hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án sửa chữa lần đầu (gồm sửa chữa, cải tạo, mua sắm, lắp đặt trang thiết bị của dự án), lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin trong trường hợp đơn vị đã có sẵn mặt bằng, cơ sở hạ tầng cho khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách hằng năm, bộ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phê duyệt cụ thể các dự án. Mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỉ đồng/dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
- Hỗ trợ một phần kinh phí cho DNKN đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các DNKN đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế. Nội dung và mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm: (i) Hỗ trợ một phần kinh phí cho DNKN đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp tối đa không quá 1 năm/doanh nghiệp, số doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 10 doanh nghiệp/năm; (ii) Hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gồm: Đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính...), mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/doanh nghiệp...; (iii) Hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí để DNKN đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài (tối đa 2 người/doanh nghiệp được cử đi tham gia các khóa huấn luyện; (vi) Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho DNKN đổi mới sáng tạo.
 
- Hỗ trợ một phần kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất kĩ thuật của một số cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kinh phí đối với nhiệm vụ tư vấn thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Tối đa không quá 80 triệu đồng/nhiệm vụ/doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh; hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp, nhà đầu tư khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
 
Thông tư số 45/2019/TT-BTC về quản lí tài chính thực hiện Đề án 844 đã cho phép cơ chế tài chính hoàn thiện, thông thoáng hơn. Đây là cơ sở pháp lí để chính quyền các địa phương tham khảo, xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 844 dựa trên thế mạnh và đặc điểm riêng của địa phương mình, theo đó ngân sách cho phát triển hệ sinh thái có thể chi theo luồng DNNVV như hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV (2017) hoặc một số văn bản pháp luật liên quan khác.
 
(5) Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
 
Nghị định này được xây dựng dựa trên Luật Chuyển giao công nghệ và cho phép sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ được miễn thuế để đầu tư vào các DNKN. Xu hướng quản lí cho thấy trọng tâm của Chính phủ là thu hút đầu tư nước ngoài vào các DNKN, thúc đẩy huy động vốn từ cộng đồng và cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng như duy trì mạng lưới nhà đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao từ tổ chức khoa học và công nghệ được nhận nhiều hỗ trợ như: Được cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp. Mức kinh phí dành cho những hỗ trợ nêu trên được quy định như sau: Mức hỗ trợ theo những quy định hiện hành đối với các nguồn kinh phí; được hỗ trợ tối đa 2%/năm lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của các quỹ, tổ chức tín dụng đối với các khoản vay thực hiện chuyển giao công nghệ.
 
Các chính sách trên được hiện thực hóa thông qua sự ra đời của các quỹ, sàn giao dịch về vốn trực tiếp cung cấp nguồn vốn cho các DNKN, có thể kể tới:
 
(1) Quỹ cấp Trung ương, cấp tỉnh để hỗ trợ các DNKN
 
Để khuyến khích khởi nghiệp, Chính phủ đã thành lập một số quỹ cấp Nhà nước và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ DNKN. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phối hợp với các quốc gia và ngân hàng để phát triển các chương trình tài trợ và đổi mới, cung cấp các khoản vay, đào tạo kĩ thuật và cố vấn kinh doanh. 
 
- SpeedUP là quỹ 11,75 tỉ đồng (520.520 USD), do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai. Quỹ có một loạt các khoản đầu tư từ 350 triệu đồng (15.500 USD) đến 1.282 tỉ đồng (56.800 USD). 
 
- Startupcity.vn là một nền tảng trực tuyến do UBND Thành phố Hà Nội đưa ra, có thông tin chi tiết về các DNKN và nhà đầu tư, đồng thời nhằm mục đích kết nối các nhà đầu tư với các doanh nhân. 
 
- Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan: Là một chương trình được tài trợ song phương bởi 2 chính phủ. Giai đoạn từ năm 2014 - 2018 có kinh phí 11 triệu EUR. Danh mục của Chương trình bao gồm Abivin (phân tích dữ liệu lớn), Beeketing (tiếp thị trực tuyến), Entobel (nhà cung cấp nguồn cấp dữ liệu bền vững) và Ezcloud (các giải pháp quản lí khách sạn tích hợp) trong số những người khác. 
 
- Saigon Silicon City Centre là một khu phức hợp rộng 52 ha, đang được xây dựng để hỗ trợ các DNKN tập trung vào công nghệ và các công ty quốc tế. Dự kiến ​​sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá 1,5 tỉ USD vào năm 2020 cho các ngành công nghiệp mục tiêu như vi điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học và công nghệ nano cùng các ngành khác. 
 
- Mekong Business Initiative là một chương trình hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á và Chính phủ Australia, tập trung vào các nguồn tài chính thay thế, bao gồm đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần và Fintech ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. 
 
- Phòng thí nghiệm Ứng dụng di động (mLab) Đông Á được thành lập bởi Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao phối hợp Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai và có một chương trình ươm tạo tập trung vào cố vấn, đào tạo, tiếp cận thiết bị và tài chính. 
 
- Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia (NATIF) là cơ quan Chính phủ và tổ chức tài chính trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới và chuyển giao công nghệ. 
 
- Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATECD) là tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cung cấp các chương trình đào tạo, cố vấn và hỗ trợ tài chính có hiệu lực với các quy định chi tiết về hỗ trợ khởi nghiệp trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại, đầu tư, cho vay ưu đãi và ưu đãi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.
 
(2) Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho DNKN
 
Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho DNKN được khởi xướng, trong đó Bộ Tài chính chủ trì, hướng dẫn hạch toán kế toán cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty thực hiện quản lí quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Mô hình này đã phát triển mạnh ở nước ngoài như những sàn giao dịch chứng khoán cho các công ty công nghệ. Mô hình này được kì vọng sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin cho doanh nghiệp, cũng như nâng cao các chuẩn mực kế toán áp dụng cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, các DNKN sẽ có độ tin cậy cao hơn trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt, thông qua sàn giao dịch vốn, các nhà đầu tư có thể dễ dàng rót vốn và thoái vốn tại các DNKN. Do đó, sàn giao dịch vốn này sẽ thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm, qua đó DNKN sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên, để sàn giao dịch này phát triển bền vững, cần xây dựng quy chế chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trên sàn, đồng thời đa dạng sản phẩm giao dịch cho nhà đầu tư lựa chọn.
 
2.3. Chính sách hỗ trợ lãi suất
 
Hiện nay, có một số hình thức hỗ trợ đối với DNKN bao gồm: Ưu đãi tín dụng, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn từ các tổ chức tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ Hỗ trợ DNNVV áp dụng đối với DNKN đáp ứng về quy mô lao động hoặc nguồn vốn là DNNVV, hoặc đáp ứng được các tiêu chí đối với DNKN.
 
(1) Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng
 
Điều 8 của Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 đã đưa ra các biện pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín dụng doanh nghiệp và khuyến khích việc xếp hạng doanh nghiệp. Đồng thời, Quyết định số 1276/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế đã đề xuất các nhóm hành động (trong đó có việc nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng đối với DNNVV và nâng cao chất lượng thông tin khách hàng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận thông tin đầy đủ để nâng cao chất lượng tín dụng). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lí cho DNNVV và đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Trong giai đoạn 2017 - 2019, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2019. Đồng thời, các NHTM cũng tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV. Nhờ đó, dư nợ cho vay đối với DNNVV liên tục tăng qua các năm kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực. Tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng, chiếm 36,8% tổng dư nợ khối doanh nghiệp, tăng 21,1% so với cuối năm 2018. Điều 20 Luật hỗ trợ DNNVV đã quy định Quỹ Phát triển DNNVV có chức năng cho vay, tài trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Để hướng dẫn thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, Quỹ đã ban hành quy chế cho vay gián tiếp và công bố mức lãi suất cho vay ngắn hạn (4,16%/năm), trung và dài hạn (6%/năm), giữ cố định hoặc giảm trong suốt thời gian vay vốn. Đến nay, Quỹ Phát triển DNNVV đã chấp nhận ủy thác cho vay 149,8 tỉ đồng và kí hợp đồng ủy thác cho vay 14 dự án của DNNVV với tổng số vốn 106,4 tỉ đồng, đã giải ngân được 92,5 tỉ đồng. 
 
(2) Về hỗ trợ bảo lãnh tín dụng
 
Bảo lãnh tín dụng được hiểu là một cam kết được đưa ra bởi một tổ chức tín dụng, một tổ chức tài chính nhằm hoàn lại số tiền cho bên cho vay nếu bên vay không trả được nợ bên vay phải chịu thêm một khoản phí gọi là phí bảo lãnh tín dụng. Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra vấn đề về Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, trong đó quy định rõ: Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do UBND cấp tỉnh thành lập. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Đồng thời, việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
 
Đa số DNKN đều dễ bị tổn thương do quy mô nhỏ, khả năng tài chính kém, khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đây cũng chính là nhóm đối tượng cần được bảo lãnh tín dụng hơn cả để vượt qua khó khăn, tiếp tục tồn tại và phát triển trong nền kinh tế ngày càng khó khăn. Ở cấp Nhà nước, hiện nay đang có hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trước là Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đây là ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ). VDB cam kết sẽ bảo lãnh 100% vốn vay và lãi phát sinh theo hợp đồng, thời gian thỏa thuận vay vốn của doanh nghiệp với ngân hàng thương mại mức phí bảo lãnh tối đa 0,5%/năm, dựa trên số tiền được bảo lãnh quá trình thẩm định hồ sơ bảo lãnh vay vốn theo quy định sẽ không quá 20 ngày đối với các dự án đầu tư, phương án kinh doanh phân cấp. Còn trường hợp không phân cấp và bảo lãnh vốn vay bằng ngoại tệ, thời gian thẩm định không quá 10 ngày, các hợp đồng bảo lãnh, thế chấp tài sản và nhận nợ nguyên tắc sẽ tiến hành trong thời gian tối đa 5 ngày. Sau đó, VDB cấp chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục vay vốn với ngân hàng thương mại. Giám đốc các chi nhánh VDB sẽ quyết định về bảo lãnh vay vốn với các khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn. VDB chỉ cấp chứng thư bảo lãnh vốn vay và giới thiệu cho doanh nghiệp với những ngân hàng đã kí kết biên bản thỏa thuận. Doanh nghiệp muốn được bảo lãnh vay vốn phải mở tài khoản tại các chi nhánh VDB. Khi được VDB bảo lãnh vay vốn, các doanh nghiệp phải chịu mức phí bảo lãnh cao nhất bằng 0,5%/năm trên tổng số tiền được bảo lãnh. Tuy bị mất phí bảo lãnh nhưng doanh nghiệp vẫn được vay vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường vì khoản vay này được các ngân hàng thương mại xếp vào dạng khách hàng tốt nhất với tỉ lệ rủi ro bằng không. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì VDB sẽ trả hộ. Khi phát sinh nhu cầu vay vốn có bảo lãnh, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn đến VDB, nhiều nhất là 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ VDB tiến hành thẩm định nếu đủ điều kiện thì có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Trường hợp không chấp thuận bảo lãnh, VDB sẽ thông báo cho doanh nghiệp và giải thích rõ lí do không chấp thuận. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, UBND tỉnh/thành phố đã ra quyết định thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng trực thuộc UBND. Trong đó, với chức năng là tổ chức tài chính do UBND tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, Quỹ Bảo lãnh tín dụng có nhiệm vụ cơ bản là bảo lãnh cho các DNNVV, các hợp tác xã, trang trại, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh/thành phố được vay vốn tại các tổ chức tín dụng khi thiếu tài sản thế chấp. Hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng loại này đã, đang và sẽ hỗ trợ các khách hàng tăng cường nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
 
(3) Các khoản vay với lãi suất ưu đãi
 
Ngoài hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ, nhiều chính sách và các khoản vay ưu đãi của Nhà nước dành cho DNKN đã dần hình thành và được khơi thông. Hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa một số ngân hàng thương mại trong nước đã được kí với Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF), giúp các ngân hàng trong vai trò đồng hành và sát cánh cùng DNNVV; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hàng đầu thị trường. Nhóm DNKN là nhóm được ưu tiên với gói tín dụng của SMEDF tập trung nhiều ưu đãi phù hợp với đặc thù DNKN như thời gian hoạt động còn ít, tài sản đảm bảo hạn chế… SMEDF sẽ đóng vai trò cung cấp “vốn mối” để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước; chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp (triển vọng phát triển, kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp, tính minh bạch thông tin tài chính…). Các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp và ổn định trong suốt thời gian vay, với lãi suất ngắn hạn là 4,16%/năm, lãi suất trung, dài hạn là 6%/năm và thời gian cho vay tối đa là 7 năm (trong đó ân hạn tối đa 2 năm), nhờ đó doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn và được giảm áp lực về chi phí tài chính trong suốt thời gian triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. DNNVV được vay tối đa 80% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án và tối đa đối với một khách hàng không quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ.
 
3. Một số đánh giá
 
3.1. Kết quả đạt được
 
Qua khái quát một số nét thực trạng về chính sách tài chính phát triển DNKN có thể thấy, Nhà nước ngày càng chú trọng trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính cho DNKN, tập trung tạo lập hành lang pháp lí, cơ chế hỗ trợ cho các loại hình quỹ đầu tư và phát triển nhằm khuyến khích việc tham gia đầu tư rót vốn của nhà đầu tư vào các DNKN. Nhờ đó, DNKN có cơ hội lớn hơn được tiếp cận hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước và từ các tổ chức cũng như nhà đầu tư tư nhân. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là điểm đáng ghi nhận trong thời gian qua. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển như cải thiện về thủ tục về thuế và hải quan; cơ chế một cửa; đăng kí doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng kí kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.
 
3.2. Một số tồn tại
 
Nhìn chung, các giải pháp tài chính từ phía Chính phủ hỗ trợ hoạt động của DNKN chưa đạt được sự tổng thể trong cách tiếp cận, cùng với đó là việc thiếu hoàn thiện về hệ thống cơ chế chính sách. Cụ thể:
 
Thứ nhất, về chính sách thuế hỗ trợ DNKN
 
- Hiện nay, chưa có quy định chính thức nào về chính sách thuế đối với DNKN. Theo tìm hiểu của tác giả, mới chỉ có Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành vào năm 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết Luật Hỗ trợ DNNVV. Mặc dù Luật Hỗ trợ DNNVV quy định về việc hỗ trợ thuế, kế toán cho DNNVV, song chưa có quy định nào đề cập tới trường hợp của DNKN, trong Nghị định số 39/2018/NĐ-CP cũng không đề cập đến vấn đề này.
 
- Mặc dù đã có định hướng ưu đãi về thuế suất cho DNKN trong Luật Hỗ trợ DNNVV, chính sách thuế chưa có sự phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho các DNKN. Cụ thể, hiện nay DNKN áp dụng thuế suất thuế TNDN phổ thông như các doanh nghiệp khác. Việc ưu đãi thuế suất hay miễn giảm thuế TNDN có thời hạn đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng giống như bất kì doanh nghiệp nào mới thành lập từ dự án đầu tư mới.
 
- Hiện nay, chưa có quy định chính sách thuế phân biệt đối với nhà đầu tư vào DNKN khi chuyển nhượng vốn. Chính sách thuế quy định đánh thuế đối với từng lần chuyển nhượng vốn, từng lần chuyển nhượng chứng khoán đối với việc đầu tư vào bất kì doanh nghiệp nào sau đó chuyển nhượng vốn. Việc đầu tư vào các doanh nghiệp này có độ rủi ro cao, chính sách thuế chưa quy định cho phép nhà đầu tư bù trừ lỗ từ việc đầu tư vào một số DNKN vào lãi của một số dự án đầu tư vào các dự án khởi nghiệp khác. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư vào các DNKN.
 
Thứ hai, về chính sách hỗ trợ vốn cho DNKN
 
- Các hỗ trợ tài chính hiện nay chủ yếu tác động vào giai đoạn tiền ươm tạo; mặt khác, hiệu quả tác động của chính sách chủ yếu dựa trên chiều rộng, chất lượng ươm tạo chưa cao. Dù Việt Nam thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước cũng đã thành lập các vườn ươm nhằm hỗ trợ cho DNKN thành lập mới. Tuy nhiên, mô hình vườn ươm ở nước ta đang trong giai đoạn đầu hình thành, quy mô nhỏ, hoạt động ươm tạo khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, một trong các nguyên nhân quan trọng là chi ngân sách nhà nước dành cho các vườn ươm vẫn còn hạn chế, nên vườn ươm chưa phát huy tác dụng đối với DNKN. Hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chưa được phối hợp trong kế hoạch tổng thể, có chỗ còn trùng lặp hoặc bị phân tán rời rạc, các hình thức hỗ trợ chưa đa dạng và cơ chế chưa thực sự linh hoạt, ở cả cấp Trung ương và địa phương nên tác dụng của chi ngân sách nhà nước đối với DNKN chưa được phát huy tốt. So với trước đây, đối tượng được tài trợ chủ yếu là các tổ chức trung gian, thì trong thời gian gần đây trong các quy định của Nhà nước đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến tài trợ trực tiếp cho DNKN. Tuy nhiên do quỹ ngân sách nhà nước của Việt Nam còn hạn hẹp nên phần kinh phí dành để hỗ trợ trực tiếp cho DNKN chưa nhiều nên chưa phát huy tối đa tác dụng. Mặc dù có quy định về hỗ trợ cho các DNKN và chú trọng ưu tiên dành nhiều hỗ trợ hơn cho DNKN tiềm năng, tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan chưa xây dựng bộ tiêu chí để chọn ra những DNKN tiềm năng có khả năng nhận hỗ trợ. Điều này cũng dẫn đến vốn ngân sách nhà nước chưa đến được các DNKN một cách nhanh nhất, đúng đối tượng nhất.
 
- Luật Hỗ trợ DNNVV đã đưa ra vấn đề về Quỹ Bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV, trong đó quy định rõ: “Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do UBND cấp tỉnh thành lập. Đồng thời, việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng có thể dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp”. Văn bản này mới chỉ đề cập đến DNNVV nói chung, chưa tính đến đặc thù của DNKN đổi mới sáng tạo nên về cơ bản, các doanh nghiệp trên chưa được hưởng lợi từ các quy định này. Bên cạnh đó, nhiều DNKN sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn về tài sản bảo đảm và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp do các DNKN hầu hết đều mới kinh doanh và giá trị tài sản bảo đảm thường không có hoặc có thì là những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, khó xác định giá trị, vì vậy, không đủ điều kiện để được bảo lãnh vay vốn.
 
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ lãi suất
 
Quy định về đối tượng hưởng ưu đãi về lãi suất cho vay chưa được thiết kế phù hợp với đặc điểm của DNKN. Đã có một loạt các văn bản quy định về lãi suất cho vay đối với các DNNVV, trong quy định cũng đã hướng tới các tiêu chuẩn của DNKN nhưng vẫn chỉ là những điều kiện chung cho DNNVV, chưa tính đến những tính chất đặc thù của DNKN là thời gian từ lúc thành lập đến lúc vay ngắn, chưa được xếp hạng tín dụng ổn định và các hồ sơ chưa đảm bảo một số tiêu chí về điều kiện hưởng ưu đãi.
 
4. Khuyến nghị chính sách
 
Thông qua đánh giá thực trạng chính sách tài chính gắn với DNKN cũng như tham chiếu kinh nghiệm một số quốc gia, có thể thấy để thúc đẩy phát triển DNKN, cơ chế nói chung và chính sách tài chính nói riêng hướng tới việc thúc đẩy sự phát triển cộng đồng DNKN ở Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung chính sau:
 
Thứ nhất, tăng cường hỗ trợ tài chính liên quan tới chính sách thuế cho DNKN
 
Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển DNKN để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng các DNKN, đặc biệt là giai đoạn đầu. Chính sách miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như miễn giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng, giảm các mức đóng góp cho bảo hiểm xã hội...; cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về chính sách thuế đối với các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp theo hướng có tính chất đặc thù hơn, ưu đãi hơn. Để hỗ trợ các DNKN, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp thông qua việc cấp vốn cho các DNKN hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua việc chi tiêu thuế. Việc cấp vốn trực tiếp cho DNKN có thể được thực hiện thông qua Quỹ Hỗ trợ công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải DNKN nào cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ này. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ gián tiếp cho các nhà đầu tư, các đối tượng hỗ trợ DNKN và miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước sẽ trở nên hữu ích. Các biện pháp hỗ trợ về thuế đối với DNKN đổi mới sáng tạo có thể được chia thành các nhóm chủ yếu sau đây:
 
- Đối với DNKN: Trong thời gian đầu hoạt động có thể chưa có doanh thu, lợi nhuận, vì vậy, nên áp dụng có mức ưu đãi thuế cao hơn so với các doanh nghiệp khác như: Cho phép miễn thuế trong thời gian 5 năm đầu hoạt động và áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian dài hơn so với thời hạn 15 năm mức ưu đãi hiện đang áp dụng với các doanh nghiệp khác. Đồng thời, có thể cho phép chuyển lỗ không giới hạn thời gian thay vì 5 năm như hiện nay để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho DNKN. 
 
- Đối với nhà đầu tư khởi nghiệp: Vốn là một trong hai điều kiện cần để các ý tưởng khởi nghiệp có thể trở thành hiện thực. Vì vậy, các chính sách cần được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư khởi nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, cần ban hành quy định về đầu tư mạo hiểm bên cạnh việc quy định về đầu tư cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. Trong đó, cần chỉ rõ nghĩa vụ thuế của các nhà đầu tư này khi thực hiện đầu tư cũng như khi chuyển nhượng vốn. Nên đưa ra những quy định về giảm thuế TNDN (đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp) hoặc thuế thu nhập cá nhân (đối với các cá nhân đầu tư) trong trường hợp có thu nhập từ đầu tư hoặc chuyển nhượng vốn. Đồng thời, có thể cho phép bù trừ số lỗ của dự án đầu tư cho khởi nghiệp với các dự án khác để giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn cho DNKN.
 
- Đối với các đối tượng hỗ trợ DNKN là trường đại học, viện nghiên cứu, vườn ươm: Ban hành quy định về chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng có tính chất đặc thù đối với nhóm đối tượng này. 
 
+ Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được; công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ trực tiếp vào hoạt động ươm tạo công nghệ tại vườn ươm.
 
+ Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới ươm tạo công nghệ cao trong các lĩnh vực tại vườn ươm hoặc thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (theo quy định của Luật Công nghệ cao) mà được ươm tạo thành công tại vườn ươm được áp dụng.
 
+ Áp dụng quy định về việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc tại vườn ươm như đối với cá nhân làm việc trong các khu kinh tế hiện nay. Đối với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác, cũng cần có những quy định cụ thể hơn như miễn thuế đối với thu nhập nhận được hỗ trợ từ khởi nghiệp cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các đối tượng tư vấn pháp lí, hỗ trợ kinh doanh, các đối tượng xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các khu làm việc chung cho các startup, đối với các hoạt động quảng bá, truyền thông... nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với thu nhập từ các hợp đồng dịch vụ kĩ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp hiện nay
 
Thứ hai, thúc đẩy hỗ trợ về vốn thông qua chính sách ưu đãi tín dụng
 
Để tiếp cận được nguồn vốn của các quỹ khởi nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả, DNKN phải chuẩn bị dự án thật tốt trước khi tiếp cận các nguồn vốn, dù đó là nguồn vốn của Nhà nước hay các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tìm hiểu thông tin, có tinh thần học hỏi, tìm chuyên gia tham khảo, tham gia các khóa học về kinh doanh để bổ sung cho mình kiến thức cơ bản nhất. Tiếp theo, bản thân DNKN phải nghiên cứu tìm hiểu về lãi suất khi vay vốn khởi nghiệp, tính toán khả năng trả nợ có phù hợp với điều kiện thực tế không để có những phương pháp tiếp cận và vay vốn hiệu quả. Tuy nhiên, để nguồn vốn được giải ngân, Nhà nước cần đưa ra các cơ chế hỗ trợ tài trợ như: 
 
- Kết hợp nguồn vay không hoàn lại cũng như nguồn vay hoàn lại và các khoản đầu tư, tài trợ của Chính phủ; các khoản trợ cấp, đồng tài trợ cho các DNKN. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ cho các chương trình sáng tạo, tạo lập các khoản cho vay sử dụng trợ cấp vốn của nhà nước, tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu; đồng thời, nên tạo điều kiện để DNKN có thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ bằng cách cung cấp các phương pháp tiếp cận dễ dàng hơn và nhanh hơn; tìm kiếm phương pháp thay thế tài chính; ban hành các chính sách tiền tệ và giúp xác định các nguồn tin tài chính trong khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài.
 
- Nhà nước định hướng việc đơn giản hóa thủ tục tài trợ vốn như đơn giản hóa và làm rõ điều kiện tài trợ vốn, tạo lập các quỹ kết cấu, hệ thống giám sát dễ dàng hơn, thủ tục thực hiện nhanh chóng hơn cũng là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính. Ngoài ra, cần tạo thêm các công cụ tài chính như quỹ cho vay không hoàn lại cho các DNKN có các sáng kiến đổi mới theo định hướng và các thí nghiệm được triển khai thực nghiệm.
 
- Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho DNKN, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn. Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, kêu gọi khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho DNKN. Xây dựng quỹ đầu tư cho DNKN theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ, nhằm mục đích kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ từ các thành phần xã hội cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng. Quỹ đầu tư này sẽ được đăng kí hoạt động theo mô hình công ty đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư. Phần lợi nhuận tạo ra từ nguồn đầu tư của Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DNKN, cũng như đầu tư trực tiếp cho DNKN tiềm năng.
 
- Phát triển mở rộng các kênh tín dụng ưu đãi cho DNKN, cụ thể là: (1) Thành lập các quỹ hỗ trợ cho giai đoạn đầu khởi nghiệp như quỹ sáng kiến giai đoạn đầu, dành riêng cho DNKN. Đây là các quỹ thuộc sở hữu nhà nước vì theo kinh nghiệm của các nước (Hà Lan, Úc) giai đoạn đầu khởi nghiệp, đặc biệt là giai đoạn ý tưởng và thử nghiệm sản phẩm mang tính rủi ro cao, các nhà đầu tư bên ngoài rất ít đầu tư vào giai đoạn này; (2) Thành lập quỹ đầu tư cho DNKN (quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm) theo mô hình hợp tác công tư. Đây là mô hình đầu tư được nhiều nước như Singapore, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc... áp dụng. Theo đó, Nhà nước sẽ bỏ một khoản vốn nhất định hoặc đầu tư vào DNKN thông qua các quỹ này theo tỉ lệ vốn đối ứng; (3) Hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động thông qua hoàn thiện khung pháp lí, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, xem xét miễn thuế, hoàn thuế TNDN theo lộ trình, miễn/giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc thương vụ đầu tư; Nhà nước đầu tư theo hướng vốn đối ứng đối với khoản đầu tư của các quỹ cũng như nhà đầu tư và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia (sau 5 năm); (4) Nhà nước ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp theo hướng tạo khung pháp lí để quản lí, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn.
 
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ về lãi suất cho DNKN và bảo lãnh tín dụng
 
Chính phủ đã đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho DNNVV chủ yếu thông qua Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Cả hai đều là những sáng kiến hữu ích nhưng lại ít được sử dụng. Quỹ Phát triển DNNVV chủ yếu được triển khai thông qua các ngân hàng đối tác, cung cấp 80% các khoản vay với lãi suất trần dưới lãi suất thị trường, trong đó công ty đi vay được yêu cầu đóng góp 20% chi phí dự án. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên có thể không khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng thương mại do giảm quá mức biên lợi nhuận của các khoản vay được Quỹ Phát triển DNNVV hậu thuẫn, trong khi điều kiện thứ hai có thể ngăn cản việc đăng kí vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ, vốn hạn chế về nắm giữ tiền mặt. Việc các doanh nghiệp nhỏ ít biết tới Quỹ Phát triển DNNVV và quy trình phê duyệt lâu cũng được cho là những lí do khiến việc sử dụng Quỹ này bị hạn chế. Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng được ít người sử dụng. Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tỉ lệ hoàn trả bảo lãnh vay vốn và phí bảo lãnh vay vốn để tăng cường tính bền vững của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần tin tưởng chính quyền địa phương về việc thực hiện những cam kết bảo lãnh của chính quyền địa phương. Mặt khác, chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương quản lí quỹ bảo lãnh và hiệu quả của quá trình phê duyệt bảo lãnh sẽ phải được cải thiện để thúc đẩy hiệu quả của chương trình này.
 
Thứ tư, một số hỗ trợ khác cũng có thể được cân nhắc áp dụng:
 
- Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DNKN, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DNKN, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNKN.
 
- Thực hiện ưu đãi đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trường đại học, vườn ươm tương tự những ưu đãi đã và đang thực hiện thí điểm đối với Vườn ươm Công nghệ Việt - Hàn.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Decker, R., Haltiwanger, J., Jarmin, R. & Miranda, J. (2014) “The Role of Entrepreneurship in US Job Creation and Economic Dynamism”.
2. Deloitte Canada (2015), “Age of Disruption - Are Canadian Firms Prepared?”, Deloitte Future of Canada Series.
3. Lê Minh Hương (2016), Chính sách tài chính hỗ trợ DNKN ở Việt Nam, đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính.
4. Marmer, M., Hermann B.L. & Berman R. (2011), Startup Genome Report 01, A new framework for understanding why startups succeed.
5. OECD (2012a), Entrepreneurship policy framework and implementation guidance.
6. OECD (2012b), Financing SMEs and Entrepreneurship: An OECD Scoreboard, OECD, Paris.
7. Phạm Đức Anh (chủ biên) (2022), Giải pháp tài chính hỗ trợ khởi nghiệp: Những vấn đề lí luận và thực tiễn (Sách chuyên khảo), NXB. Đại học Kinh tế Quốc dân.
8. Phạm Đức Anh & Bùi Thị Mến (2022), Áp dụng chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 4, tháng 2, trang 43 - 51.

TS. Phạm Đức Anh 
Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục