Thị trường chứng khoán ngày 1/11/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Bảo Minh (BMI) bị phạt do vi phạm công bố thông tin; BII lỗ hơn 42 tỷ đồng từ khoản đầu tư cổ phiếu TDH; Tự doanh CTCK mua ròng đột biến gần 1.950 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 10;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 1/11/2021.

BII lỗ hơn 42 tỷ đồng từ khoản đầu tư cổ phiếu TDH: Sau phiên giao dịch 18/10, CTCP Louis Land (HNX: BII) không còn là cổ đông của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) khi bán sạch hơn 11,3 triệu cp TDH. Trong phiên 18/10, thị trường không ghi nhận bất kỳ giao dịch thỏa thuận nào ở cổ phiếu TDH, cho thấy toàn bộ giao dịch của BII đều được thực hiện thông qua khớp lệnh. Với giá bình quân của cổ phiếu TDH trong phiên 18/10 đạt 10.696 đồng/cp, ước tính BII đã thu về gần 121,4 tỷ đồng sau thương vụ. Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất quý 3/2021 của BII, giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu TDH của BII tại thời điểm cuối tháng 9 ghi nhận hơn 163,7 tỷ đồng. Như vậy, BII đã lỗ hơn 42 tỷ đồng sau thương vụ đầu tư cổ phiếu TDH…

TLH thu về gần 34 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phiếu quỹ: CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) đã bán thành công toàn bộ 1,46 triệu cp quỹ đã đăng ký giao dịch trong khoảng thời gian từ ngày 13-27/10. Sau giao dịch, TLH không còn bất kỳ cổ phiếu quỹ nào. Với giá bình quân 23.192 đồng/cp, TLH đã thu về gần 34 tỷ đồng từ thương vụ. TLH quyết định bán ra toàn bộ số cổ phiếu quỹ trong bối cảnh thị giá cổ phiếu TLH tăng mạnh kể từ đầu năm 2021. Tính đến cuối phiên 28/10, giá cổ phiếu TLH ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 24.200 đồng/cp, tăng hơn 218% so với đầu năm 2021.

Bảo Minh (BMI) bị phạt do vi phạm công bố thông tin: Ngày 27/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (HOSE - Mã: BMI) vì công bố thông tin không đúng thời hạn. Cụ thể, đơn vị này công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN và trên hệ thống công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) các tài liệu sau: Báo cáo thường niên năm 2019, Báo cáo thường niên năm 2020, Báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2020.

Khối ngoại chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng trên HOSE: Điểm tích cực của thị trường tuần qua là khối ngoại quay trở lại mua ròng và góp phần đáng kể trong việc giúp các chỉ số đi lên. Cụ thể, tính chung cả 3 sàn, khối ngoại mua vào 203 triệu cổ phiếu, trị giá 8.597 tỷ đồng, trong khi bán ra 183 triệu cổ phiếu, trị giá 8.300 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 20 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 297 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 441 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 25 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng trên 752 tỷ đồng. HPG được khối ngoại mua ròng trở lại 343 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Tuần trước đó, cổ phiếu này bị bán ròng đến trên 1.000 tỷ đồng.

Tự doanh CTCK mua ròng đột biến gần 1.950 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 10: Điểm tích cực của thị trường là cả khối ngoại lẫn tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) đều có tuần mua ròng mạnh. Đối với khối tự doanh, theo dữ liệu từ FiinPro, dòng vốn này mua vào 72 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 3.621 tỷ đồng, trong khi bán ra 40,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.674 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 31,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.947 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Giao dịch của khối tự doanh hầu hết được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh với 1.948 tỷ đồng. TCB là cổ phiếu được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất tuần qua với 256 tỷ đồng. ACB và VHM đứng sau với giá trị mua ròng đều trên 200 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các chứng chỉ quỹ ETF nội bị dòng vốn tự doanh bán ròng mạnh. Đứng đầu danh sách bán ròng là FUESSVFL với 149 tỷ đồng. E1VFVN30 đứng sau với 64 tỷ đồng. FUEVFVND cũng bị bán ròng 47 tỷ đồng. NKG đứng thứ 3 trong danh sách bán ròng của khối tự doanh với 56 tỷ đồng.

Gelex vượt 10% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng: CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu tăng 28% lên 6.024 tỷ đồng. Giá vốn tăng ít hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 77% lên 960 tỷ đồng. Theo giải trình, việc sở hữu Viglacera (HoSE: VGC) từ quý II đã đóng góp chung làm tăng lợi nhuận gộp 417 tỷ đồng… Các chi phí đều cao hơn cùng kỳ, trong đó chi phí bán hàng và quản lý tăng hơn gấp đôi, chủ yếu do phí dịch vụ mua ngoài và nhân công tăng. Tuy vậy, lãi sau thuế vẫn tăng 69% lên gần 344 tỷ đồng; riêng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng 71% đạt 239 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 59% lên 12.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 79% lên 1.414 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 836 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021 với việc hợp nhất Viglacera, Gelex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với thực hiện năm ngoái. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vượt 10% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nam Việt (ANV) chi hơn 132,1 tỷ đồng trả cổ tức năm 2020: Ngày 26/11, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico (HOSE – Mã: ANV) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020. Cụ thể, Công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 10% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 24/12. Với hơn 132,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ phải chi trên 132,1 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2020 cho cổ đông.

Nguyễn Thanh

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán