Phiên giao dịch ngày 31/8/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 31/8/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Duy trì khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu CRE

Trong quý 2/2021, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (HOSE - Mã: CRE) ghi nhận doanh thu (DT) đạt 1.644 tỷ đồng (+277% svck) nhờ vào (1) DT mảng đầu tư thứ cấp tăng 845% so với cùng kỳ (svck) lên 1.292 tỷ đồng chủ yếu đến từ 2 dự án BĐS tại Hà Nội là Louis City và Hinode Royal Park; (2) DT mảng môi giới tăng 82% svck lên 474 tỷ đồng với số lượng giao dịch BĐS tăng 120% svck. Tuy nhiên, biên LN gộp Q2/21 chỉ đạt 16,7%, giảm mạnh sv mức 41,2% trong Q2/20 do tỷ trọng doanh thu lớn hơn của mảng đầu tư thứ cấp (chỉ đem lại biên lợi nhuận gộp 15,1% trong 6T21) và biên lợi nhuận gộp mảng môi giới thấp hơn. CRE đang đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh phí môi giới BĐS nhằm giành được nhiều thị phần hơn. Kết quả là lợi nhuận ròng Q2/21 tăng 40,7% svck lên 127 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, công ty đạt 3.685 tỷ đồng doanh thu (+422% svck) và 250 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+87% svck), tương đương 70% dự phóng cả năm của VND.

Chính phủ đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ kể từ đầu tháng 7/2021, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động môi giới BĐS trong Q3/21, và có thể sẽ kéo dài đến Q4/21. Do đó, VND giảm dự phóng số lượng giao dịch môi giới của CRE năm 2021 xuống 9.024 đơn vị (+7% svck), giảm 28% so với dự phóng trước đó. Tuy nhiên, VND kỳ vọng thị trường BĐS sẽ ấm dần kể từ Q4/21 trở trong bối cảnh lãi suất vay mua nhà thấp. Trong năm 2022, số lượng giao dịch sẽ tăng mạnh 40% svck hỗ trợ doanh thu mảng môi giới của công ty tăng 37% svck lên 1.819 tỷ đồng.

Dù mảng môi giới kém khả quan hơn trong năm 2021, VND vẫn tăng dự phóng doanh thu mảng đầu tư thứ cấp trong năm 2021-22 lên 61,1%-44,5% nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6T21. Louis City và Hinode Royal Park sẽ tiếp tục là các dự án dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2022. Do đó, doanh thu năm 2021 sẽ tăng mạnh 141,5% svck, trước khi tăng 22,2% svck trong năm 2022. Trong khi đó, LNR của công ty sẽ tăng 40,5%-22,4% svck trong năm 2021-2022.

Do đó, VND duy trì khuyến nghị Trung Lập với giá mục tiêu cao hơn là 49.000 đồng/cp. Định giá của VND dựa trên sự kết hợp hai phương pháp với tỷ trọng bằng nhau (1) P/E mục tiêu 11x cho trung bình EPS 2021-22 và (2) P/B mục tiêu 1,7x cho trung bình giá trị sổ sách 2021-22. Tiềm năng tăng giá là quy mô của các dự án đầu tư thứ cấp lớn hơn kỳ vọng.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu APH tiếp cận ngưỡng 67.000 đồng/cp

Cổ phiếu APH (CTCP Tập đoàn An Phát Holdings – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng hồi phục từ ngưỡng đáy 45.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt gưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.

Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 và MA50; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 53.7, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 67.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 47.0.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

Xem xét mua cổ phiếu PLC ở mức giá hiện tại

Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX - Mã: PLC) ghi nhận doanh thu trong quý 2/2021 đạt 1.787 tỷ đồng, tăng 50% YoY, LNST đạt 78 tỷ, tăng 37% YoY. Lũy kế 6T2021, PLC ghi nhận doanh thu 3.439 tỷ, tăng 34% YoY, LNST đạt 125 tỷ đồng, tăng 55% YoY. Như vậy, PLC đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh thu quý 2/2021 của PLC tiếp tục tăng trưởng nhờ mảng nhựa đường hưởng lợi theo xu hướng đầu tư công của Chính phủ và mảng hóa chất hưởng lợi khi PLC bán các sản phẩm hóa chất dung môi cho các doanh nghiệp xuất khẩu da giày, cao su, nhựa (là các ngành xuất khẩu khả quan trong 6T2021). Lợi nhuận tăng thấp hơn doanh thu do biên lợi nhuận gộp ở mức 17,8%, thấp hơn mức cùng kỳ 19,9% do giá dầu ở mức cao khiến PLC chịu áp lực tăng chi phí đầu vào, ở mảng nhựa đường.

FSC kỳ vọng mảng nhựa đường của PLC tiếp tục trực tiếp hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025. Một số dự án lớn dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ cuối 2021 – đầu 2022 như cao tốc Mỹ Thuận 2, sân bay Long Thành. Tuy nhiên, FSC cũng lưu ý biên lợi nhuận mảng này sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ giá dầu thế giới.

Mảng hóa chất được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đà hồi phục xuất khẩu của Việt Nam sau khi COVID được khống chế. FSC cũng đánh giá cao PLC với tỷ lệ cổ tức đều đặn 10-30% trong 7 năm qua.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, PLC đang được giao dịch tại mức PE TTM là 14,4x (tương ứng EPS TTM là 2.391 đồng), thấp hơn mức PE TTM trung bình ngành là 21,2x. Mức Stock Rating của PLC ở mức 84 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của PLC đạt mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Có thể xem xét mua cổ phiếu DXP ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp

CTCP Cảng Đoạn Xá (HNX - Mã: DXP) ghi nhận doanh thu trong Q2/2021 đạt 19 tỷ đồng, giảm 43% YoY, LNST đạt 12 tỷ, giảm 3% YoY. Lũy kế 6T2021, DXP ghi nhận doanh thu 40 tỷ, giảm 38% YoY, LNST đạt 19 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% YoY. Như vậy, DXP đã hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh thu DXP giảm do vị trí cảng Đoạn Xá ở thượng nguồn, không có nhiều lợi thế như các cảng ở hạ nguồn cụm cảng Hải Phòng và việc nhập khẩu thép (vốn chiếm tỷ trọng lớn hàng qua cảng Đọan Xá) ở khu vực phía Bắc giảm sau khi nhà máy thép mới Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát, Dung Quốc đi vào hoạt động từ cuối 2020. Tuy nhiên, do giá cước vận tải cao hơn và dịch bệnh khiến hàng hóa lưu kho – bãi nhiều hơn giúp biên lợi nhuận Q2/2021 đạt 60,4%, tăng mạnh so với 37,3% cùng kỳ.

Trong ngắn hạn, DXP tiếp tục hưởng lợi từ việc tăng giá cước vận tải và phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Trong trung hạn, do vị thế cảng Đoạn Xá không có nhiều lợi thế ở các cảng hạ nguồn nên DXP đã có chủ trương sẽ sửa chữa nâng cấp để phát triển các kho bãi chứa hàng và tìm kiếm các nguồn hàng mới trong nước.

Trong quý 3/2021, DXP cũng dự kiến sẽ tăng vốn thông qua phát hành 15 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tương đương 57,72% số cổ phiếu hiện tại), giá phát hành dự kiến 10,000 đồng/cổ phiếu, phục vụ M&A các công ty cùng ngành để tăng quy mô DXP và phát triển chuỗi giá trị.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DXP đang được giao dịch tại mức PE TTM là 9,8x (tương ứng EPS TTM là 2.189 đồng), thấp hơn mức PE TTM trung bình ngành là 37,2x. Mức Stock Rating của DXP ở mức 89 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, đồ thị giá của DXP quay trở lại mức đỉnh ngắn hạn và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của DXP được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu LCG

Mức Stock Rating của LCG (CTCP Licogi 16 – sàn HOSE) ở mức 84 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá của LCG vẫn dưới 80 điểm cho nên các NĐT ngắn và trung hạn chỉ nên nắm giữ với tỷ trọng thấp dưới 10%.

Đồ thị giá của LCG có dấu hiệu vượt mức kháng cự ngắn hạn 16.20 và hướng về mức đỉnh trung hạn là 16.63. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng và xu hướng ngắn và trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG.

Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể NẮM GIỮ đối với cổ phiếu LCG.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán