Phiên giao dịch ngày 24/2/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 24/2/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể mua cổ phiếu ELC ở mức giá hiện tại

CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (HOSE - Mã: ELC) ghi nhận doanh thu trong Q4/2021 đạt 153 tỷ đồng, giảm 58% YoY, LNST đạt 18 tỷ, tăng 46% YoY. Lũy kế cả năm 2021, ELC ghi nhận doanh thu 600 tỷ đồng, giảm 25% YoY, LNST đạt 47 tỷ đồng, tăng 48% YoY. Như vậy, ELC đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 129% kế hoạch LNST.

Doanh thu Q4/2021 của ELC giảm do chậm tiến độ ghi nhận các dự án giao thông thông minh hiện tại. Tuy nhiên, LNST tăng mạnh nhờ: 1) biên lãi gộp cải thiện lên mức 29,8% (cùng kỳ 11,2%); 2) khoản lợi nhuận bất thường từ các công ty liên kết 20 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 20 triệu đồng). ELC cho biết do doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng mở rộng các mảng kinh doanh, dự án mới tại các công ty con tách biệt cho giai đoạn 2022-2025, do đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh thông thường trong tương lai của ELC sẽ được đóng góp lớn bởi các công ty con.

Động lực tăng trưởng 2022 của ELC nằm ở mảng Giao thông thông minh và hưởng lợi trong xu hướng đầu tư công của Chính phủ. Với lợi thế bề dày kinh nghiệm và nắm giữ thị phần thứ 2 trong thị trường ngách này, ELC có nhiều khả năng sẽ trúng thầu dự án Giao thông thông minh trong nội đô tại Hà Nội và TP HCM (tổng quy mô 2.150 tỷ đồng) và các hạng mục Giao thông thông minh thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam (tổng quy mô 4.000 tỷ). Hiện tại ELC đã ký kết một số hợp đồng lớn cho các tuyến đường như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Diễn Châu – Bãi Vọt,…

Vừa qua, tại ĐHCĐ bất thường tháng 12/2021, ELC đã thông qua phương án sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:15 với giá chào bán 11.500 đồng/cổ phiếu, mục tiêu bổ sung vốn cho các dự án hiện tại và hoạt động của công ty. Việc phát hành thành công sẽ giúp ELC có thêm nguồn vốn để tăng tính cạnh tranh cho các dự án đầu tư công đấu thầu trong giai đoạn 2022-2025.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, ELC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 24,9x (tương ứng EPS TTM là 950 VNĐ). Mức Stock Rating của ELC ở mức 87 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của ELC đóng cửa tăng 3,8% và vượt hoàn toán đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của ELC xuất hiện mô hình đảo chiều Bullish Bat và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 21,79% nếu Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.

Khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể mua cổ phiếu MBB ở mức giá hiện tại

FSC nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2022E của Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE - Mã: MBB) thêm +2 điểm phần trăm (ppt), đạt 17% YoY so với dự báo trước đó của FSC là 15% YoY. Dự báo thu nhập lãi thuần tăng 11% trong năm 2022E, đạt 31 nghìn tỷ đồng (+18% YoY).

Dự báo NIM tăng 26 điểm cơ bản (bps) so với dự báo trước đó, đạt 5,29% (+17bps YoY) cho năm 2022E do tăng tỷ trọng đóng góp của phân khúc cho vay khách hàng cá nhân và tỷ lệ CASA ở mức cao.

Dự báo thu nhập phí tăng 5% so với dự báo trước đó của FSC, kỳ vọng đạt 5,5 nghìn tỷ đồng (+24% YoY) vào năm 2022E.

Hiệu quả chi phí hoạt động sẽ được cải thiện nhờ vào việc số hóa. FSC kỳ vọng tỷ lệ CIR điều chỉnh (không bao gồm khoản thu từ xử lý nợ xấu trong doanh thu) sẽ đạt 37% vào năm 2022E (-2ppt YoY).

Dự báo khoản trích lập dự phòng năm 2022E tăng 28% so với dự báo trước đó do ảnh hưởng từ đợt giãn cách xã hội Q3/2021, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng (+6% YoY). Tuy nhiên, tỷ lệ LLR cao của MBB giúp ngân hàng linh hoạt hơn so với hầu hết các ngân hàng khác trong việc giảm trích lập dự phòng và thúc đẩy lợi nhuận trong tương lai.

FSC nâng dự báo LNST của CĐCT mẹ thêm 17% đạt 15,6 nghìn tỷ đồng cho năm 2022E, tương ứng với tốc độ tăng trưởng +27% YoY.

MBB đang giao dịch tương ứng với P/B 2022E là 1,5x so với trung vị ngành là 1,7x; ROE kỳ vọng năm 2022E của MBB theo giả định của FSC là 22%, cao hơn so với trung vị ngành là 20%. Mức Stock Rating của MBB ở mức 80 điểm cho nên FSC nâng mức đánh giá lên TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của MBB đóng cửa tăng 5,4% và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng mạnh so với KLGD trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên FSC kỳ vọng đồ thị giá có thể sẽ sớm vượt mức đỉnh 34,50. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của MBB cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 13,38% nếu sức mạnh giá trên 80 điểm.

Các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục duy trì vị thế mua và nắm giữ cổ phiếu DDV

Mức Stock Rating của DDV (Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM - Sàn UPCoM) ở mức 85 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức sức mạnh giá của DDV vẫn dưới 80 điểm cho nên các NĐT ngắn hạn chỉ nên xem xét nắm giữ tỷ trọng thấp dưới 5%.

Đồ thị giá của DDV đóng cửa tăng 7,2% với KLGD tăng mạnh trên mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của DDV có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và đồ thị giá xuất hiện mô hình đảo chiều tăng giá Bullish Gartley.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo MUA vào ngày 22/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 7,24% cho nên các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục duy trì vị thế MUA và NẮM GIỮ.

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với mức giá 54.100 đồng/cp

Trong năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE - Mã: VPB) kế hoạch sẽ phát hành thêm 15% vốn cho cổ đông, MBS kỳ vọng sẽ mang lại cho ngân hàng một khoản thặng dư vốn hơn 33 ngàn tỷ đồng, đưa mức CAR của ngân hàng đạt 17% trở thành ngân hàng có CAR lớn nhất ngành. Từ đó, MBS kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VPB (hợp nhất) sẽ đạt trên 23% trong năm 2022.

Sự tăng trưởng vượt trội của ngân hàng mẹ trong thời gian đại dịch là minh chứng rõ nhất cho thấy ngân hàng đang nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí hoạt động và đặc biệt nâng cao đáng kể năng lực tiếp cận và cung cấp dịch vụ không tiếp xúc. Ngoài ra, nền tảng số hóa của ngân hàng mẹ sẽ là bệ phóng hỗ trợ giảm chi phí vốn và tăng trưởng hiệu quả.

Mặc dù mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng khiến chất lượng tài sản hợp nhất của VPB có phần suy giảm nhưng xét riêng ngân hàng mẹ, chất lượng tài sản vẫn được cải thiện rõ rệt. Chủ động ứng phó với rủi ro từ đại dịch, ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng nhảm đảm bảo tỷ lệ LLR đủ để xử lý các khoản nợ xấu. Đồng thời, ngân hàng mẹ còn gia tăng đáng kể tỷ lệ LLR so với năm 2020.

Tỷ lệ CASA đạt hơn 22% trong năm 2021, thể hiện sự tăng trưởng rõ rệt so với 1 năm trước đó nhờ vào những sản phẩm sáng tạo cùng với hiệu quả chuyển đổi số đi đầu giúp lượng tiền gửi online cũng như việc gia tăng lượng khách hàng trực tuyến ngày càng được đẩy mạnh. Trong những năm sau, với việc phát triển hệ sinh thái của mình VPB được kỳ vọng gia tăng mạnh mẽ CASA nhằm đảm bảo lợi thế chi phí vốn của mình. Bên cạnh đó, việc nhận được khoản vay hợp vốn trị giá 300 triệu USD cũng cho thấy ngân hàng đang từng bước tiếp cận và nâng cao uy tín trên thị trường vốn quốc tế đồng thời đây được kỳ vọng sẽ mở ra nguồn vốn mới với chi phí hợp lý hơn cho ngân hàng đặc biệt trong bối cảnh có sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược của ngân hàng mẹ.

Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng cao sau khi các hoạt động tăng vốn được diễn ra theo đúng kế hoạch sẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ CIR thấp nhất toàn ngành cũng được kỳ vọng sẽ duy trì trong những năm tiếp theo khi mà hiệu quả chuyển đổi số của ngân hàng còn rất nhiều dư địa để phát huy. Thu nhập ngoài lãi được củng cố bởi việc đàm phán lại hợp đồng banca và các dịch vụ từ các công ty con trong hệ sinh thái cũng là yếu tố giúp ngân hàng giải quyết bài toán tăng trưởng và duy trì tỷ lệ ROE cao trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào từ các Thương vụ chuyển nhượng vốn và phát hành riêng lẻ.

Theo đó, MBS lặp lại khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 54.100 đồng/cp (+47,8% upside) dựa trên: (i) tăng trưởng cao nhờ nguồn vốn gia tăng mạnh mẽ; (ii) tăng trưởng cao từ nền tảng của ngân hàng mẹ; (iii) chất lượng tài sản được nâng cao nhờ chú trọng kiểm soát rủi ro; (iv) CASA tăng trưởng mạnh nhờ chuyển đổi số; (v) nguồn thu ngoài lãi được củng cố bởi hợp đồng banca mới với AIA.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thiện Nhân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán