Phiên giao dịch ngày 16/7/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 16/7/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn quan sát và không mua cổ phiếu NKG khi dư địa tăng trưởng không còn nhiều

CTCP Thép Nam Kim (HOSE - Mã: NKG) ghi nhận doanh thu Q2/2021 đạt 7.016 tỷ đồng, tăng 201% YoY, LNST đạt 848 tỷ, tăng 4.799% YoY. Lũy kế 6 tháng năm 2021, doanh thu đạt 11.877 tỷ đồng, tăng 148% YoY, LNST đạt 1.166 tỷ, tăng 1.884 % YoY. Như vậy, NKG đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 194% kế hoạch LNST.

Doanh thu quý 2 tăng trưởng nhờ nhu cầu thép cao ở thị trường trong nước và đặc biệt là các quốc gia mà NKG xuất khẩu (châu Âu, Mỹ, chiếm hơn 50% sản lượng tiêu thụ). Châu Âu và Mỹ hiện đang hồi phục mạnh kinh tế sau khi vaccine được tiêm nhanh chóng cho người dân. Giá thép Q2 tiếp tục cao hơn khoảng 25% so với kế hoạch của NKG và doanh nghiệp đã chuyển phần chi phí gia tăng (HRC đầu vào) vào giá bán. Theo đó, lợi nhuận tốt hơn của kênh xuất khẩu đã giúp biên lợi nhuận gộp Q2/2021 tăng mạnh lên mức 18,6%, cao hơn 6% so với Q1/2021 và 14% so với cùng kỳ 2020.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, việc hồi phục kinh tế tại thị trường châu Âu và châu Mỹ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho NKG. Doanh nghiệp cho biết do nhu cầu cao ở kênh xuất khẩu nên NKG có khả năng chuyển phần gia tăng chi phí (HRC nguyên liệu) vào giá bán. Bên cạnh đó, NKG hiện đã đạt mức có thể hưởng lợi thế theo quy mô, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận 2021 của NKG sẽ tiếp tục được giữ ở mức cao. Đối với thị trường trong nước, gia tăng doanh số có thể chậm lại so với 6 tháng đầu năm tuy vẫn tăng trưởng, do giá thép cũng như vật liệu xây dựng tăng cao hiện đang gây nhiều ý kiến trái chiều đối với việc chậm lại quá trình giải ngân đầu tư công.

FSC cũng lưu ý hiện NKG đã đạt công suất tối đa và cũng chưa có kế hoạch triển khai dự án Chu Lai trong 2021. Do đó, NKG chỉ còn khả năng tăng trưởng lợi nhuận dựa trên lợi thế về quy mô và tinh gọn chi phí hoạt động trong 2021. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng sẽ giảm do tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn của NKG đã giảm liên tục 4 quý và đang ở mức 29%.

Ở mức giá hiện tại, NKG đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 9,5x (tương ứng EPS TTM là 3.279 VNĐ).

Mức Stock Rating của NKG ở mức 96 điểm, trong đó Điểm cơ bản và Sức mạnh giá đều trên 90 điểm. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá đang giao dịch trên mức 97 điểm cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ không còn nhiều và thay vào đó ưu tiên cho chiến lược nắm giữ.

Đồ thị giá của NKG hồi phục lên trên mức 31.90 với khối lượng giao dịch tăng đột biến trong phiên 14/07/2021. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của cổ phiếu này vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghi các nhà đầu tư ngắn hạn quan sát và không mua khi dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Đồng thời, các NĐT trung hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ và hạn chế gia tăng tỷ trọng, nếu Sức mạnh giá đạt mức trên 98 thì các NĐT trung hạn có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng nắm giữ.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu ACB tiếp cận ngưỡng giá 38.000 đồng/cp

Cổ phiếu ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu – sàn HOSE) đang hình thành nhịp hồi phục sau khi điều chỉnh về ngưỡng đáy 31.15. Thanh khoản cổ phiếu nằm dưới ngưỡng trung bình 20 phiên.

Chỉ báo MACD đang dần chuyển hướng sang hội tụ trong khi chỉ báo RSI đang báo hiệu nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu nằm ngang dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tang vẫn đang được kiểm tra.

Nhà đầu tư trung hạn có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 32.5 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 38.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 30.0.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GDT

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu cho CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) với khuyến nghị mua và tổng mức sinh lời dự phóng là 24,9%. GDT chủ yếu sản xuất và xuất khẩu đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng nhỏ và đồ chơi làm từ gỗ cao su.

GDT đã giữ tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) tối thiểu là 25% trong giai đoạn 2014- 2020, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục duy trì mức ROIC này trong bối cảnh GDT tập trung vào các sản phẩm nhỏ với mức độ cạnh tranh nhẹ cũng như chi phí thấp, nhờ chi phí lao động thấp của Việt Nam và công ty sử dụng gỗ cao su đầu vào giá rẻ.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của EPS đạt 13% trong giai đoạn 2020-2023 một phần nhờ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc mà chúng tôi cho rằng GDT sẽ tận dụng lợi thế nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, thành tích đã được chứng minh, và việc đạt được các bộ chứng nhận về ESG. Chúng tôi kỳ vọng GDT sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng của mình - đặc biệt là tại các thị trường chưa chủ lực như Mỹ và EU.

Tương tự như các năm trước, chúng tôi kỳ vọng GDT sẽ duy trì tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt tối thiểu ở mức 85% trên lợi nhuận sau thuế nhờ dòng tiền tự do dồi dào. Theo quan điểm của chúng tôi, công ty có lợi suất cổ tức hấp dẫn, dự kiến đạt 7,7%.

Giá mục tiêu dựa theo mô hình chiết khấu cổ tức (DDM) của chúng tôi tương ứng P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 của GDT đạt 12,1 lần so với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 7,7 lần. Chúng tôi cho rằng GDT đáng hưởng mức định giá cao do có tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư và biên lợi nhuận vượt trội, triển vọng EPS tăng trưởng hai chữ số và lợi suất cổ tức cao.

Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: Giá gỗ cao su tăng trong bối cảnh diện tích trồng cao su của Việt Nam đang giảm dần; chi phí lao động tăng; các nguyên tắc ESG khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu chính.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam - KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 85.600 đồng/cp

Hồi phục nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, hưởng lợi từ câu chuyện riêng tại thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU. Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may được dự báo hồi phục đáng kể nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được đẩy nhanh trên toàn cầu; tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng tác động bởi các hiệp định thương mại tự do ( EVFTA) sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho MSH trong thời gian tới.

CTCP May Sông Hồng (MSH) là một trong những doanh nghiệp uy tín, có khả năng sản xuất sản phẩm có độ khó cao, đội ngũ lao động lành nghề và quản lí chi phí tốt; là đối tác của nhiều công ty thời trang lớn trên thế giới. MSH cũng là một trong số ít doanh nghiệp có tỷ trọng hàng FOB cao với cả phương thức FOB cấp 1 và FOB cấp 2 có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với phương thức CMT.

Nhà máy may Sông Hồng 10 đi vào hoạt động giúp nâng 35% công suất FOB. Nhà máy SH10 đã được triển khai và dự kiến hoàn thành vào tháng 11, 2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Dự kiến SH10 sẽ tăng công suất thêm hơn 2 triệu sản phẩm/ tháng phục vụ đơn hàng FOB cho đối tác chiến lược (tương ứng tăng 35% công suất FOB hiện tại).

Dự phòng khoản phải thu của New York & Company khả năng cao sẽ được hoàn nhập. New York & Co (NYC) - một đối tác lâu năm của MSH tuyên bố phá sản khiến doanh nghiệp mất đi một khách hàng lớn và phải trích lập 186 tỷ chi phí dự phòng phải thu. Tuy nhiên, MSH dự kiến có thể thu hồi 37% giá trị khoản phải thu này tương đương 81 tỷ đồng trong quý II/2021.

KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 85.600 đồng/CP với kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng nhờ nhu cầu tăng mạnh, mở rộng công suất và khả năng đẩy mạnh thị trường xuất khẩu cùng cổ tức tiền mặt hấp dẫn.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam 

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán