Phiên giao dịch ngày 16/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 16/3/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

NĐT ngắn hạn có thể xem xét tiếp tục nắm giữ cổ phiếu HDC

Mức Stock Rating của HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu – Sàn HOSE) ở mức 90 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của HDC đóng cửa phiên 14/3 tăng 5% và đồ thị giá tiến vào vùng kháng cự 107. Điểm tích cực là KLGD duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền ngắn hạn tích cực. Đồng thời, đồ thị giá rơi vào vùng quá mua, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên FSC cho rằng đồ thị giá của HDC có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh ngắn hạn khi đồ thị giá tiệm cận vùng kháng cự mạnh.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo mua vào phiên 22/02/2022 với lợi nhuận tạm tính là 21%, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét tiếp tục NẮM GIỮ hoặc chốt lời một phần và chờ mua lại ở nhịp điều chỉnh.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi cổ phiếu FCN tại ngưỡng 28.500 đồng/cp

Công ty cổ phần FECON (HOSE - Mã: FCN) có một phiên tăng điểm khá tốt trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Thanh khoản cổ phiếu giao dịch quanh ngưỡng trung bình 20 phiên, FCN đang giao dịch quanh vùng tích lũy 23.900 đồng/cp – 26.400 đồng/cp. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tương đối tích cực.

Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 tuy nhiên hiện vẫn ở dưới đường MA50. Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 24.500 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 28.500 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 22.500 đồng/cp.

Công ty chứng khoán MB – MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu TVB với giá mục tiêu 32.300đồng/cp, Upside 39%

Trong năm 2021, doanh thu của Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (HOSE - Mã: TVB) ghi nhận trưởng gần 180% YoY đạt hơn 434 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là hoạt động tự doanh với tỷ lệ 42%, kế đến là các hoạt động về nghiệp vụ môi giới và cho vay margin với tỷ trọng lần lượt là 31% và 25%. LNST đạt hơn 300 tỷ đồng tăng trưởng hơn 317% YoY, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cải thiện đạt lần lượt 85,75% và 69,43%.

Tổng tài sản đạt hơn 1.800 tỷ đồng tăng trưởng 88% YoY, phần lớn đến từ khoản cho vay margin với hơn 1.113 tỷ đồng tăng trưởng 92% YoY. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 1.370 tỷ đồng tăng trưởng 127% YoY, trong đó vốn điều lệ tăng trưởng 105% YoY đạt 1,120 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt hơn 243 tỷ đồng tăng trưởng hơn 1275% YoY.

MBS dự phóng TVB ghi nhận ~338 tỷ đồng LNST trong năm 2022 với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi như môi giới, tự doanh, cho vay margin tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh TTCK duy trì khả quan.

Dựa trên định hướng chiến lược kinh doanh sắp tới, MBS dự phóng công ty sẽ chuyển dịch dần tỷ trọng từ phần lớn tự doanh sang cân bằng hơn với nguồn thu từ môi giới và ủy thác/ quản lý tài sản/ M&A với nền tảng từ sự tăng vốn vượt trội trong năm 2021, từ đó KQKD sẽ có sự ổn định mang tính cơ bản hơn.

MBS xác định giá mục tiêu của cổ phiếu TVB vào khoảng 32.300 đồng/cp (+39% upside) với phương pháp so sánh P/B, P/E và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI), với mức P/B và P/E forward dự kiến lần lượt là 1,7x và 7,9x.

Theo đó, MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TVB, với giá mục tiêu 32.300đồng/cp (+39%), dựa trên các luận điểm: (1) Triển vọng tăng trưởng 2022 khả quan từ sự tích cực của giá trị giao dịch thị trường, (2) kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và cải thiện vượt trội, (3) nguồn vốn tăng trưởng vượt trội tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu PVT với giá mục tiêu là 34.400 đồng/cp, upside 30,8%

Luỹ kế cả năm 2021, Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE - Mã: PVT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.368 tỷ (-0,2% YoY) và LNST đạt 838 tỷ VNĐ (+0,9% YoY). KQKD đi ngang so với năm 2020 tới từ (1) Nhu cầu vận tải & vận hành FSO/FPSO chịu ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn giãn cách xã hội; và (2) Phát sinh thêm chi phí hoạt động liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), cung/cầu sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2022, từ đó thúc đẩy nhu cầu tàu chở dầu và giá cước vận tải năng lượng cải thiện đáng kể. Ngoài ra, KBSV nhận thấy rằng xung đột giữa Nga – Ukraine cũng trở thành một chất xúc tác tốt cho sự phục hồi của ngành vận chuyển năng lượng, việc thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu dầu khí, từ đó giúp tăng giá cước vận tải ở các tuyến hoạt động của PVT và tác động tích cực đến giá cho thuê tàu của doanh nghiệp.

KBSV đánh giá cao kế hoạch mở rộng đội tàu của PVT. Với vị thế đầu ngành, việc nâng số lượng tàu sẽ giúp cho triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo hơn nhờ vào các tàu mới chạy tuyến định hạn quốc tế với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn so với các chủ tàu nước ngoài. Với kế hoạch mở rộng trong 2022-2023, KBSV dự kiến tổng công suất đội tàu của PVT có thể được nâng lên gấp đôi, đạt 1.707 nghìn DWT vào cuối năm 2023 so với mức 978 nghìn DWT vào cuối năm 2021

KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/E với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị MUA cho PVT với mức giá mục tiêu là 34.400 đồng/cp, tương đương với upside 30,8% so với giá đóng cửa 26.300 đồng/cp ngày 14/03/2022.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thiện Nhân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán