Phiên giao dịch ngày 14/4/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 14/4/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Tiếp tục quan sát cổ phiếu DPM

Mức Stock Rating của DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP – Sàn HOSE) ở mức 98 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của DPM đóng cửa tăng 2,2% và giao dịch gần đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng 39% so với phiên giao dịch trước đó.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro giảm giá có dấu hiệu giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn của DPM vẫn duy trì ở mức GIẢM. Theo đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục QUAN SÁT cổ phiếu DPM.

Có thể tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu Phần mềm và DV máy tính

Mức Sector Rating của nhóm Phần mềm và DV máy tính (Soft-Index) đạt mức 87 điểm, cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này. Chỉ số Soft-Index đóng cửa tăng 1,1% với KLGD tăng nhẹ so với mức KLGD trung bình 20 phiên.

Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu tăng dần cho nên nhóm cổ phiếu này có thể sẽ ít biến động và tăng/giảm nhẹ ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số này vẫn duy trì ở mức TĂNG.

Theo mô hình giá, chỉ số này đang bước vào giai đoạn sóng điều chỉnh 04, nhưng dư địa cho đỉnh sóng tăng 05 sẽ không còn nhiều cho nên các NĐT nên ưu tiên cho vị thế nắm giữ và hạn chế mua mới. FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu chú ý: CMG, FPT, SGT.

CTCK Mirae Asset - MASVN

Khuyến nghị mua cổ phiếu ASM với giá mục tiêu 35.200 đồng/cp

CTCP Tập đoàn Sao Mai (HOSE - Mã: ASM) là tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam với doanh thu thuần năm 2021 đạt 11.398 tỷ đồng (-9% so CK) chủ yếu đến từ thương mại cá tra và phụ phẩm cá tra (88%), năng lượng mặt trời (5%) và bất động sản (5%) và du lịch. Tuy doanh thu thuần của ASM 2021 giảm nhẹ do các tác động của COVID-19, tập đoàn vẫn đạt lợi nhuận ròng 600 tỷ đồng, tăng 26,3% so CK nhờ giá cá tra và phụ phẩm cá tra xuất khẩu tăng mạnh khi các thị trường xuất khẩu Nam Mỹ và Châu Á phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Năm 2022, được đánh giá tiếp tục là một năm thuận lợi cho ASM khi các mảng kinh doanh chính đều có tăng trưởng tốt. Cá tra và phụ phẩm cá tra sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh Nga Ukraina khi mà các lệnh cấm vận từ Mỹ, Châu Âu lên Nga trong gia đoạn hậu chiến được dự báo sẽ làm cho nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng từ các nguồn ngoài Nga trong đó có Việt Nam tăng lên. Bên cạnh cá tra, mảng điện mặt trời và du lịch của ASM sẽ có sự phục hồi tốt nhờ nhu cầu điện của các khu công nghiệp và nhu cầu du lịch nội địa bật tăng mạnh từ mức thấp 2021 khi COVID-19 đăng dần được coi là bệnh đặc hữu.

MASVN dự phóng, năm 2022 mảng cá tra của ASM có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 18% so CK, lên 11.841 tỷ đồng nhờ giá xuất khẩu cao được duy trì cả năm 2022 so với 6 tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ khách sạn, du lịch được dự báo tăng 120% so CK lên 243 tỷ đồng từ mức thấp 2021 còn điện mặt trời kỳ vọng mang về 714 tỷ đồng, tăng 20% so CK nhờ nhu cầu điện tại các khu công nghiệp phục hồi từ mức thấp 2021. Như vậy, doanh thu thuần 2022 ASM được kỳ vọng đạt 13.522 tỷ đồng, tăng 18,6% so CK. LNST 2022 dự phóng đạt 816 tỷ đồng, tăng 16,0% so CK. EPS pha loãng dự phóng đạt 2.069 đồng/cp.

MASVN khuyến nghị Mua với cổ phiếu ASM, giá mục tiêu 35.200 đồng. Giá mục tiêu được xác định bằng phương pháp P/E với hệ số mục tiêu 17,0x (Trung bình lịch sử 12 tháng) áp dụ trên EPS dự phóng 2022. Cổ phiếu đăng được giao dịch với mức P/E forward 12,0x.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VIC với giá mục tiêu 97.700 đồng/cp

Do tác động của đại dịch, Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE - Mã: VIC) lần đầu tiên báo cáo lỗ lợi nhuận sau thuế (lỗ 7,6 nghìn tỷ đồng, giảm 147% ck), mặc dù doanh thu tăng nhẹ lên 125.7 nghìn tỷ đồng (+13,7% ck). Đại dịch Covid khiến nhiều mảng phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa trong thời gian dài như Vincom Retail, Vinpearl. Ngoài ra việc đóng cửa bất ngờ mảng sản xuất ô tô xăng để tập trung vào xe điện cũng khiến chi phí tăng lên, bên cạnh đó Vingroup cũng chi 6,1 nghìn tỷ đồng trong năm để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Năm ngoái, Vinhomes thu về 79,5 nghìn tỷ đồng (+10,1% ck) nhờ bàn giao sản phẩm của 3 đại dự án. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này tăng đáng kể (56% vào năm 2022 so với chỉ 36% trong năm 2021), nhờ vào hoạt động bán sỉ vốn chiếm một nửa tổng doanh thu. Vinhomes dự kiến sẽ tung ra 3 dự án mới vào năm 2022, đồng thời bàn giao phần còn lại của 3 đại dự án, với doanh thu từ bán sỉ tiếp tục chiếm đa số. MASVN dự báo mảng này sẽ tăng trưởng 14% trong năm nay, với doanh thu đạt 91,6 nghìn tỷ đồng.

Đại dịch buộc các thành phố lớn và nhiều điểm nóng du lịch trên cả nước phải đóng cửa, khiến hoạt động của Vincom Retail và Vinpearl bị đình trệ, dẫn đến kết quả kinh doanh không như mong đợi (giảm lần lượt là -19,5% và -33,5% so với ck). Tuy vậy tình hình đã được cải thiện đáng kể trong Q4 và MASVN dự báo doanh thu của cả hai mảng này có thể trở lại mức trước đại dịch trong năm 2022, với doanh thu cho Vincom Retail và Vinpearl lần lượt đạt 8,3 nghìn tỷ đồng và 7,8 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2021, Vinfast đã bàn giao 35.700 xe (trong khi đó chỉ giao 24.100 xe trong năm 2020), hầu hết là các mẫu xe xăng. Vừa qua Vingroup tuyên bố sẽ đóng cửa hoạt động sản xuất xe xăng (cùng với các sản phẩm điện tử khác) để tập trung vào mảng xe điện và thâm nhập thị trường ô tô Mỹ. Tuy mảng này báo lỗ kỷ lục 3,9 nghìn tỷ đồng vào năm 2021, MASVN kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện đáng kể trong tương lai và có thể hết lỗ EBITDA trong năm 2025. Điểm sáng trong năm qua là các mẫu xe điện được đón nhận nồng nhiệt với hơn 40.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, Vingroup cũng có kế hoạch huy động 2 tỷ USD thông qua IPO trong nửa cuối năm nay để tài trợ cho nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ, với công suất giai đoạn 1 lên đến 150.000 xe mỗi năm.

Theo đó, MASVN khuyến nghị Mua cổ phiếu VIC, với giá mục tiêu là 97.700 đồng/cổ phiếu. MASVN tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội đột phá cho Vingroup trong thời gian tới, nhất là trong mảng sản xuất xe hơi điện. Việc thâm nhập vào thị trường xe hơi Mỹ mang nhiều rủi ro nhưng sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn nếu thành công. Các rủi ro nhỏ không đáng kể khác đối với Vingroup bao gồm khoảng cách xã hội kéo dài và chi phí vật liệu xây dựng tăng.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Thiện Nhân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán