Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 28/9/2021.
Thị trường chứng khoán trong nước có phiên giảm mạnh kể từ phiên 24/8, dòng tiền thận trọng khiến thị trường trượt dốc trong phiên chiều, gần 400 cổ phiếu giảm giá trong đó có tới 48 mã giảm sàn trên sàn HSX khi đà giảm mạnh ở nhóm smallcap vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX phiên này tương đương với mức bình quân ở tuần trước, đạt 19.460 tỷ đồng.
Theo MBS, chỉ số VN-Index đã giảm 100 điểm kể từ đỉnh (tương đương giảm 6,97%), phiên giảm hôm nay tương đương với phiên giảm thứ 2 từ đỉnh tháng 8. Nhịp giảm hiện tại đang bị chi phối bởi đà lao dốc kể từ đỉnh cao mới của nhóm midcap và smallcap, trong khi dòng tiền cũng thận trọng ở nhóm Vn30. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã để mất ngưỡng MA50 và dừng ngay ở ngưỡng Fibonacci 50% (1.324,9 điểm). Trong trường hợp thị trường để mất cả 2 ngưỡng hỗ trợ này trong phiên ngày mai, có thể áp lực bán sẽ còn gia tăng, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy, không bình quân giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9, VN-Index giảm 26,18 điểm (-1,94%) xuống 1.324,99 điểm. HNX-Index cũng giảm đến 6,62 điểm (-1,84%) xuống 353,01 điểm. UPCoM-Index giảm 2,31 điểm (-2,36%) xuống 95,76 điểm.
Kéo chỉ số sụt giảm trong phiên hôm nay gồm có: MSN (-3,43), TCB (-2,89), VNM (-1,83), MBB (-1,70), ACB (-1,33)… Ngược lại, góp phần kìm hãm đà lao dốc của chỉ số gồm có: VJC (+1,32), PLX (+ 0,02)…
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 19.451 tỷ đồng, + 16,4% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 21.787 tỷ đồng. Biên độ dao động là 29,39 điểm. Thị trường có 48 mã tăng, 24 mã tham chiếu và 376 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -256,83 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-139,3 tỷ), VIC (-66,6 tỷ) và VND (-51,8 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 8,46 tỷ đồng
Theo BSC, sau chuỗi phiên tích lũy của tuần trước, VN-Index đã điều chỉnh trong phiên giao dịch hôm nay. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy giảm khi chỉ có 3/19 nhóm ngành vận động khả quan so với phiên trước. Các nhóm kiềm chế đà giảm của thị trường là: Viễn thông, Du lịch và giải trí, dầu khí. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX và mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn khá mạnh sau chuỗi phiên tích lũy quanh ngưỡng 1.350 điểm. Với xu hướng như vậy, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.320-1.330 điểm trong các phiên giao dịch sắp tới.
VN-Index (-1,94%) giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, qua đó xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ quan trọng lần lượt 1.350 điểm, 1.325-1.340 điểm (MA20-50). Rất may là thanh khoản khớp lệnh trong phiên hôm nay là không quá lớn, chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là chưa thực sự mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng 250 tỷ đồng trên hai sàn cũng tạo ra áp lực lên thị trường chung.
Tuy nhiên, tình hình là chưa thực sự tiêu cực và thị trường vẫn còn cơ hội hồi phục trở lại. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 28/9, VN-Index có thể biến động giằng co và rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 1.325-1.340 điểm và ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.300 điểm.
Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại.
Aseansc nhận định thị trường ngày 27/09 ghi nhận phiên giảm điểm khá trong bối cảnh áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường, qua đó tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Dự báo trong phiên giao dịch 28/09, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.315 – 1.320 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.305 – 1.310 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Về mặt kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ thứ 3 dạng ‘Marubozu’ với giá đóng cửa nằm dưới đường MA20 ngày, kèm thanh khoản cải thiện, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.315 – 1.320 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.305 – 1.310 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.325 – 1.330 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.335 – 1.340 điểm.
KBSV nhận định tín hiệu gia tăng của thanh khoản tại các nhịp sụt giảm phá đáy trong phiên 27/09 tiếp tục cho thấy áp lực phân phối. Mặc dù vậy về tổng thể, chỉ số vẫn đang vận động đi ngang theo mẫu hình tam giác và dần lùi về điểm đỡ quan trọng quanh 1.300. Đây là mốc then chốt quyết định đến khả năng giữ được vùng đáy 1,22x, chừng nào điểm đỡ 1.300 chưa bị phá vỡ, vẫn có thể kỳ vọng vào kịch bản xuất hiện nhịp hồi phục.
KBSV khuyến nghị sau khi bán thu hẹp tỷ trọng vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể trải mua trở lại 1 phần khi chỉ số về vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng lần tuân thủ nguyên tắc dừng lỗ nếu VN-Index phá vỡ điểm đỡ này.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|