Người cầm cổ - kẻ nắm tiền đều chán nản vì thanh khoản lao dốc

(Banker.vn) Phiên giao dịch 28/7 kết thúc sự sụt giảm mạnh về thanh khoản trên thị trường. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt xấp xỉ 362 triệu đơn vị - mức thấp nhất kể từ phiên 27/11/2020 khi khối lượng khớp lệnh phiên giao dịch này đạt 356 triệu đơn vị. Câu hỏi đặt ra là, có hay không sự hoang mang, e dè của giới đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Thị trường chứng khoán chốt phiên giao dịch ngày 28/7/2021 với sắc xanh gần như không đáng kể của VN-Index. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp VN-Index tăng điểm. Tuy vậy, kể cả người đang nắm giữ cổ phiếu hay những người đang cầm tiền đều không thấy vui.

Với người nắm giữ cổ phiếu, họ không dám chắc nỗ lực hồi phục của thị trường sẽ thành công khi mà 3 phiên liên tiếp cứ hồi phục lực bán chốt lãi lại trỗi dậy khiến thị trường chứng khoán không tạo ra được phiên tăng bứt phá nào. Còn với người cầm tiền, họ chưa cảm nhận được một sự bứt phá đáng tin cậy để họ rót tiền đầu tư.

Bên cầm tiền thờ ơ, bên cầm cổ phiếu cũng không tự tin vào triển vọng thị trường nhưng cắt lỗ là việc rất khó nên những người đang thua lỗ chờ đợi trong mệt mỏi.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, phiên ngày 28/7, thanh khoản sàn HOSE đã về mức thấp nhất nhiều năm với chỉ chưa đầy 11.500 tỷ đồng. Nếu như trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, những phiên thanh khoản tỷ đô trở nên rất đỗi bình thường. Thậm chí, có nhiều phiên thanh khoản sàn HOSE lên mức hơn 30.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị phiên giao dịch hôm qua!

Con sóng chứng khoán đã kết thúc hay chưa đang là câu hỏi lớn của giới đầu tư hiện tại. Nhiều người cho rằng, thị trường thì luôn giảm rồi tăng là chuyện tất yếu và dòng tiền sẽ quay lại khi họ thấy cơ hội kiếm tiền nhưng, nhiều người lại không nghĩ thế!

Theo dữ liệu thống kê tình hình giao dịch thị trường chứng khoán của HOSE tính đến hết phiên hôm qua, thanh khoản thị trường trong tháng 7 đã giảm rất sâu so với thời điểm tháng 6 và giảm nhẹ so với tháng 5. Thanh khoản tháng 7 giữ được mức như hiện tại nhờ những phiên đầu tháng 7 thị trường vẫn đang bứt phá theo đà của tháng 6. Còn hiện tại, giao dịch trên HOSE đã liên tục giảm dần đều và các phiên gần đây chỉ bằng khoảng 60 - 70% thanh khoản hồi đầu tháng.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán đang tồn tại quá nhiều bất ngờ khiến những nhà đầu tư giỏi phân tích kỹ thuật hay cơ bản đều không dễ dàng chiến thắng. Sau một phiên giảm sốc là một phiên tăng sốc rồi lại giảm sốc thì nguyên nhân, vốn dĩ, không đến từ yếu tố mà trí tuệ hay nỗ lực nắm bắt thông tin, phân tích kinh tế, doanh nghiệp, thị trường của nhà đầu tư mà nắm bắt được. Chính vì thế, không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chán.

Thanh khoản giảm chỉ mang tính tạm thời

Phiên giao dịch 28/7 kết thúc sự sụt giảm mạnh về thanh khoản trên thị trường. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE chỉ đạt xấp xỉ 362 triệu đơn vị - mức thấp nhất kể từ phiên 27/11/2020 khi khối lượng khớp lệnh phiên giao dịch này đạt 356 triệu đơn vị. Câu hỏi đặt ra là, có hay không sự hoang mang, e dè của giới đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Thảo luận vấn đề này tại Toạ đoàn mới đây, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên HĐQT phụ trách HOSE cho biết: "Theo dõi thị trường hằng ngày, thanh khoản ghi nhận giảm từ đầu tháng 7, bản thân chúng tôi cũng ngạc nhiên với phản ứng của thị trường. Trước đó, chúng ta đều kỳ vọng với hệ thống mới nhưng thực tế thị trường lại giảm".

Trên phương diện nhà phân tích thị trường, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCK Mirae Asset bày tỏ: "Theo quan sát của tôi, thanh khoản thị trường có sự chùng xuống, khi dịch bệnh bùng phát. Về yếu tố vĩ mô, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng, các chỉ số có thể bị ảnh hưởng. Dịch bệnh đã làm thay đổi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư từ quý II/2021, ảnh hưởng tâm lý và ảnh hưởng đến quyết định giải ngân của nhà đầu tư. Nếu trong tháng 8, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tại các thành phố lớn thì dòng tiền sẽ sớm quay trở lại, bởi tiền trong dân rất lớn".

Ông Minh cũng dự báo nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành như công nghệ, logistic… vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong quý III/2021. Do vậy, sự chùng xuống về mặt thanh khoản chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới. Các thị trường khác trong khu vực cũng đã ghi nhận giảm 10 - 15% trong giai đoạn đỉnh dịch nên với TTCK trong nước, nếu kiểm soát được dịch bệnh, dòng tiền sẽ sớm quay trở lại. Bởi tâm thế của thị trường hiện nay đã khác, không như thời điểm quý I/2020, khi dịch bệnh mới diễn ra.

Bổ sung quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt cho biết thanh khoản thị trường giảm mạnh so với mức bình quân 6 tháng đầu năm. Nếu nhìn tiêu cực thì bên mua không dám mua, nhưng nhìn ở góc độ tích cực cho thấy, bên bán cũng không muốn bán, mà chờ vào ổn định của nền kinh tế, vị này nói.

"Theo quan sát của chúng tôi, trong quý III/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực, bởi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng. TTCK đang đón đợi quý III/2021 không mấy khả quan đến có sự quan sát thêm cũng hợp lý. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vắc xin sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm ý nhà đầu tư. Nếu chúng ta đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin tại các thành phố lớn, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục".

Minh Thuận

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán