Ngân hàng cần “trợ lực” để hỗ trợ nền kinh tế

(Banker.vn) Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, đưa nền kinh tế về trạng thái bình thường mới, chỉ khi đó thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới có thể được phục hồi và những khó khăn của cả các doanh nghiệp lẫn phía ngân hàng mới dần được hóa giải tận gốc.

Dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, toàn ngành Ngân hàng vào cuộc rất quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế. Chính sách nổi bật nhất và được giới chuyên môn đánh giá tích cực trong thời gian này chính là Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Các chuyên gia nhận định, đây là động thái hợp lý và rất được mong đợi từ NHNN nhằm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn trong nước trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

CEO một ngân hàng đánh giá, việc mở rộng phạm vi các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cũng như kéo dài thời gian thực hiện đến 30/6/2020 đã hỗ trợ cho cả ngân hàng và khách hàng. Theo đó Thông tư 14 giúp giảm áp lực trả nợ cho người dân, doanh nghiệp, giúp họ có thêm nguồn lực để duy trì sản xuất kinh doanh. Còn với các TCTD cũng giảm được áp lực về nợ quá hạn, giảm trích lập dự phòng rủi ro để có thêm nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Số liệu thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, tính đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng.

Một giải pháp quan trọng nữa cũng được hệ thống ngân hàng triển khai rất tích cực, đó là giảm lãi suất cho vay. Theo đó lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi mà các TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 260.000 tỷ đồng. Trong đó tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 NHTM từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Với kết quả đạt được, TS. Châu Đình Linh đánh giá, ngân hàng là một trong những ngành triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hệ thống ngân hàng thể hiện sự trách nhiệm, chia sẻ với người vay vốn, nền kinh tế và cả xã hội.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Cuối tuần qua, NHNN đã có văn bản nhắc nhở yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Trong đó các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng phải đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch.

Tại văn bản này, NHNN cũng khuyến khích TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. "Các TCTD tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu. Đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn", NHNN lưu ý.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế, nên mục tiêu cao nhất của các ngân hàng là phải đảm bảo an toàn nguồn vốn này. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần phải đảm bảo hiệu quả hoạt động; chính sách hỗ trợ chứ không phải cho không nên cần phải hỗ trợ đúng đối tượng, không cào bằng.

Về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng cũng rất cẩn trọng, chỉ cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đủ điều kiện. TCTD cũng xem xét từng trường hợp với mức độ ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh ở mỗi lĩnh vực cụ thể để có chính sách hỗ trợ phù hợp nhất. "Ngân hàng đã kịp thời ban hành quy chế nội bộ hướng dẫn triển khai Thông tư 14 để toàn hệ thống hiểu rõ quy định và áp dụng đúng đối tượng, không để xảy ra bất kỳ trường hợp sai sót nào ảnh hưởng đến những khách hàng đã bị tác động bởi dịch Covid đủ điều kiện cơ cấu", vị này thông tin thêm.

Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì hệ thống ngân hàng tự động giãn nợ theo thời gian mà địa phương đó quy định giãn cách. Còn ở khu vực khác, nhân viên ngân hàng chủ động gọi điện cho khách hàng đủ điều kiện để thông báo khách hàng có nhu cầu, ngân hàng sẽ đáp ứng. Riêng đối với khách hàng hội đủ các điều kiện giảm nợ theo quy định, ngân hàng sẽ xét giảm khi khách có đề xuất.

Liên quan đến vấn đề trích lập dự phòng rủi ro, trên thực tế hiện các ngân hàng cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc làm này để có nguồn lực xử lý nợ xấu. Vì vậy đến nay nhiều ngân hàng đã tăng mức dự phòng bao phủ nợ xấu lên rất cao như Vietcombank có tỷ lệ bao phủ là 280%; Techcombank 259%; MB 311%...

Song dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mọi vấn đề phía trước còn rất bất định. Số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch covid được cơ cấu lại theo Thông tư 14 dự báo tương đối lớn. Như vậy, rủi ro nợ xấu là rất lớn, các TCTD cần phải hết sức thận trọng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, các giải pháp của ngành Ngân hàng như cơ cấu lại, giãn hoãn nợ hay giảm lãi suất có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào những khó khăn hiện tại, song không thể giải quyết dứt điểm những khó khăn này. Hơn nữa, nguồn lực của các ngân hàng cũng có hạn, dư địa của chính sách tiền tệ cũng ngày càng bị thu hẹp, nên không thể chỉ trông đợi vào một mình các giải pháp tiền tệ được.

Theo nhận định của TS. Châu Đình Linh chỉ riêng hệ thống ngân hàng không thể giải quyết gốc vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế mà cần có giải pháp đồng bộ với sự trợ lực của các bộ, ngành khác. Theo đó cần nhanh chóng triển khai các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, hay việc giảm mức đóng hoặc miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội cũng vơi đi khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, đưa nền kinh tế về trạng thái bình thường mới, chỉ khi đó thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới có thể được phục hồi và những khó khăn của cả các doanh nghiệp lẫn phía ngân hàng mới dần được hóa giải tận gốc.

thoibaonganhang.vn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục