Eximbank báo lãi quý I/2021 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quí I/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 214 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước và mới thực hiện được xấp xỉ 10% kế hoạch năm.

Cụ thể trong quý I, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần đạt 818 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 22,5% xuống 22,6 tỷ đồng.

Mặt khác, mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lại có sự khởi sắc, lần lượt đem về cho ngân hàng 132 tỷ và 95 tỷ đồng lãi thuần, tăng 75% và 78% so với quý I/2020. Ngoài ra, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác cũng đạt mức tăng 14%, đóng góp 41,6 tỷ đồng.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 5,5%. Cùng với đó, nhờ cắt giảm được 8,2% chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 26% lên 533 tỷ đồng.

Song, trái ngược với việc hoàn nhập trong cùng kỳ năm trước, Eximbank đã trích tới 319 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro trong quý I/2021; qua đó, trở thành nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm mạnh trong kỳ.

Đáng chú ý, trong ba tháng đầu năm, Eximbank đã mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC. Vào cuối năm ngoái, số dư trái phiếu VAMC của Eximbank là hơn 2.032 tỷ đồng.

eximbank bao lai quy i2021 giam hon mot nua so voi cung ky
(Nguồn: BCTC Eximbank)

Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của Eximbank là 160.953 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 105.032 tỷ đồng, tăng 4,2%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,7%, đạt 136.146 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 9,2% lên 2.767 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 2,51% lên 2,63%.

eximbank bao lai quy i2021 giam hon mot nua so voi cung ky
Một số chỉ tiêu tài chính của Eximbank (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC)

Mới đây, ngày 26/4 và 27/4, sau nhiều lần bất thành, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 lần 3 (AGM 2020) và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (AGM 2021) của Eximbank tiếp tục đổ vỡ.

Quan sát những gì diễn ra gần đây có thể thấy, ở Eximbank đang chia thành 2 phe/nhóm, cả về cổ đông lẫn trong HĐQT. Về cổ đông, thông qua tỷ lệ phản đối AGM 2020 lần 3 và AGM 2021 vừa qua thể hiện rõ có một phe cổ đông nắm và tranh thủ tối đa được khoảng 42%; Trong khi nhóm đối nghịch thì đã nắm được quá bán, khoảng từ 51-52% cổ phần.

Tuy nhiên ở trong HĐQT, nhóm nắm quá bán lại không thể hiện được sự chi phối, khi họ ủng hộ 3/9 thành viên, trong khi 6 vị trí còn lại ở HĐQT lại có nhiều quyết định bị tố là là ảnh hưởng quyền lợi của nhóm cổ đông quá bán.

Thực trạng này đã liên tục diễn ra từ năm 2019 đến nay, bao gồm cả tại AGM 2021, nhóm này cũng đã không tham dự để phản đối ngay từ đầu.

Trước khi AGM 2020 lần 3 diễn ra, ngoài SMBC còn có 2 nhóm cổ đông sở hữu 10-11% đề nghị miễn nhiệm tổng cộng 8/9 Thành viên HĐQT. Các nội dung này được bổ sung vào chương trình nghị sự, tuy nhiên xếp ở vị trí gần cuối cùng, sau mục "bầu mới HĐQT và BKS khoá 2020-2025", dẫn tới phản ứng của cổ đông cho rằng việc bổ sung nội dung này chỉ là hình thức, vì nếu bầu nhiệm kỳ mới hoàn tất thì nhiệm kỳ cũ đương nhiên hết hiệu lực, không cần thủ tục miễn nhiệm.

Giải thích cho băn khoăn này, ông Lê Minh Quốc, Cựu chủ tịch và là thành viên HĐQT nói: Nhiệm kỳ của HĐQT hiện nay đã hết rồi, thì chúng tôi mong muốn nhất là bầu ra HĐQT khoá mới thôi. Đó là chuyện rất là bình thường, rất tự nhiên. Còn chuyện miễn nhiệm theo yêu cầu thì cũng đưa ra trong chương trình. Những việc này HĐQT đã thống nhất hết rồi nhưng bây giờ cổ đông quyết định khác thì việc đó phải được quyết định ở ĐHĐCĐ.

Có vẻ như lùm xùm ở Eximbank đang rơi vào vòng luẩn quẩn khi mọi yêu cầu đều phải được thông qua ở ĐHĐCĐ nhưng thực tế là ĐHĐCĐ liên tục đổ vỡ do các nhóm cổ đông phủ quyết chương trình hay bỏ không tham dự.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán