Chọn cổ phiếu thu hút dòng tiền

(Banker.vn) Dòng tiền đang dần trở lại thị trường sau những ngày nhà đầu tư chơi Tết, đem lại cơ hội cho nhà đầu tư có chiến thuật nương theo dòng tiền để tìm kiếm lợi nhuận.

Chọn cổ phiếu thu hút dòng tiền

Chị Thu, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, cuối năm trước, giá trị tài khoản đột ngột giảm gần 1 tỷ đồng do nhiều cổ phiếu bất động sản bị “hệ lụy” sau sự kiện Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC bán cổ phiếu không công bố thông tin và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Do đó, sau Tết Nguyên đán, dù cổ phiếu bất động sản bật tăng nhưng chị vẫn quyết định giảm dần tỷ trọng nhóm này trong danh mục và tìm kiếm cơ hội từ các nhóm khác, ưu tiên dòng cổ phiếu thu hút dòng tiền.

Cùng chung quan điểm về việc tìm kiếm cơ hội từ các cổ phiếu thuộc lĩnh vực đang thu hút dòng tiền, nhà đầu tư Nguyễn Lê cho hay, giai đoạn hiện tại, anh chỉ nhìn vào dòng tiền để mua, chứ không nhìn vào giá, vì sợ bị nhà đầu tư lớn hoặc các đội lái “úp bô”, nhất là khi giai đoạn trước Tết đã có đợt tăng giá.

Theo nhà đầu tư này, thị trường có thể đang đi lên trong nghi ngờ. Nhà đầu tư càng sợ thì thị trường càng lên và khi nhà đầu tư không thể đứng ngoài cuộc, tích cực tham gia cuộc chơi là lúc đối diện với nguy cơ bị “đánh úp”. Vì thế, việc lựa chọn cổ phiếu giai đoạn hiện nay nên bám theo dòng tiền và đầu tư trong ngắn hạn, thậm chí giao dịch theo T+, chứ không nắm giữ quá lâu.

“Quan điểm của tôi là nếu có hàng thì canh điểm bán phù hợp để chốt lời, đồng thời luôn duy trì một tỷ lệ tiền mặt đủ lớn trong tài khoản và tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Nếu mua vào, cần lựa chọn cổ phiếu đang hút dòng tiền và nhanh chóng thoát ra khi đã có lợi nhuận hoặc giá điều chỉnh, vì dự báo thị trường có diễn biến khó lường hơn”, anh Lê nói.

Đánh giá về triển vọng thị trường, không ít nhà đầu tư cho rằng, thời gian tới sẽ là giai đoạn cần quan tâm nhiều đến kết quả kinh doanh quý I/2022, trong khi trước và ngay sau Tết thì các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý IV/2021 tốt vẫn đang cho thấy sức hấp dẫn trong ngắn hạn.

Quan điểm này xuất phát từ nhận định, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ tạo nên hiệu ứng thu hút dòng tiền và cổ phiếu tăng giá.

Ngoài ra, những nhà đầu tư đang ngóng kết quả kinh doanh quý I/2022 cũng có điểm chung về quan điểm đầu tư, đó là không vội vàng mua, mà có thể đợi đến khi doanh nghiệp ra báo cáo tài chính quý, thậm chí chờ hẳn đến mùa họp đại hội đồng cổ đông để lựa chọn được những cổ phiếu có câu chuyện hấp dẫn như doanh nghiệp nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư ngoại, tăng vốn điều lệ, công bố chiến lược, dự án mới…

Tuần giao dịch đầu Xuân, dòng tiền thể hiện tâm lý thận trọng, chưa hình thành xu hướng rõ ràng, chủ yếu trong trạng thái thăm dò, dù tạo nên một số con sóng ngắn. Trong 2 tuần đầu năm, cổ phiếu một số lĩnh vực như ngân hàng, thép… đã tạo được một số đợt tăng giá, nhưng chưa bền và chưa cho thấy xu hướng rõ rệt.

Ví dụ, tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ 7 - 11/2/2022) có sự trỗi dậy của nhóm thép và vật liệu xây dựng. Chỉ trong vài phiên, nhóm thép có những mã tăng giá 10 - 20% như HPG.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có những phiên “khởi nghĩa”, điển hình trong phiên đáo hạn phái sinh hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng vào ngày 17/2, không ít mã có mức tăng ấn tượng như VIB, TPB, BID, VPB, HDB, MBB.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, hiện tại, họ kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng nhờ hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn là nghe ngóng nhiều hơn là việc xuống tiền.

Bên cạnh việc quan sát các cổ phiếu thuộc nhóm hút dòng tiền, có những cổ phiếu liên quan đến việc thoái vốn, tái cơ cấu cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

Chẳng hạn, ngày 9/2, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra thông báo, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ chào bán 21,2 triệu cổ phiếu LAS của Công ty cổ phần Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, với giá khởi điểm 27.100 đồng/cổ phiếu, giúp cổ phiếu này có thêm một số phiên tăng giá mạnh.

Cần kết hợp với phân tích doanh nghiệp

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, với việc đầu tư bám theo dòng tiền thì dòng tiền rẻ, tiền nóng có thể mang lại hiệu suất tốt, nhưng nhà đầu tư cần quan tâm tìm hiểu định giá doanh nghiệp. Khi giá trị tính theo thị giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao thì nên nhanh chóng thoát ra, nhất là khi giá bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh.

“Kể cả khi nhìn theo dòng tiền để đầu tư, nhà đầu tư vẫn cần phân tích tài chính, nội tại doanh nghiệp, vì nếu chỉ nhìn vào dòng tiền thì thắng ở thời điểm nhất định, nhưng dài hạn vẫn thua”, ông Khánh nhấn mạnh.

Bài học vừa qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư thường mua cổ phiếu có thị giá thấp, khi giá lên nhanh thì mua thêm. Ban đầu, nhà đầu tư thắng lớn, nhưng vì mua đuổi nên nhiều khi chuyển thành thua lỗ, bởi giá đột ngột đảo chiều và thanh khoản sụt giảm.

Cụ thể, quý cuối năm 2021, nhà đầu tư ít quan tâm đến định giá doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp, chủ yếu nghe ngóng các mã được “phím hàng” để mua với tâm lý sợ mất cơ hội. Nhưng đến tháng 1/2022, thị trường có đợt điều chỉnh, các cổ phiếu trước đó được nhà đầu tư “đánh” theo dòng tiền có mức giảm giá sâu hơn, dẫn đến thua lỗ, nên tâm lý “chột dạ” bắt đầu xuất hiện.

Thực tế, trong khi nhiều người chọn theo dòng tiền để đầu tư thì vẫn có những nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu có nền tảng tốt, có câu chuyện riêng hỗ trợ để tìm kiếm lợi nhuận bền vững hơn.

Giá cổ phiếu là do cung - cầu, một cổ phiếu có thể không tốt, nhưng lực mua lớn thì giá vẫn tăng. Tuy nhiên, theo thời gian thì các cổ phiếu tăng nóng sẽ điều chỉnh và quay về giá trị thật. Một số mã từng tăng giá 70 lần, nhưng sau đó lại trở về giá trị ban đầu.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, năm 2022, thị trường chứng khoán có thể không thuận lợi như kỳ vọng. Sự phân hóa dòng tiền sẽ khiến chỉ số không tăng mạnh và nhà đầu tư khó có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cao ở từng nhóm cổ phiếu.

Theo đó, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu kỹ hơn. Lạm phát và lãi suất tăng có thể khiến các cổ phiếu đang có mức định giá cao so với mặt bằng chung giảm dần dư địa tăng, thậm chí điều chỉnh mạnh.

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn có các yếu tố hỗ trợ, bao gồm lãi suất duy trì ở mức thấp (mức tăng trong năm 2022 được dự báo chỉ khoảng 0,5%/năm), tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi vững chắc, nhất là khi Chính phủ triển khai gói kích cầu, trong khi rủi ro vì dịch bệnh Covid-19 giảm dần.

Một số nhóm ngành triển vọng là xây dựng (liên quan đến đầu tư công được thúc đẩy), ngân hàng. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ bao nợ xấu cao, tăng trưởng tín dụng tích cực như MBB, VCB, CTG… đáng lưu tâm để đầu tư. Nhóm dầu khí như BSR, PLX, PVD sẽ được hưởng lợi khi giá dầu được neo ở mức cao.

Thành Nguyễn

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán