Trong khi các doanh nghiệp sản xuất liên tục than vãn việc giá cước vận chuyển tăng một cách chóng mặt khiến chi phí phải trả cho các doanh nghiệp logistics tăng gấp vài lần so với trước đó thì nhóm ngành vận tải vô hình chung lại được hưởng lợi. Nổi bật lên là cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) với chuỗi trần ấn tượng kèm thanh khoản cao những ngày qua.
Theo nguồn vietstock.vn, nếu như trong năm 2020, giá cổ phiếu VOS chỉ giao dịch lình xình ở mức 1.000 - 1.800 đồng/cp cùng thanh khoản cũng èo uột thì kể từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, VOS đã thay đổi một cách ngoạn mục khi giá cổ phiếu tăng liên tục kèm theo đó là thanh khoản khủng.
Đáng chú ý, trong những phiên giữa tháng 6/2021, cổ phiếu VOS ghi nhận chuỗi 10 phiên trần liên tục trước khi giảm sàn trong các ngày 29 - 30/6 và phiên sáng ngày 1/7/2021 về mức 6.910 đồng.
Cổ phiếu VOS tiếp tục giảm sàn trong phiên sáng ngày 1/7/2021
Điểm đáng nói, giá cổ phiếu VOS đang trái ngược hoàn toàn so với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi giai đoạn 2012 - 2016, VOS ngập chìm trong thua lỗ (ngoại trừ năm 2014) chủ yếu do tình hình ngành vận tải biển nói chung còn nhiều khó khăn, duy trì ở mức kém một thời gian dài trong khi chi phí tài chính khá cao…
Giai đoạn 2017 - 2019, VOS bắt đầu có lãi nhưng đáng nói là con số lợi nhuận có được đều nhờ vào nghiệp vụ cơ cấu nợ với ngân hàng trong khi thực tế hoạt động kinh doanh chính của VOS vẫn lỗ nặng.
Năm 2020, dưới tác động mạnh của dich COVID-19, VOS lại rơi vào cảnh khốn đốn khi lỗ ròng hơn 187 tỷ đồng(chủ yếu do không thanh lý được tàu Đại Nam mà còn phải duy trì trả lãi vay cho tàu đồng thời công ty còn phải giảm giá cước khoảng 100 tỷ đồng).
Kết quý I/2021, trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành lần lượt khoe thành tích, VOS tiếp tục báo lỗ qua đó nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/3/2021 lên gần 941 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lỗ 19 tỷ đồng trong quý I đã cải thiện hơn nhiều so với cùng kỳ (lỗ 86 tỷ đồng).
Kết quả thua lỗ cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu VOS rơi vào diện kiểm soát.
VOS ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều quý trở lại đây. Cùng với đó, doanh nghiệp đang ôm khoản nợ gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu (tính đến hết quý I/2021)
Áp lực từ nợ vay
Về cơ cấu tài sản, hiện tại VOS đang sử dụng nguồn vốn vay khá lớn, gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu (năm 2020). Việc sử dụng đòn bẩy tài chính (D/E) ở mức cao trong khi tình trạng kinh doanh yếu kém sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt với khá nhiều rủi ro.
Tính đến 31/12/2020, nợ phải trả của VOS ghi nhận hơn 2,287 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn gần 912 tỷ đồng (giảm 22%); nợ dài hạn gần 1,376 tỷ đồng (tăng 11% so với hồi đầu năm).
Đáng chú ý, doanh nghiệp còn khoản nợ quá hạn Vietcombank gần 426 tỷ đồng. Đây là khoản VOS vay để mua tàu chở dầu, thời hạn cấp tín dụng là 10 năm, gia hạn trả nợ đến 2020 và đến nay đã quá hạn.
Ngoài ra, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 83 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn gần 471 tỷ đồng; lỗ lũy kế 921 tỷ đồng. Kiểm toán đã nhấn mạnh điều này là cho thấy sự tồn tại không được chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong ngắn hạn, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu duy trì ổn định hoạt động của đội tàu, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đồng thời sẽ lên kế hoạch sẽ thoái sạch vốn tại Ngân hàng MSB (tính đến 31/3/2021, giá trị hợp lý của khoản đầu tư tại MSB là hơn 59 tỷ đồng).
Trong năm 2021, VOS đặt kế hoạch đem về 1.227 tỷ đồng tổng doanh thu (giảm 10% so với cùng kỳ); 30 tỷ đồng lãi trước thuế (cùng kỳ âm 187 tỷ đồng). Ngoài ra, VOS cũng đặt mục tiêu sản lượng vận chuyển đạt 5 triệu tấn trong năm 2021 (giảm 25%). Kế hoạch này lieeujqcos khả thi hay chỉ là chiêu trấn an dư luận cũng như nhà đầu tư?
Tái hiện lại chuỗi tăng của RIC
Có thể thấy, thực trạng của của VOS hiện tại đang là phản ảnh của cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC) thời điểm cuối tháng 2 và trong tháng 3/2021. Tại thời điểm đó, sau chuỗi tăng trần hơn 30 phiên liên tiếp, cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia cũng liên tục nằm sàn với dư bán khối lượng lớn.
Đây cũng là doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm qua.
Hiện tại, mã này đang giao dịch tại mức 18.900 đồng (kết phiên ngày 1/7/2021) cùng với thanh khoản chỉ vỏn vẹn gần 8.000 đơn vị.
Tưu chung, VOS, RIC hay những cổ phiếu tăng nóng trong không khoảng thời gian bất chấp việc kinh doanh bất lợi luôn đem đến thời cơ làm giầu cho nhiều nhà đầu tư lướt sóng song có thể sẽ là bài học nhớ đời cho những ai tin vào món lời trước mắt.
Quân Vương
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|