Chiều ngày 6/9, tại Cần Thơ, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi". Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: BTC |
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đều nhất trí rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường cần thiết phải tạo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe của người dân nhưng sức khỏe vẫn là vấn đề trung tâm trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đã cam kết chính trị với Liên Hợp Quốc.
Bắt kịp xu thế chung của Thế giới
Ông Trương Bá Tuấn cho biết, mặc dù trong thời gian vừa qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đạt được nhiều thành tựu nhưng tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB hiện hành có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB của các nước rất đa dạng, ví dụ Trung Quốc thu thuế TTĐB đối với 15 nhóm hàng hóa, Thái Lan thu thuế TTĐB đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ... Theo Luật thuế TTĐB hiện hành có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB…
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BTC |
Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế, có 4 nhóm hàng hóa cơ bản mà pháp luật thuế TTĐB ở hầu hết các nước được quy định là đối tượng chịu thuế gồm: các sản phẩm thuốc lá; các sản phẩm đồ uống có cồn (rượu, bia) và các sản phẩm nước giải khát có đường hoặc có ga; các sản phẩm dầu mỏ (xăng, dầu); ô tô, đặc biệt là ở các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc và tất cả các nước Đông Nam Á.
"Xu thế chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là mở rộng cơ sở tính thuế nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em, môi trường hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng, bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB (như nước giải khát có đường", ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, chưa đồng bộ với pháp luật chuyên ngành dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện; Thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, ô tô còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội; một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế TTĐB nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường chưa được thực hiện; chưa có quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.
Ngoài ra, việc sửa luật còn tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế TTĐB hiện hành. Từ ngày Luật thuế TTĐB ban hành đến nay, có nhiều Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đòi hỏi Luật thuế TTĐB phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật Hải quan năm 2014; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Tiêu chuẩn Việt Nam về ô tô.
Có lộ trình cụ thể
Về dự thảo lần này, bà Lê Thùy Linh – Phó Trưởng phòng Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Cục Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát theo 7 nhóm chính sách tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý, đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.
Bà Lê Thùy Linh – Phó trưởng phòng Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Cục Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Bộ Tài chính chia sẻ về dự thảo Luật. Ảnh: BTC |
Dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung một số đối tượng không chịu thuế TTĐB như bổ sung quy định “hàng hóa đã xuất khẩu ra nước ngoài bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB; Bổ sung quy định “xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong khu di tích lịch sử, bệnh viện, trường học” và “xe ô tô chuyên dụng khác theo quy định của Chính phủ” vào đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Bà Lê Thùy Linh cho hay, về thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện Chính phủ nghiêng về phương án mỗi năm tăng 1.000đ/bao trong giai đoạn 2026 – 2029, sang năm 2030 sẽ tăng khoảng 2.000đ/bao.
Mức tăng đối với xì gà sẽ tăng ở mức 10.000đ/điếu kể từ năm 2026 – 2029, cụ thể, 50.000 đồng/điếu (từ năm 2026), 60.000 đồng/điếu (từ năm 2027), 70.000 đồng/điếu (từ năm 2028), 80.000 đồng/điếu (từ năm 2029), 100.000 đồng/điếu (từ năm 2030).
Tương tự, mức tăng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm sẽ từ 50.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026), 60.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2027), 70.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2028), 80.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2029), 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).
Vì nếu áp dụng theo lộ trình này, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% (2022) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 giảm xuống còn 38,6%. Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (2022) lên 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 tăng lên 59,38%.
"Như vậy, Phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%)", bà Lê Thùy Linh chia sẻ.
Đối với mặt hàng rượu, bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Theo Phương án 2 thì giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Với Phương án 2 0sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ quy định mức thuế suất là 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Sửa luật để bảo vệ sức khỏe của nhân dân
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế TTĐB ngoài việc điều tiết tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường nhằm nâng cao sức khoẻ toàn dân, cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững còn giúp cho nguồn thu ngân sách được cải thiện đáng kể…
Ở góc độ y tế, TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội y học Việt Nam) nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp thông tin, giáo dục, truyền thông, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm để thay đổi nhận thức, thì thuế là giải pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường gây hại đến sức khỏe.
TS. Nguyễn Huy Quang tham gia góp ý tại Hội thảo. Ảnh: BTC |
Theo TS Nguyễn Huy Quang, nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm khoảng 5% -8% mức tiêu thụ thuốc lá và rượu bia, giảm 8%-13% mức tiêu thụ đồ uống có đường. Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, thì thuế thuốc lá là giải pháp tối ưu quyết định từ 50-60% hiệu quả trong phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, việc đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường cần thiết phải tạo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe của người dân, nhưng sức khỏe vẫn là vấn đề trung tâm trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề của phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đã mạnh mẽ cam kết chính trị với quốc tế.
TS Nguyễn Huy Quang cho biết, nhiều quốc gia cải cách cơ cấu thuế hiệu quả từ chuyển từ thuế tương đối sang thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp giai đoạn 2008 – 2022. Cụ thể, các quốc gia áp thuế TTĐB tương đối giảm từ 54 quốc gia xuống 34 quốc gia; áp thuế TTĐB hỗn hợp tăng từ 48 quốc gia lên 64 quốc gia và áp thuế tuyệt đối tăng từ 56 đến 70 quốc gia. Gia tăng số lượng các quốc gia tăng thuế suất để đạt theo mức khuyến cáo của WHO.
Còn Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng, các phương án đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp cho từng loại mặt hàng (bổ sung thuế tuyệt đối cho thuốc lá và tăng thuế tỷ lệ cho rượu, bia).
"Để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần tăng thuế theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ 2026 và tăng lên thành 15.000 đồng/bao năm 2030", ông Đào Thế Sơn nếu ý kiến.