Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số góp ý hoàn thiện

(Banker.vn) Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Tóm tắt: Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Việc sửa đổi này nhằm giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị. Trong bài viết này, tác giả bàn về sự cần thiết của việc sửa đổi và đề xuất một số ý kiến để hoàn thiện thêm Dự luật này.

Từ khóa: Thuế giá trị gia tăng, sửa đổi, chính sách.
 
THE NECESSITY OF AMENDING THE DRAFT LAW ON VALUE-ADDED TAX
AND SOME SUGGESTIONS FOR IMPROVEMENT

Abstract: At the 7th session of the National Assembly, term XV, Government submitted the Draft Law on Value-added Tax (amended) to the National Assembly. This amendment aims to address practical issues and improve tax policies in line with the goals set in Socio-Economic Development Strategy, Tax System Reform Strategy to 2030 and the Standing Committee of the National Assembly's Plan No.81/KH-UBTVQH15 on implementation of the Politburo's Conclusion No.19-KL/TW. In this article, the author discusses the necessity of the amendment and proposes some suggestions to improve this Draft Law.

Keywords: Value-added tax, amendment, policy.
 
Luật Thuế giá trị gia tăng cần sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng của các nước

1. Sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng

Việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng xuất phát từ các lý do sau:

Một là, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để góp phần chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu (trong bối cảnh không điều chỉnh tăng mức thuế suất giá trị gia tăng).

Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó nhấn mạnh việc tập trung “Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế...”.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau:

 
“Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”.

“Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp”.

Tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau: “Thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỉ lệ huy động cao hơn vào NSNN, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỉ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu NSNN. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt... Chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát. Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế”.

Điểm a, khoản 1, Mục III, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó đối với thuế giá trị gia tăng: “Mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỉ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ; hoàn thiện các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, đảm bảo phản ánh đúng bản chất và phù hợp thông lệ quốc tế. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan”.

Hai là, yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.

Ba là, yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt cũng như lâu dài đặt ra. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Luật Thuế giá trị gia tăng cần sửa đổi phù hợp với xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng của các nước. Xu hướng cải cách thuế của các nước phát triển và các nước đang phát triển đều thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, các nước có xu hướng chuyển hướng tăng thu từ thuế tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt), mở rộng cơ sở thuế thông qua giải pháp thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi; điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông.

Bốn là, để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.

Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành còn nhiều so với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và thông lệ quốc tế đã có nhiều thay đổi. Việc quy định một số hàng hóa không chủ yếu phục vụ tiêu dùng cuối cùng mà là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 5% đã tạo ra hiệu ứng chuyển thuế làm giảm tác động ưu đãi của thuế, làm giảm cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và gây phức tạp cho quản lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, nhiều luật đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; vì vậy, Luật Thuế giá trị gia tăng cũng cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật đã được ban hành.

Thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 về kết quả rà soát. Ngày 06/02/2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 727/TCT đề nghị các bộ, ngành rà soát, cho ý kiến đối với các kiến nghị do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đề xuất tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023, Báo cáo thẩm tra số 2277/BC-UBPL ngày 21/10/2023 của Ủy ban Pháp luật và Công văn số 2279/LĐTM-PC ngày 31/10/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Theo đó, nội dung kiến nghị liên quan đến sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng gồm: (i) Đề nghị đưa mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước và thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư; (ii) Đề nghị bổ sung quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho hoạt động giao dịch hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn qua Sở Giao dịch hàng hóa (xác định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng); (iii) Đề nghị sửa đổi quy định về việc xác định sản phẩm xuất khẩu đã chế biến thành sản phẩm khác hay chưa chế biến thành sản phẩm khác và sửa quy định trong việc xác định tỉ trọng giá trị tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trên 51% giá thành sản xuất sản phẩm bán ra khi xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; (iv) Sửa đổi quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng “đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động” để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và đề nghị hoàn thuế và để phù hợp với trách nhiệm của công ty chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp) theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
 
2. Một số ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
1

Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm thuế suất 0% áp dụng cho dịch vụ bán tại khu cách ly tại Điều 9 dự thảo Luật quy định về thuế suất như sau: “Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu gồm: hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh; hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác theo quy định của Chính phủ”.

Thuế suất 0% áp dụng cho dịch vụ bán tại khu cách ly đã được quy định cụ thể tại Điều 2 Thông tư số 149/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau: “Hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế do các thương nhân cung cấp bán tại khu cách ly được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%”. Dịch vụ 0% tại khu cách ly hằng năm thu về nguồn ngoại tệ rất lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho NSNN nói chung. Thuế suất 0% áp dụng cho dịch vụ tại khu vực cách ly nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng các loại hình dịch vụ để ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp, phục vụ nhiều nhu cầu của khách hàng.

Thứ hai, đề nghị bổ sung điểm d khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, như sau: “Đối với hàng hóa, dịch vụ bán tại khu cách ly và hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a, b khoản này còn phải có hóa đơn giá trị gia tăng bán ra; bảng kê hàng hóa, dịch vụ bán lẻ tại khu cách ly có xác nhận của cơ quan Hải quan và bảng kê lượng tiền mang vào/ra khu cách ly, khu hạn chế có xác nhận của cơ quan Hải quan.”.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đều chưa quy định rõ điều kiện khấu trừ đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ bán tại khu cách ly nên quá trình vận hành trong thực tiễn doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo Luật tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng; mục tiêu, quan điểm thể hiện trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bảo đảm nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế suất theo lộ trình. Bảo đảm đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của việc sửa Luật, khắc phục các vướng mắc của Luật hiện hành và hoàn thiện các quy định để bảo đảm tính bao quát trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, cần Luật hóa tối đa các nội dung quy định tại các văn bản dưới Luật, đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, liên quan đến các nội dung về giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, điều kiện khấu trừ thuế đối với một số trường hợp đặc thù, hoạt động đặc thù, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Bảo đảm nguyên tắc của Hiến pháp là các khoản thu NSNN phải do luật định. Đối với các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, cần giải trình rõ lý do và phải quy định rõ các nguyên tắc trong Luật. Nội dung giao cho Bộ Tài chính quy định phải đúng thẩm quyền theo pháp luật. Đánh giá cụ thể tác động của từng chính sách để bảo đảm hiệu quả, khả thi và phù hợp điều kiện Việt Nam.
 
Đồng thời, cần làm rõ cơ sở để quy định các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; bổ sung giải trình và đánh giá tác động về thuế đối với phân bón và thuế đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chưa chế biến, sơ chế được thu mua; nghiên cứu bổ sung nội dung mang tính nguyên tắc để xác định sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản thuộc diện không chịu thuế; quy định cụ thể mức ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giải trình rõ căn cứ pháp lý và thực trạng quản lý thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ theo kênh chuyển phát nhanh, đánh giá tác động của chính sách dự kiến; rà soát để bảo đảm sự thống nhất về mặt nguyên tắc cho các trường hợp được áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự thảo Luật; cân nhắc để áp dụng thuế suất 10% đối với hàng hóa, dịch vụ được cung cấp qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài; giữ quy định hiện hành về bổ sung hồ sơ khai thuế và bổ sung quy định cho phép kê khai, khấu trừ bổ sung vào kỳ phát hiện sai sót; nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động của đề xuất mở rộng diện được hoàn thuế so với Luật hiện hành; quy định cụ thể về các điều kiện hoàn thuế và nội dung liên quan đến về quy trình, thủ tục hoàn thuế.

Những ý kiến của tác giả về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) hi vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định pháp luật về thuế và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo 5 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024).

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2024), Tờ trình số 238/TTr-CP ngày 17/5/2024 của Chính phủ về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
2. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo 5 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024).
 
 
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng