SSI Research nhận định gì về thị trường chứng khoán trong tháng 3?

(Banker.vn) Trong ngắn và trung hạn, SSI Research nhận định thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi ngoài điểm sáng đến từ FDI và đầu tư công thì thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều đến từ hoạt động sản xuất, tiêu dùng và lạm phát.

Báo cáo chiến lược thị trường tháng 3 của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research chỉ ra VN-Index đã có một tháng giảm trọn vẹn, đóng cửa phiên cuối tháng mất 86,5 điểm (giảm 7,8%) về mốc 1.024,7 điểm và thu hẹp tăng trưởng từ đầu năm còn 1,7%.

SSI cho rằng, diễn biến này do lo ngại2 yếu tố rủi ro chính. Một là rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiêu điểm ở một số công ty bất động sản. Hai là kỳ vọng FED vẫn tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 3, tuy nhiên thị trường cũng điều chỉnh tăng xác suất FED nâng 50 điểm cơ bản.

SSI Research nhận định gì về thị trường chứng khoán trong tháng 3?

Thị trường vẫn còn dư địa biến động tiêu cực trong ngắn hạn, tuy nhiên biến động SSI kỳ vọng không quá lớn do đã phản ánh một phần ở đợt giảm tháng 2. Hình minh họa.

Việc VN-Index đảo chiều giảm diễn ra trên diện rộng, trong đó đi xuống mạnh nhất lần lượt là các nhóm bất động sản (giảm 13,4%), hàng tiêu không thiết yếu (giảm 12,4%), công nghiệp (giảm 11,4%), nguyên vật liệu (giảm 10,7%), hàng tiêu dùng thiết yếu (giảm 9,7%), tài chính (giảm 9,6%).

Một số ngành mang tính phòng thủ giảm ít hơn mặt bằng chung như y tế (giảm 0,9%), công nghệ thông tin (giảm 4,3%), năng lượng (giảm 1,4%) và tiện ích (giảm 2,4%).

Các mã tác động mạnh nhất lên thị trường được ghi nhận ở VHM (giảm 18,5%), MSN (giảm 18,9%), MWG (giảm 14%), VPB (giảm 12,3%)… Ngược lại, VCB (tăng 1,7%), PLX (tăng 1,4%) và REE (tăng 6%)…là các mã hiếm hoi diễn biến tích cực trong tháng.

Giá trị giao dịch bình quân sàn HoSE giảm 5% so với tháng trước, còn 10,1 nghìn tỷ đồng/phiên. Dòng tiền từ khối ngoại cũng thu hẹp trong bối cảnh rủi ro chung. Theo đó, khối ngoại thu hẹp quy mô ở chiều mua và đẩy mạnh bán ra, qua đó khối này bán ròng 640 tỷ đồng, tháng bán ròng đầu tiên kể từ tháng 11/2022. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã tăng lên 12,8% và chỉ sau mức 14% vào tháng 11/2022.

Việc giảm mạnh hơn thị trường chứng khoán thế giới trong tháng vừa qua cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động mạnh hơn từ rủi ro thanh khoản đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Do đó, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang giảm đi khá nhiều so với giai đoạn trước.

Trong ngắn và trung hạn, thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi ngoài điểm sáng đến từ FDI và đầu tư công thì thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều đến từ hoạt động sản xuất, tiêu dùng và lạm phát.

Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng thị trường vẫn còn chịu áp lực biến động trong ngắn hạn do những diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và biến số đến từ động thái của Fed. Tuy nhiên, đợt giảm vừa qua của thị trường có thể đã phản ánh sớm phần nào các rủi ro này.

Xét định giá, hệ số P/E hiện tại của VN-Index (dựa trên lợi nhuận thực của năm 2022) đang ở mức 13,5 lần. Nhìn vào quá khứ, về mặt thống kê mức này thấp hơn so với mức bình quân 10 năm (15,2 lần), tuy nhiên vẫn cao hơn mức cận dưới của biên độ dao động (11,5 lần).

SSI Research nhận định gì về thị trường chứng khoán trong tháng 3?
Nguồn: Bloomberg.

"Điều này gợi ý khả năng thị trường vẫn còn dư địa biến động tiêu cực trong ngắn hạn, tuy nhiên biến động chúng tôi kỳ vọng không quá lớn do đã phản ánh một phần ở đợt giảm tháng 2", báo cáo cho hay.

Nhìn xa hơn, SSI ước tính P/E cho năm 2023 của VN-Index đang ở mức 9,6 lần tiến sát mức thấp nhất trong nhiều năm, phản ánh sự quan ngại về khả năng lợi nhuận của các công ty niêm yết năm 2023 sẽ yếu hơn dự kiến.

Theo SSI, dòng tiền dài hạn sẽ bước vào giai đoạn tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn chọn lọc và tích lũy dần cổ phiếu để hướng đến kỳ vọng phục hồi vào năm 2024 khi các thách thức vĩ mô giảm dần.

Về diễn biến thị trường, VN-Index điều chỉnh lại trong tháng 2 khi MA 20 ngày tiệm cận trở lại các đường MA trung hạn như MA 50, còn MACD vận động dưới mốc 0 xác nhận thêm cho xu hướng giảm ngắn hạn. Khối lượng giao dịch thu hẹp trong xu hướng giảm ngắn hạn khi một bộ phận nhà đầu tư vẫn chờ tìm kiếm cơ hội tại các vùng hỗ trợ cho tín hiệu cân bằng hơn.

Trong tháng 3, vận động của thị trường cũng như xu hướng ngắn hạn của VN-Index được quyết định bởi khả năng kiểm định MA 20 ngày của chỉ số. Nếu các nhịp hồi phục hiện tại đối diện với lực bán quanh MA 20 ngày thì đây chỉ là các nhịp “pull back” trong xu hướng giảm ngắn hạn và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp diễn pha điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần là quanh mốc 1.000 điểm.

Trong kịch bản khả quan hơn, VN-Index được dự báo có thể chinh phục trở lại MA 20 ngày đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, khi đó nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là vùng 1.082 – 1.100 điểm.

Quỹ Đài Loan - Fubon FTSE Vietnam ETF được huy động gần 4.000 tỷ đồng để gom cổ phiếu Việt

Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ đến từ Đài Loan vừa thông báo đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua ...

SSI Research chỉ ra 7 mã cổ phiếu tiềm năng mở ra cơ hội đầu tư cho tháng 3

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 3 của Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, dòng tiền dài hạn sẽ bước vào ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán