SSI Research: Lợi nhuận VIB ước đạt 10.400 tỷ đồng trong năm 2022

(Banker.vn) Theo báo cáo của SSI Research, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) hiện đang đàm phán tái ký hợp đồng bancassurance mới với Prudential và kỳ vọng ngân hàng sẽ ghi nhận thêm một khoản phí trả trước trong nửa cuối năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Cụ thể, SSI Research cho biết VIB hiện đang đàm phán tái ký hợp đồng bancassurance mới với Prudential, qua đó nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng sẽ ghi nhận thêm một khoản phí trả trước trong nửa cuối năm 2022. Lợi nhận trước thuế cả năm 2022 của VIB ước tính đạt 10.400 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho VIB trong nửa cuối năm 2022.

Song nhóm phân tích điều chỉnh giảm tăng trưởng dư nợ cho vay của VIB xuống 18% (từ 20%) để phản ánh sự thận trọng của NHNN trong việc cấp mới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong nước do gánh nặng lạm phát và tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà có thể giảm tốc do lãi suất cho vay đang trong xu hướng tăng.

Báo cáo cho biết, tăng trưởng huy động khách hàng ước tính là 15% do VIB có thể huy động nguồn vốn trung và dài hạn thông qua vay nước ngoài, điều này giúp giảm áp lực huy động tiền gửi có kỳ hạn.

Theo SSI Research, số dư nợ xấu quý II/2022 của VIB tăng 16% so với đầu năm hay 6% so với quý trước, chiếm 5.400 tỷ đồng. Điều này làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,45% trong quý II (so với mức 2,35% trong quý 1/2022).

Mặc dù ngân hàng không giải thích thêm cho sự gia tăng nợ xấu, nhóm phân tích tin rằng tỷ lệ nợ xấu tăng lên chủ yếu là do các khoản nợ được phân loại lại theo CIC, và một phần do các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19.

Tại thời điểm quý II, dư nợ các khoản vay tái cơ cấu lại giảm 37% so với đầu năm hay giảm 21% so với quý trước xuống còn 666 tỷ đồng. Theo kịch bản kém khả quan nhất, chuyên gia giả định rằng các khoản vay tái cơ cấu còn lại sẽ mất khả năng thanh toán, khi đó tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ tăng thêm 0,3% nếu ngân hàng muốn xử lý hoàn toàn các khoản nợ này.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu đang giảm (giảm 0,32 điểm % so với đầu năm), vì vậy áp lực về việc gia tăng nợ xấu vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, VIB lại ít chủ động hơn các ngân hàng khác trong việc trích lập dự phòng tín dụng, với tỷ lệ bao nợ xấu chỉ ở mức 54% (so với mức 51,4% trong quý IV/2021), đây là mức thấp nhất trong các ngân hàng mà SSI nghiên cứu tại thời điểm quý II/2022.

Lâm Tuyền

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán