Sóng đầu tư công - cơ hội đến từ đâu?

(Banker.vn) Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đầu tư công luôn là lựa chọn chính sách hàng đầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Không có nhiều bất ngờ khi hoạt động này được đẩy mạnh sau những số liệu kinh tế không quá tích cực được công bố trong nửa đầu năm 2023.

Công tác giải ngân vốn luôn là thách thức

Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đã được thông qua với mức kỳ vọng tăng 25% so với năm 2022, đạt hơn 700.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn trong khoảng thời gian một năm (kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm 2021-2025 chỉ vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng).

Tuy nhiên, để chính sách có thể đi vào cuộc sống luôn cần nhiều thời gian, nhất là khi thủ tục đầu tư với các dự án cơ sở hạ tầng lớn luôn là một thách thức cho công tác giải ngân vốn trong nhiều năm qua.

Sóng đầu tư công - cơ hội đến từ đâu?

Điều này đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đang nghiêng nhiều về hướng sử dụng chính sách tiền tệ, một phần là do chính sách tiền tệ có độ trễ thấp hơn.

Thứ hai, yếu tố mang tính mùa vụ cho thấy các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường tập trung giải ngân trong nửa sau của năm.

Thứ ba là rủi ro liên quan đến pháp lý, trong đó bao gồm các rủi ro liên quan đến việc định giá đất và giải phóng mặt bằng hay việc giám sát tuân thủ các kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ tư, công tác chuẩn bị dự án đầu tư công thường khó đáp ứng được các nhu cầu thực tế phát sinh trong lúc triển khai. Việc chuẩn bị dự án là một quá trình kéo dài (18-24 tháng đối với các dự án lớn và có thể rút ngắn xuống còn 12 tháng nếu sử dụng chỉ định thầu trực tiếp), nên luôn có sự chênh lệch giữa kế hoạch và thực tiễn triển khai.

Cuối cùng là thiếu hụt về nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông lớn.

Giải pháp

Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm vẫn còn khoảng 67%, tương đương với khoảng 470.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm đối với chủ đầu tư và kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh.

Tuy nhiên cũng thực hiện thưởng hợp đồng đối với các dự án hoàn thành trước kế hoạch. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2023/NĐ-CP quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về mặt thể chế, bên cạnh cơ chế chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp thuộc 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (ban hành năm 2022 sau khi có quyết định chuyển đổi các dự án này từ hợp tác công – tư (PPP) sang đầu tư công), hiện tại có hai thay đổi lớn nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt về giải ngân trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn là việc thông qua Nghị Quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP HCM trong đó TP HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), đối với việc quy hoạch đô thị dọc tuyến đường vành đai 3 hay được áp dụng trở lại hợp đồng BT với một loạt dự án như Cầu Cần Giờ (tổng vốn 10.000 tỷ đồng), Cầu Nguyễn Khoái (2.800 tỷ đồng), mở rộng đường Ung Văn Khiêm, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hay mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Chính phủ cũng kỳ vọng sẽ sớm thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2020/NĐ-CP về đầu tư công (sẽ được phê duyệt bởi tháng 10/2023). Điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định này là việc nới lỏng quy định cho phép nguồn vốn các dự án đầu tư công chưa được hoàn thành trong năm nay có thể được kéo dài giải ngân sang năm tiếp theo.

Về dài hạn, các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công cũng đã được nhắc đến trong phiên họp chuyên đề pháp luật trong tháng 6 vừa qua, trong đó bao gồm Luật Đầu tư Công 2019, Luật Đầu tư theo phương pháp công tư (PPP) 2020... Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể vẫn chưa được công bố và trong kịch bản tích cực nhất, Quốc hội vẫn sẽ phải cần 3 phiên họp để thông qua và việc sửa đổi các luật này nhanh nhất là 2025 có hiệu lực.

Cẩn trọng "sóng” đầu tư công

SSI cho rằng các doanh nghiệp hưởng lợi từ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là các doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm lực tài chính đủ mạnh (quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu), có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, họ cũng có kinh nghiệm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm, hàm lượng kỹ thuật cao.

Sóng đầu tư công - cơ hội đến từ đâu?

Nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng như VCG, HHV, C4G, LCG…đã trúng thầu/được chỉ định thầu tham gia xây dựng các hợp phần của cao tốc Bắc Nam hay các công trình giao thông khác. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý.

Cụ thể, doanh thu mảng xây dựng của các doanh nghiệp trên đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các dự án đầu tư công, bắt đầu từ năm 2021-2022 và quý I/2023. Doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 theo chu kỳ đầu tư công.

Tuy nhiên, đặc thù ngành xây dựng hạ tầng là biên lợi nhuận mỏng và các khoản phải thu cao, đa số sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao. Điều này dẫn đến mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu sẽ chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Sóng đầu tư công - cơ hội đến từ đâu?

Riêng với CTD đang dấn thân vào mảng hạ tầng bằng việc đứng đầu liên danh Hoa Lư (gồm: CTD – Unicons - Central Cons - An Phong – HBC – Delta – Thành An - PLE) nộp thầu tại gói thầu 5.10 sân bay Long Thành với quy mô hơn 35.000 tỷ đồng thì theo SSI, ngay cả trường hợp liên danh này được công bố trúng thầu vào tháng 8 tới đây, kết quả từ mảng hạ tầng sẽ chỉ phản ánh vào doanh thu từ năm 2024 theo tiến độ và khó kỳ vọng vào biên lợi nhuận cao đối với dự án lớn đầu tiên của các nhà thầu xây dựng dân dụng nội địa, thường ưu tiên vào mục tiêu hoàn thiện hồ sơ năng lực hơn là lợi nhuận mang về.

Do tăng trưởng lợi nhuận chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty xây dựng hạ tầng thường ở mức tương đối thấp trong khi mức định giá P/E và P/B của các cổ phiếu xây dựng đã vào vùng cao so với định giá trong quá khứ, phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

“Chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành xây dựng phù hợp với chiến lược đầu tư theo chủ điểm và tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn với những thông tin cập nhật về việc trúng thầu hoặc tin tức về đẩy mạnh đầu tư công, vì như đã phân tích ở trên, có thể sẽ chưa thấy rõ sự tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới”, SSI nêu quan điểm.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, SSI đánh giá cao KSB, VLB, DHA, PLC với tư cách là doanh nghiệp đầu ngành và hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu đá, nhựa đường tăng cao từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, SSI khuyến nghị nhà đầu tư chỉ xem xét tích lũy tại các nhịp điều chỉnh, do định giá hiện tại đã vào vùng cao.

Định giá VN-Index vẫn đang rất hấp dẫn, đầu tư cổ phiếu ngành nào nửa cuối năm 2023?

Để có được cổ phiếu tốt, SSI khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét các yếu tố nội tại của nền kinh tế tác ...

Triển vọng cổ phiếu các doanh nghiệp tham gia gói thầu sân bay Long Thành

Theo Công ty Chứng khoán Vietcap, việc được trao gói thầu 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong ...

Bài toán thanh khoản đã không còn "khó"...

Thanh khoản thị trường thường xuyên cán mốc 20.000 tỷ đồng, VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới năm 2023,... là bằng chứng cho thấy thị ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán