Sông Đà 1.01 (SJC): 5 cổ đông lớn rời đi cùng 1 ngày, doanh thu quý 3 giảm tới 95,5%

(Banker.vn) Sau động thái thoái vốn của nhóm cổ đông liên quan đến Giám đốc công ty, cổ phiếu SJC kết phiên 4/11/2022 bất ngờ tăng trần lên mức 6.600 đồng với thanh khoản 33.000 cổ phiếu.

Mới đây, Công ty CP Sông Đà 1.01 (Mã: SJC - UPCoM) đã công bố giao dịch của loạt cổ đông công ty. Cụ thể, cổ đông lớn Thái Thị Thu Nga bán ra toàn bộ gần 370.000 cổ phiếu SJC và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,31% vốn về 0. Ngày kết thúc giao dịch là 28/10/2022. Được biết bà Nga là em dâu ông Tạ Văn Trung - Ủy viên HĐQT, Giám đốc Sông Đà 1.01.

Sông Đà 1.01 (SJC): 5 cổ đông lớn rời đi cùng 1 ngày, doanh thu quý 3 giảm tới 95,5%

Cùng chiều, cổ đông lớn Tạ Trung Hậu - con ông Trung bán ra toàn bộ 543.193 cổ phiếu (tỷ lệ 7,83%) và giảm tỷ lệ sở hữu về 0. Ngày kết thúc giao dịch là 28/10/2022.

Cùng ngày, một cá nhân khác là bà Phạm Thị Loan - vợ ông Trung bán ra toàn bộ 726.990 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 10,48%) và giảm sở hữu về 0.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Bốn - em ruột ông Trung chưa thể bán ra toàn bộ 108.229 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 1,56%) do chưa kịp hoàn tất lưu kí. Được biết, cổ đông này đăng ký bán ra từ ngày 30/9 - 28/10/2022.

Về phần mình, ông Tạ Văn Trung (SN 1956) - Kỹ sư xây dựng - từng có thời gian 13 năm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Sông Đà 1.01 (từ 2008 - tháng 9/2020) trước khi vị trí Chủ tịch HĐQT được chuyển giao cho ông Phạm Thanh Phong từ ngày 15/9/2020. Ông Trung hiện không nắm giữ cổ phiếu nào tại doanh nghiệp nhà.

Như vậy, chỉ tính trong ngày 28/10, Sông Đà 1.01 đã lần lượt "chia tay" 5 cổ đông lớn.

Ngược chiều giao dịch, cũng trong ngày 28/10, cổ đông lớn Phạm Hồng Nhung đã bán toàn bộ 370.180 cổ phiếu SJC (tỷ lệ 5,34%) và cổ đông lớn Phạm Thu Huyền đã bán toàn bộ 370.180 SJC (tỷ lệ 5,34%).

Trên thị trường, sau động thái thoái vốn của nhóm cổ đông liên quan đến Giám đốc công ty, cổ phiếu SJC kết phiên 4/11/2022 bất ngờ tăng trần lên mức 6.600 đồng với thanh khoản 33.000 cổ phiếu.

Trước đó, trong phiên các cổ đông thoái vốn (ngày 28/10) cổ phiếu này cũng tăng trần. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp của mã này trong 2 tháng gần đây. (xen lẫn các phiên tăng trần là các phiên cổ phiếu SJC không có giao dịch).

Sông Đà 1.01 (SJC): 5 cổ đông lớn rời đi cùng 1 ngày, doanh thu quý 3 giảm tới 95,5%
Diễn biến giá cổ phiếu SJC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Doanh thu quý 3/2022 giảm mạnh tới 95,5% so với cùng kỳ

Về kết quả kinh doanh, ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 3/2022, Sông Đà 1.01 báo doanh thu giảm mạnh tới 95,5% so với cùng kỳ năm 2021 còn 1,8 tỷ; lợi nhuận sau thuế âm 100 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 2,5 tỷ. Đây cũng là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ mức lỗ 232 tỷ đồng hồi quý 4/2021.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty này ghi nhận gần 5,1 tỷ đồng doanh thu (cùng kỳ đạt 44 tỷ) và lỗ sau thuế 145 triệu đồng.

Đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của SJC ở mức 1.560 tỷ đồng; nợ phải trả 1.518 tỷ - gần 15 lần quy mô vốn chủ sở hữu (chỉ gần 100 tỷ đồng).

Dẫn nguồn Reatimes (thời điểm năm 2018), Sông Đà 1.01 được biết đến với vai trò là chủ đầu tư Dự án Tokyo Tower từng khiến khách hàng bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế căn hộ nhưng lại bắt khách hàng muốn giữ nguyên thiết kế như trong hợp đồng thì phải làm đơn kiến nghị. Ngoài ra, màu sơn dự án không như bản vẽ thiết kế, đặc biệt, khách còn tố chú đầu tư lừa đảo, bán một căn hộ bán cho nhiều người…

Tuy nhiên, phía công ty luôn giữ phương châm không phản hồi, không giải thích về các khúc mắc này.

Không chỉ có Dự án Tokyo Tower, Sông Đà 1.01 còn là chủ đầu tư của nhiều dự án tai tiếng khác. Cụ thể, Dự án Chung cư Hemisco (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội), một trong những dự án đầu tiên mà công ty thử sức khi bước chân sang lĩnh vực bất động sản một thời nằm trong danh sách các dự án không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.

Một dự án đời đầu khác của Sông Đà 1.01 là CT1 Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng gây ầm ĩ một thời gian khi công ty này lách luật huy động vốn của khách hàng trước khi xây xong móng, sau đó lại tăng giá bán từ 6,5 triệu đồng mỗi m2 sàn lên 8,78 triệu đồng (tăng 34% so với thời điểm góp vốn ban đầu). Hành động này của chủ đầu tư đã bị khách hàng phản ứng dữ dội. Sự việc cũng lùm xùm một thời gian dài.

Trong khi đó, tại Dự án Eco Green Tower (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - thời điểm đang triển khai hồi tháng 4/2018 - cũng bị chậm tiến độ. Theo kế hoạch trước đó, dự án sẽ bàn giao nhà cho khách hàng cuối năm 2017.

Đáng chú ý, tình hình tài chính của 2 dự án Tokyo Tower và Eco Green Tower đang có vấn đề khiến nhiều nhân viên bán hàng cũng đã tìm chỗ làm mới.

Thực tế trong cơ cấu nợ của SJC đến cuối quý 3, doanh thu chưa thực hiện dài hạn của công ty cũng đang ở mức 700 tỷ đồng - không có nhiều biến động sau nhiều năm ghi nhận.

Thông tin liên quan, mới đây, Công ty CP Sông Đà 11 cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2019 - 2024 của ông Trần Văn Ngư với lý do không sắp xếp được thời gian cho công việc.

Cùng ngày 29/9, ông Phạm Viết Cường cũng viết đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 vì lý do cá nhân. Hai cán bộ cấp cao khác là Trưởng ban kiểm soát là ông Nguyễn Vũ Hải và thành viên Ban kiểm soát là Trần Thị Hằng cũng có đơn từ nhiệm lên công ty.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán