Sơn La: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thanh long ruột đỏ rộng mở đầu ra

(Banker.vn) Các hợp tác xã trồng thanh long tại Sơn La đã liên kết chặt với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Sơn La: Đa dạng giải pháp xúc tiến tiêu thụ trái cây Sơn La: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Ngày 21/6, 5 tấn thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha và 27 hộ dân ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái - huyện Thuận Châu - Sơn La đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Italia.

Sơn La: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thanh long ruột đỏ rộng mở đầu ra
Xuất khẩu thanh long sang Italia

Trước đó, sản phẩm này cũng được xuất khẩu sang Liên bang Nga và được tiêu thụ hiệu quả tại các kênh phân phối nội địa như chợ, siêu thị. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc liên kết chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại Sơn La.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La trồng trên 300 ha thanh long; tập trung tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, thành phố Sơn La… với sản lượng đạt gần 5.000 tấn/năm. Trong đó, Thuận Châu là huyện trồng nhiều thanh long nhất.

Năm 2018, huyện Thuận Châu bắt đầu xây dựng chuỗi cho sản phẩm thanh long ruột đỏ bằng cách liên kết với hợp tác xã Ngọc Hoàng cung ứng giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Đây là 1 trong 8 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện Thuận Châu.

Đến nay, huyện có 50ha thanh long ruột đỏ, trong đó 44ha được liên kết theo chuỗi, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lăng, Mường É. Năm 2024, sản lượng thanh long thu hoạch ước đạt trên 500 tấn, giá bán bình quân từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg.

Ngoài việc tiếp tục duy trì liên kết sản xuất các sản phẩm, trong đó có sản phẩm quả thanh long, huyện Thuận Châu đang tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng nhãn hiệu quả thanh long Sơn La với các vùng địa lý trồng cụ thể, qua đó giúp sản phẩm này của địa phương ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo kế hoạch, ngoài cung cấp quả thanh long tại thị trường trong nước, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng phấn đấu trong năm 2024 xuất khẩu 60 tấn thanh long ruột đỏ theo đường chính ngạch sang thị trường các nước Anh, Pháp, Nga, Italia, một số nước Trung Đông và thị trường EU. Việc xuất khẩu thành công quả thanh long ruột đỏ theo đường chính ngạch sang thị trường các nước châu Âu góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng phát triển bền vững cho cây trồng này và phấn đấu đạt mục tiêu giá trị xuất khẩu của huyện đề ra năm 2024 là 325 tỷ đồng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh đã xây dựng duy trì, phát triển 280 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn. Bên cạnh đó, cấp 294 mã số vùng trồng cho 43 cơ sở. Có 27 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 98 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao đến 5 sao.

Liên kết chuỗi mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng cho thị trường.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương