Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử

(Banker.vn) Sàn thương mại điện tử tiếp tục trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ tỉnh Sơn La tiêu thụ nông sản thế mạnh.
Sơn La: Đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ nông sản tại phiên chợ vùng cao biên giới Tăng doanh thu cho nông sản Điện Biên nhờ ‘lên sàn’ thương mại điện tử

Gia tăng tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Mới đây, Công ty TNHH Thành Cương - Sơn La phối hợp với Sendo Farm tổ chức livestream kết nối tiêu thụ bắp cải cho các hộ trong chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Nông sản Sơn La, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Tại buổi Livestream, Sendo Farm đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 5 tấn bắp cải, với giá 39.900 đồng/2-2,5 kg bắp cải đến tận tay người tiêu dùng. Đây là mức giá hỗ trợ khách hàng khi giá bắp cải tại thị trường thành phố Hà Nội đang ở mức cao, do trái vụ và ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, nhiều diện tích bị ngập úng, lượng hàng khan hiếm.

Cũng thành công nhờ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, những năm gần đây, HTX Nuôi ong mật Sông Mã - bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phát triển nuôi ong mật, tiêu thụ các sản phẩm mật ong, các loại giống ong cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, mạnh dạn thử nghiệm bán các sản phẩm mật ong trên các sàn thương mại điện tử, như: buudien.vn, Sanviet.vn, Topmaxsale.vn, Vinmart.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu của HTX đã tăng gần gấp đôi so với trước khi chỉ dựa vào thị trường truyền thống.

Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Tiêu thụ nông sản Sơn La trên sàn thương mại điện tử buudien.vn (Ảnh: Vnpost)

Về phía các địa phương, mới đây, huyện Sông Mã đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn và livestream giới thiệu các sản phẩm OCOP của Sơn La do các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng, những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) trực tiếp thực hiện và hướng dẫn. Tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương” cho 400 đại biểu.

Bên cạnh hướng dẫn kỹ năng bán hàng, một trong những sáng kiến tiêu biểu là huyện đã liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee và Tiki để nông dân có thể đưa sản phẩm của mình lên nền tảng, tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng. Cùng với đó là các doanh nghiệp, HTX tự xây dựng những fanpage của mình để tăng khả năng đưa nông sản tiếp cận đến người tiêu dùng, như Facebook, Zalo, Tiktok...

Tương tự, các HTX như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương; HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong; HTX Dịch vụ nông nghiệp Chung Thành, bản Nà Đứa, xã Yên Hưng... cũng đã gặt hái được thành công lớn khi áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử. Việc tích hợp mã QR trên mỗi sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi quá trình sản xuất, từ đó tăng cường niềm tin và sự lựa chọn của họ.

Đó là những đơn vị đã thành công nhờ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử. Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 3.250 doanh nghiệp và 806 hợp tác xã. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh với mức độ khác nhau.

Trong giai đoạn 2020 - 2023 các Sở, ngành, địa phương của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương Sơn La đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong giao dịch thương mại điện tử cho các HTX, người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các công cụ như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá cũng như tiêu thụ nông sản. Sở Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng trong thương mại điện tử cho HTX, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Công Thương vào cuộc hỗ trợ

Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ cho người dân, tháng 8 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, UBND huyện Mai Sơn tổ chức lớp tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử và livestream bán hàng trực tuyến cho các đơn vị doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn huyện Mai Sơn.

50 học viên đại diện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh các mặt hành nông sản trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được quán triệt, giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử; xu hướng thương mại điện tử trong tương lai. Các kiến thức, kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu và tham gia các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, môi trường số. Các kỹ năng để kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng số, cũng như các giải pháp về thanh toán số khi tham gia các sàn thương mại điện tử. Các nguy cơ và cách phòng tránh lừa đảo khi tham gia các sàn thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên cũng được chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng trong việc khởi tạo, quản lý gian hàng, xây dựng các video nội dung ngắn và livestream bán hàng, quảng bá nông sản; cách thức để bán hàng qua video, bán hàng qua livestream và bán hàng qua tiếp thị liên kết trên Tiktok Shop.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản Sơn La qua các hội chợ, triển lãm, các chương trình giao thương...

Nhờ nỗ lực chung, theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Sơn La, nông sản Sơn La đã và đang tiêu thụ mạnh. Trong đó, tổng sản lượng cây ăn quả tiêu thụ từ đầu năm tính đến ngày 30/8/2024 đạt 280.442 tấn, ước đạt 74% tổng sản lượng cả năm, giá trị ước đạt 4.292.717 triệu đồng. Trong đó, một lượng lớn được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.

Phát huy hiệu quả các sàn thương mại điện tử, tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và các khách hàng khi giao dịch, mua bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục