Thanh Hóa: Triển khai hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới, nâng cao đời sống người dân vùng biên Kinh tế cửa khẩu: Trụ cột, động lực phát triển tỉnh Quảng Ninh |
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Việt Nam, nằm cách thủ đô Hà Nội 320 km trên trục Quốc lộ 6. Tỉnh có diện tích 14.109,83 km² đứng thứ 3 cả nước. Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu; phía Đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình; phía Tây giáp với tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Huaphanh) - Lào, phía Tây Nam giáp tỉnh Luông Pha Bang (Luangprabang) - Lào.
Sơn La có 01 cửa khẩu Quốc tế với Lào là Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu |
Sơn La có đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào dài 274,065 km, với 06 huyện biên giới: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp với 17 xã giáp biên và có trên 90 nghìn nhân khẩu tại các xã biên giới. Tỉnh có 01 cửa khẩu Quốc tế (Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu), 01 Cửa khẩu Quốc gia (cửa khẩu Chiềng Khương – huyện Sông Mã), 02 cửa khẩu phụ (Cửa khẩu phụ Nà Cài – huyện Yên Châu; Cửa khẩu phụ Nậm Lạnh – huyện Sốp Cộp) và 07 đường mòn, lối mở. Số hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện biên giới gần 4.000 hộ.
Sở Công Thương Sơn La thông tin, nhìn chung, hoạt động thương mại biên giới giữa Sơn La với các tỉnh của nước CHDCND Lào tuy còn nhiều hạn chế, song đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống của cư dân biên giới. Công tác quản lí hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã góp phần duy trì ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào.
Quan hệ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng trên biên giới, cửa khẩu tỉnh Sơn La với các Hủa Phăn, Luông Pha Bang được duy trì, củng cố và phát triển. Tại các cửa khẩu, công tác kiểm soát xuất nhập cảnh cơ bản duy trì được nề nếp, công tác phối hợp quản lý cửa khẩu được tăng cường và có hiệu quả; Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.
Thời gian qua, để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã phối hợp với các Chi cục Hải quan và đơn vị liên quan triển khai thực hiện các quy định đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp tới mua bán hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động thương mại biên giới nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh của các thương nhân và thuận lợi trong mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Hiện nay, các dịch vụ công tại khu vực cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là các dịch vụ kê khai hải quan được thực hiện bởi lực lượng hải quan: Sơn La, Lóng Sập (trực thuộc Cục Hải quan Điện Biên). Việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các Chi cục hải quan được diễn ra công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm dịch hàng hóa được thực hiện theo các ưu đãi theo nội dung Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Chính phủ nước CHDCND Lào, tạo sao sự thông thoáng, thuận lợi trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân, thương nhân biên giới hai nước.
Hệ thống kho bãi tại 02 cửa khẩu chính là Chiềng Khương, Lóng Sập bước đầu đã hình thành, tuy nhiên có quy mô nhỏ, khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng đúng công năng còn hạn chế.
Riêng đối với năm 2020, 2021, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm hầu như không phát sinh do Chính phủ Lào tạm đóng cửa khẩu biên giới. Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện biên giới, lực lượng chức năng duy trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh gắn với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo chung của Chính phủ và của tỉnh; kịp thời cập nhật tình hình thông qua hàng hóa, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh,
Trong giai đoạn 2018-2023, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch còn rất thấp so với cả nước (trung bình dưới 01 triệu USD/năm), cơ cấu mặt hàng còn đơn điệu, chưa có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu hàng hóa, phương thức trao đổi thương mại biên giới.
Các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới địa bàn tỉnh Sơn La: Vật liệu xây dựng (chủ yếu là xi măng), ngô giống; tạm nhập, tái xuất các loại máy móc phục vụ công trình có kỳ hạn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ các loại, ngoài ra là một số mặt hàng nông sản nông sản (ngô, đậu tương giống, dừa); mặt hàng tiêu dùng (trong đó có một số là các hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc từ Thái Lan). Tuy nhiên, từ khi nước bạn Lào quy định chỉ xuất khẩu gỗ thành phẩm nên hoạt động nhập khẩu gỗ trên địa bản tỉnh Sơn La giảm mạnh.
Mặc dù cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều khó khăn, giá trị xuất, nhập khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của tỉnh, tuy nhiên trong tương lai thị trường Lào vẫn sẽ giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược xuất, nhập khẩu của tỉnh Sơn La đối với một số mặt hàng như: Vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu nông lâm sản...
Tận dụng tốt các thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào
Sở Công Thương Sơn La cho biết, trong thời gian tới, nhằm tận dụng tốt các thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào, Sở Công Thương tỉnh Sơn La sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện biên giới tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về thương mại biên giới (Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương…).
Bên cạnh đó, phối hợp các lực lượng chức năng, UBND các huyện biên giới theo dõi tình hình thương mại biên giới tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh; Rà soát thực trạng hạ tầng thương mại biên giới
Duy trì mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh Bắc Lào; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.
Tiếp tục phối hợp với các Sở, UBND các huyện, thành phố tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh (Tuần hàng nông sản an toàn, các hội nghị kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến…) để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Tăng cường công tác quản lý đường biên, chống buôn lậu, tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu giữa hai bên, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thông qua xây dựng các mô hình, phát triển kinh tế cho một số tỉnh phía Lào.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện biên giới, các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các quy định đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp tới mua bán hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, các Hiệp định thương mại đã được ký kết và có hiệu lực;
Phối hợp vận động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân hai bên biên giới đẩy mạnh hợp tác về thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống của người dân vùng biên giới.
Phương Lan
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|