Sơn La: Giải "bài toán” phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới

(Banker.vn) Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại khu vực biên giới của Sơn La còn nhiều yếu kém, việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới hai bên còn hạn chế.
Đắk Nông: Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới Thanh Hóa: Triển khai hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới, nâng cao đời sống người dân vùng biên

Xuất nhập khẩu qua biên giới duy trì ổn định song kim ngạch chưa cao

Sơn La có đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào dài 274,065 km, với 06 huyện biên giới: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Sốp Cộp với 17 xã giáp biên và có trên 90 nghìn nhân khẩu tại các xã biên giới. Tỉnh có 01 cửa khẩu Quốc tế (Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu), 01 Cửa khẩu Quốc gia (cửa khẩu Chiềng Khương – huyện Sông Mã), 02 cửa khẩu phụ (Cửa khẩu phụ Nà Cài – huyện Yên Châu; Cửa khẩu phụ Nậm Lạnh – huyện Sốp Cộp) và 07 đường mòn, lối mở. Số hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện biên giới gần 4.000 hộ.

Sơn La: Giải
Hạ tầng cửa khẩu nói chung và chợ biên giới nói riêng ở Sơn La còn nhiều hạn chế (Ảnh: TTXVN)

Theo Sở Công Thương Sơn La, thời gian qua, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn được diễn ra thường xuyên. Việc mua bán, trao đổi hàng hoá được thực hiện tại khu vực các khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở và vào các chợ giáp biên. Hàng hóa chủ yếu là: vật liệu xây dựng (gạch, xi măng, sắt thép xây dựng…); dụng cụ sản xuất, máy móc vật tư nông nghiệp, giống cây trồng… hàng hoá tiêu dùng: lương thực, thực phẩm; hàng nông, lâm sản (gỗ các loại, ngô, thóc, đậu đỗ các loại, dược liệu)... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Hiện nay, đời sống kinh tế cũng như mật độ dân cư tại khu vực biên giới của hai bên còn thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại ở khu vực biên giới yếu kém, do đó hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới hai bên còn nhiều hạn chế. Việc mua bán hàng hoá của cư dân chủ yếu vẫn là tại các chợ điểm tập trung hộ kinh doanh tại khu vực gần cửa khẩu biên giới, chợ biên giới dưới hình thức trao đổi hàng với hàng, hoặc bằng tiền mặt với tỷ giá xác định thông qua việc tự thỏa thuận.

Số lượng các doanh nghiệp thực hiện hoạt động mua bán thông qua cửa khẩu biên giới địa bàn tỉnh Sơn La còn ít, hoạt động mua bán không thường xuyên, mang tính mùa vụ. Các mặt hàng nhập khẩu từ năm 2016 đến nay chủ yếu là gỗ. nông sản (ngô, sắn) và các sản phẩm phụ từ rừng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với việc hiện nay Chính phủ Lào đóng cửa rừng tự nhiên, hạn chế việc xuất khẩu gỗ tròn đã gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng trên, ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Trong khi đó mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Sơn La sang thị trường Lào trong những năm gần đây là các sản phẩm xi măng, vật liệu xây dựng, điện năng ngoài ra còn thực hiện việc tạm nhập, tái xuất các loại máy móc phục vụ công trình.

Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Sơn La với nước CHDCND Lào từ năm 2016 đến tháng 6/2023 đạt gần 6,6 triệu USD trong đó xuất khẩu đạt gần 5 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 1,6 triệu USD.

Hạ tầng biên giới còn yếu kém

Sở Công Thương Sơn La thông tin, hiện nay tỉnh Sơn La có 05 xã khu vực biên giới đã được đầu tư xây dựng chợ gồm: Xã Chiềng Khương - huyện Sông Mã, xã Phiêng Khoài - huyện Yên Châu; xã Chiềng Sơn – Huyện Mộc Châu, xã Mường Lạn - huyện Sốp Cộp, xã Chiềng Khừa - huyện Mộc Châu. Trong đó có 02 chợ (Chợ Chiềng Khừa và chợ Mường Lạn) hoạt động không hiệu quả nên đã chuyển đổi mục đích sử dụng và 03 chợ đang hoạt động (Chợ Chiềng Khương, Chợ Phiêng Khoài, Chợ Chiềng Sơn). 12 xã còn lại đã được quy hoạch chợ tuy nhiên do điều kiện kinh tế hạn chế, dân cư thưa thớt nên chưa được đầu tư xây dựng chợ, mà mới chỉ có các điểm họp chợ tự phát với số lượng người mua bán, trao đổi hàng hóa ít, không thường xuyên, hàng hóa chủ yếu là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.

Hiện nay, Chợ biên giới Chiềng Sơn thuộc địa bàn xã biên giới Chiềng Sơn – huyện Mộc Châu được đầu tư xây dựng năm 2005 và đưa vào bàn giao sử dụng năm 2007, với tổng mức đầu tư là 5.724,4 triệu đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn hỗ trợ các xã biên giới, loại hình chợ kiên cố. Hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.

Chợ biên giới Chiềng Khương thuộc địa bàn xã biên giới Chiềng Khương – huyện Sông Mã được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 21/9/2007 của UBND tỉnh Sơn La về việc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Chợ Thị tứ Chiềng Khương. Với tổng vốn đầu tư xây dựng 4.948,8 triệu đồng (trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 3.500 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.474,8 triệu đồng). Loại hình là chợ kiên cố. Chợ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.

Chợ biên giới Phiêng Khoài thuộc địa bàn xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu. Chợ được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1997. Do cư dân địa phương tự tụ họp, tự đóng góp dựng thành chợ. Số Hộ kinh doanh thường xuyên trong chợ khoảng 50 hộ. Kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân khu vực trung tâm cụm xã và các vùng lân cận. Đến năm 2017 chợ được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương, tổng giá trị đầu tư trên 9.000 triệu đồng.

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình hạ tầng thương mại khác, do điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân tại các xã biên giới tỉnh Sơn La còn khó khăn, mật độ dân cư thấp, do đó tại các xã biên giới chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình thương mại hiện đại khác. Hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa được thực hiện chủ yếu thông qua chợ và các đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh Sơn La ban hành, mục tiêu đặt ra là thúc đẩy hợp tác, phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh giáp biên giới của Lào; thu hút và xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Theo kế hoạch, các đơn vị thuộc tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tích hợp các nội dung liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch chung của tỉnh; thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới, trong đó chú trọng thu hút đầu tư các trung tâm, khu tổ hợp dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập, Chiềng Khương nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu; khuyến khích phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển thương mại biên giới; xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển thương mại biên giới. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, tăng cường giao thương giữa Sơn La và các địa phương lân cận của nước bạn Lào.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương