Sóc Trăng: Tăng cường tiêu thụ nông sản có thế mạnh

(Banker.vn) Sóc Trăng là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp và luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ nông sản với giá ổn định cho bà con.
Sóc Trăng và TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường hợp tác tiêu thụ nông sản Sơn La: Đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ nông sản tại phiên chợ vùng cao biên giới

Nông nghiệp là thế mạnh của địa phương

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng - thông tin, Sóc Trăng là một trong những địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông sản.

Nhiều thập kỷ qua, trên địa bàn Sóc Trăng được thiên nhiên ưu đãi nên phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp. Cụ thể, Sóc Trăng có sự phân vùng khá rõ ràng: vùng nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Đặc biệt, Sóc Trăng có 72km bờ biển để cho ngư dân canh tác hải sản. Đây là lợi thế biến Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng nông nghiệp lớn của cả nước. Sóc Trăng còn có dòng gạo ST24 được công nhận gạo ngon nhất thế giới. Do đó, địa phương có thế mạnh về gạo, nuôi tôm và sơ chế thuỷ sản xuất khẩu.

Sóc Trăng: Tăng cường tiêu thụ nông sản có thế mạnh
Hành tím là dòng sản phẩm đặc trưng của Sóc Trăng. Ảnh: Văn Dương

Ngoài ra, Sóc Trăng có hành tím, vú sữa tím, bưởi da xanh, nhãn… tạo sự đa dạng cho dòng sản phẩm nông sản.

Thời gian qua, phát huy vai trò quản lý nhà nước, Sở Công Thương Sóc Trăng đã kết nối với các doanh nghiệp ở thị trường nội địa để triển khai các công tác thị trường, từ đó thông tin lại cho doanh nghiệp những nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để nuôi trồng, sơ chế hàng hoá nông sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Năm 2023, Sở Công Thương tổ chức kết nối hàng hoá tiêu thụ đến các địa bàn phía Bắc, miền Trung. Từ đó, ký kết với các kênh phân phối bán lẻ lớn, các địa phương lớn. Song song với đó, tổ chức các hội chợ kết nối với các sự kiện lễ hội lớn của địa phương để đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng.

Mới đây, tỉnh Sóc Trăng và TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất tăng cường hợp tác để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tiêu thụ nông sản trong giai đoạn 2024 - 2025.

Theo thỏa thuận đã ký kết, hai địa phương sẽ cùng nhau phối hợp để kết nối sản xuất với tiêu thụ, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Sóc Trăng đến người tiêu dùng thành phố. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Sóc Trăng trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.

Đến nay, các sở, ngành của hai địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, như trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, siêu thị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cả hai bên cần tiếp tục nỗ lực và có những giải pháp cụ thể hơn.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng; khảo sát, học tập mô hình tại các làng nghề, ngành nghề có sản phẩm OCOP đã được công nhận 4 sao và 5 sao. Đồng thời, các doanh nghiệp của thành phố cũng sẽ được hỗ trợ để kết nối với nông dân Sóc Trăng, tạo thành những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững.

Đối với xuất khẩu, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,5 triệu USD/năm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành nâng cao công tác thông tin đến các doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu sang các nước trên thế giới cao, có ưa chuộng các loại nông sản của Việt Nam. Trong đó, sản phẩm gạo ST 25 của tỉnh được đặc biệt ưa chuộng.

Tăng cường tiêu thụ nông sản tại sàn thương mại điện tử

Để được phân phối vào các kênh siêu thị, thương mại điện tử uy tín, nông sản đòi hỏi phải đạt được những tiêu chí nhất định, đảm bảo được sản lượng và chất lượng theo quy định. Ông Hứa Trường Sơn chia sẻ, nhận thức được rằng thị trường nội địa với 100 triệu dân là mảng thị trường vô cùng lớn với nông sản bất cứ địa phương nào, do đó Sở Công Thương Sóc Trăng đã tăng cường thông tin, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo hướng xanh, để nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn đưa vào hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Sóc Trăng đã lựa chọn các kênh phân phối uy tín để tiếp cận, làm việc trực tiếp, hỗ trợ các hợp tác xã đưa hàng hoá lên các hệ thống phân phối này.

Song, hiện nay, để đưa các sản phẩm hàng hoá địa phương, trong đó có Sóc Trăng lên sàn thương mại điện tử vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do các hộ sản xuất ở địa phương, trong đó có Sóc Trăng chưa quen với việc đưa sản phẩm lên sàn.

“Họ ngại sản phẩm làm ra chưa đảm bảo chất lượng, đưa vào sàn bán không được, dẫn đến hạn chế thu nhập. Hoặc họ sợ không đáp ứng được nguồn cung… Từ thực tế đó, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, tham gia các đợt tổ chức kết nối cung cầu để tiếp cận trực tiếp với kênh phân phối. Hiện, Sở đã kết nối được với các kênh thương mại điện tử như Sendo, Voso, buudien.vn… để đưa sản phẩm lên các kênh phân phối này” – ông Hứa Trường Sơn chia sẻ.

Mới đây, Dự án Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2024 - 2025 định hướng đến năm 2030 đã được UBDN tỉnh triển khai nhằm triển khai Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh.

Kế hoạch được thực hiện với mục tiêu đổi mới, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập hợp nhiều nông dân có quy mô sản xuất nhỏ thành quy mô lớn tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm… Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của tỉnh, thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ gắn với thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro của các chủ thể tham gia chuỗi liên kết.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 đến năm 2025, kinh phí thực hiện hơn 17,4 tỷ đồng, bao gồm các hợp phần chính như: Hợp phần 1, xây dựng và hỗ trợ phát triển liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo, hành tím, trái cây, chăn nuôi, thủy sản: xây dựng 5 chuỗi giá trị; Hợp phần 2, xây dựng câu chuyện sản phẩm cho các sản phẩm OCOP; Hợp phần 3, hỗ trợ một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương