Chiều 23/10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, cơ quan thẩm tra nhận xét, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 - 2018. Năng lực tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
Cạnh đó, vấn đề cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn còn có sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 - 2023 là khoảng 5,3% thấp hơn nhiều so với mức 12,5 - 13% của kế hoạch 5 năm.
Chất lượng thu NSNN còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô; so với dự toán, thu từ dầu thô năm 2021 vượt 21.400 tỷ đồng, năm 2022 vượt 49.800 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất năm 2021 và năm 2022 đều vượt khoảng 74.000 tỷ đồng. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để. Thể chế cho những vấn đề mới, mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cần được báo cáo rõ hơn, theo cơ quan thẩm tra.
Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá một số vấn đề. Như, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển; trong đó còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện.
Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ được giao còn bất cập; có nhiệm vụ tuy đã được triển khai, nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập.
Việc cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025, ông Thanh báo cáo.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.
Quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “mua bắt buộc” gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.
“Nhiệm vụ phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực còn hạn chế phần lớn có nguyên nhân từ việc chậm hoàn thiện thể chế đối với thị trường các yếu tố sản xuất, chưa là tín hiệu cho phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ hơn những vấn đề này”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Trong các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Tập trung, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách sau khi được ban hành.
Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Cơ quan của Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31, trong đó quyết liệt hoàn thành dứt điểm cơ cấu lại 4 lĩnh vực trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng. Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TP.HCM, Đà Nẵng. Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung thực hiện phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|