Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt, làm gì để tránh?

(Banker.vn) Năm 2023, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hà Nội tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Vậy người dân cần làm gì để phòng và chăm sóc bệnh nhân tại nhà?
Hà Nội: Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý sớm các ca bệnh và ổ dịch sốt xuất huyết Cách nhận biết sốt xuất huyết sớm nhất để tránh biến chứng nguy hiểm

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thuộc đánh giá, TP. Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng tăng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023). Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại 15 quận, huyện.

Cụ thể, huyện Phú Xuyên là địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong tuần vừa qua, với 163 ca. Tiếp đến là Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca)...

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần; số ca tử vong tương đương.

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt, làm gì để tránh?
Điều trị cho người sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện (Nguồn: internet)

Dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm.

Để tránh bệnh sốt xuất huyết lây lan mạnh Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần có ý thức phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bộ Y tế cho biết loại virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây. Trước tình hình số ca sốt xuất huyết gia tăng, việc phòng bệnh và chăm sóc bệnh nhân khi bị mắc sốt xuất huyết nhằm giảm nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc bệnh là vô cùng quan trọng

Lưu ý vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện

Hiện nay, sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị thường từ 7 - 10 ngày kể từ ngày đầu tiên có sốt. Đa số người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi đã được bác sĩ chuyên khoa khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ về kế hoạch điều trị.

Để mau khỏi và tránh biến chứng, người bệnh cần được chăm sóc đúng bằng cách uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước gạo rang với chút muối. Nên cho bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn các loại cháo loãng hoặc súp để dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất.

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt, làm gì để tránh?
Người Sốt xuất huyết nên ăn cháo loãng hoặc súp để dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh sốt xuất huyết khiến bệnh nhân rất mệt, nhất là khi sốt cao kéo dài. Với trẻ em cần lưu ý bù đủ nước và dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C. Đồng thời bổ sung đủ các dung dịch làm mát, hạ nhiệt như nước canh, nước dừa, nước cam, nước chanh, dung dịch oresol.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sau khi bệnh hồi phục vẫn cần ăn uống đầy đủ bù lại dinh dưỡng. Bệnh sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân mất nước sút cân sau quá trình sốt, mệt mỏi nhiều ngày. Nhiều bệnh nhân cần cả tháng để hồi phục lại sức. Vì vậy, trong và sau khi mắc bệnh, người bệnh cần lưu ý vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện.

Chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng

Đối với người bệnh sau khi chẩn đoán sốt xuất huyết và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng (thường từ ngày thứ 3-5 của bệnh): Lừ đừ, bồn chồn, vật vã, li bì; Lạnh tay chân, thường là vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, nhất là khi vừa hết sốt; Nôn ói nhiều; Đau bụng liên tục; Chảy máu bất thường: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, rong kinh rong huyết, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Khi gặp những dấu hiệu trên, nhất là trẻ em, phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được chăm sóc và điều trị kịp thời. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn... hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám chẩn đoán bệnh.

Một số trường hợp cảnh báo trên những người mắc các bệnh nền như các bệnh lý tim mạch, hô hấp, bệnh lý suy giảm miễn dịch, khối u... việc điều trị sốt xuất huyết sẽ khó khăn hơn. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh, nhất là trong bối cảnh sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác như COVID-19, sốt do viêm phế quản, cúm...

Hương Trần

Theo: Báo Công Thương