SeABank đặt mục tiêu lãi sau thuế tăng 10%, tăng vốn điều lệ lên hơn 25.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - HOSE: SSB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch tăng vốn, tăng trưởng lợi nhuận, bầu HĐQT nhiệm kỳ mới (2023 - 2028).

Đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 10%

Trong năm 2023, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.633 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 4.506 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Cùng với đó, tổng tài sản dự kiến tăng 10%, định hướng tăng trưởng tín dụng 11%, tương đương tăng trưởng ròng 16.500 tỷ đồng so với năm trước. Tổng huy động dự kiến tăng 12%.

Ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh huy động không kỳ hạn (CASA) để tăng tỷ trọng CASA trong tổng nguồn huy động; tăng tỷ trọng dư nợ cá nhân (có hiệu quả sinh lời cao) trong tổng dư nợ.

Đồng thời, mở rộng và đi vào chiều sâu khai thác phát triển khách hàng trong hệ sinh thái của các đối tác tiềm năng như: Tập đoàn BRG, Honda Việt Nam, Thaco Auto, VNPT, Vietnam Airlines.

SeABank đặt mục tiêu lãi sau thuế tăng 10%, tăng vốn điều lệ lên hơn 25.000 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – HOSE: SSB)

Tại đại hội, HĐQT ngân hàng đã trình lên phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Cụ thể, lợi nhuận còn lại chưa phân phối năm 2022 (gần 3.352 tỷ đồng) và lũy kế đến 31/12/2022 sau khi đã trích lập các quỹ theo phương án phân phối này sẽ được sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, phù hợp với các quy định.

Trên cơ sở đó, ĐHĐCĐ giao HĐQT quyết định mức cổ tức cụ thể, thời điểm chia cổ tức và các nội dung khác có liên quan.

Dự kiến tăng vốn điều lệ lên tối đa 25.660 tỷ đồng

Trong năm 2022 và quý I/2023, trên cơ sở chấp thuận của và các Giấy phép đăng ký chào bán/phát hành chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, SeABank đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 14.784 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng

Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên tối đa 25.660 tỷ đồng theo phương án

Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2024 với kế hoạch cụ thể là phát hành 45 triệu cổ phiếu với tỷ lệ hơn 2,2%. Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông sẽ xem xét uỷ quyền cho HĐQT thực hiện xem xét và quyết định việc điềuchỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại SeABank lên mức 7,7655%

Tại đại hội, HĐQT nhiệm kỳ mới 2023-2028 sẽ được bổ nhiệm theo hướng bổ sung thêm thành viên HĐQT là người nước ngoài, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên thị trường quốc tế và quản trị rủi ro.

Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để mua bán/ chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (“PTF”).

Nợ xấu giảm còn 1,6% trong năm 2022

Về kết quả kinh doanh, SeABank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 5.069 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước và thực hiện 104% kế hoạch năm.

Theo ngân hàng, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất của SeABank tăng chủ yếu đến từ việc chủ động và linh hoạt trong hoạt động kinh doanh; mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Các mảng kinh doanh của SeABank trong năm đều có kết quả khả quan. Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng tăng 35%, đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối mang về lần lượt 1.367 tỷ và 224 tỷ đồng, tăng 19% và 50%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu thuần (CIR) liên tục được cải thiện, cụ thể: CIR riêng lẻ ở mức 34,20% so với mức 34,74% cùng kỳ năm trước; CIR hợp nhất ở mức 35,28% so với mức 35,95% cùng kỳ năm trước

Trong khi đó, hai mảng khác là chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi thuần tăng trưởng đột biến 290% và 103% so với năm trước. Cả năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 37%, đạt hơn 9.600 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng 16,9% so với đầu năm chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 25%. Song, tỷ lệ nợ xấu vẫn giảm từ 1,65% xuống còn 1,6%.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt 231.423 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 20,7% lên 153.956 tỷ đồng. Huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 5,2% lên 115.547 tỷ đồng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SSB) được thành lập vào năm 1994. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính liên quan. SSB được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) từ tháng 12/2020.

SeABank: Vốn điều lệ tăng thêm 594 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu ESOP

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - SSB), vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng 594 tỷ đồng lên ...

SeABank chốt quyền tham dự ĐHCĐ thường niên 2023

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – HOSE: SSB) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ ...

SeABank được ADB tăng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại

Việc nâng hạn mức tài trợ thương mại thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của ADB đối với SeABank về uy tín, ...

Đan Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán