Sẽ có cơ chế thông thoáng hơn để khơi thông nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

(Banker.vn) Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, diễn ra hôm 19/9/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với những điểm mới nêu trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, diễn ra hôm 19/9/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với những điểm mới nêu trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời gian tới sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, cán bộ công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp.

Chia sẻ những điểm mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, trong dự thảo Luật này có 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về nhà ở xã hội.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú) và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…

Để khắc phục những hạn chế trước đây về việc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo Luật lần này sẽ sửa đổi theo hướng giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ những điểm mới về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

Như vậy, UBND cấp tỉnh có thể quyết định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc bố trí dự án độc lập, đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Luật quy định, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất; hưởng lợi nhuận 10%; được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ để đầu tư các tiện ích, cũng như các dịch vụ thương mại để phục vụ các cư dân trong khu vực dự án; được vay nguồn vốn ưu đãi với lãi suất ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội…

Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp khơi thông nguồn lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Trong dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm tiêu chí cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú. Công dân Việt Nam nếu cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được thu hưởng chính sách nhà ở xã hộị.

Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên xem xét ở mức thu nhập cao hơn. Điều kiện về nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10m2 thì mới là đối tượng thì nay có thể xem xét lên 15 m2/người, giống như một số nước trong khu vực...

Với những điều chỉnh này trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian tới sẽ có cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhấp nhập thấp ở đô thị, cán bộ công chức, công nhân lao động trong các khu công nghiệp…

Theo Minh Anh/tapchitaichinh.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng