Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản

(Banker.vn) Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản, do đó, kiểm soát chặt chất lượng toàn chuỗi sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả ước thu về 3,4 tỷ USD Sầu riêng Việt thêm đối thủ tại thị trường Trung Quốc Sầu riêng vào vụ, doanh nghiệp và nhà vườn chưa vội chốt hợp đồng xuất khẩu

Gia tăng kiểm soát tại cửa khẩu

Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (tỉnh Lào Cai), lượng hoa quả tươi xuất khẩu trung bình mỗi ngày hiện khoảng 100 xe thì đến hơn 90 xe là sầu riêng, còn lại là thanh long, chuối, mít, bưởi... Với thời điểm hiện nay, giá sầu riêng Monthong có giá khoảng 90 nghìn đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 60 nghìn đồng/kg thì mỗi xe hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,1 - 1,5 tỷ đồng.

Sầu riêng Việt thêm đối thủ tại thị trường Trung Quốc
Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Lào Cai đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt 535 triệu USD, trong đó phần lớn là xuất khẩu mặt hàng quả sầu riêng với gần 97 nghìn tấn (trị giá 412 triệu USD), thanh long (49,6 triệu USD), dưa hấu (13,6 triệu USD),... Sầu riêng đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm tra các chất cấm, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng trên quả sầu riêng. Sau 2 - 3 ngày mới có kết quả, khi đó quả sầu riêng đủ điều kiện mới được nhập khẩu vào nước bạn. Vì vậy, đã có những xe chậm giao hàng, thậm chí bị trả về vì không đảm bảo chất lượng.

Để giảm thiểu rủi ro này, các thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chủ động kiểm tra hàm lượng cadimi trước khi đưa hàng lên Lào Cai. Hiện nay, có khoảng 17 điểm có thể kiểm tra hàm lượng cadimi trên quả. Các điểm kiểm tra này ở gần các vựa sầu riêng, hoặc những thành phố lớn. Qua đó có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cần giữ chất lượng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Liên quan đến lo ngại sầu riêng tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, sau khi Trung Quốc phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi, Cục đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra này Cục vẫn chưa tìm được nguyên nhân.

Hiện, Cục tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai. Cục đang trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng trong đó tập trung vào tỉnh Tiền Giang. Các đơn vị làm việc rốt ráo, tích cực. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả. Khi đó, Cục sẽ công bố thông tin và làm việc với phía Trung Quốc để tìm cách xử lý vấn đề này.

Việt Nam lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc năm 2021 và trở thành đối tác cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 của nước này, chỉ sau Thái Lan. Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng. Trong đó, thị phần tính theo USD của Thái Lan giảm từ gần 100% năm 2021 xuống còn khoảng 68%.

5 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 2,2 tỷ USD sầu riêng vào Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Trung Quốc tăng 61% lên 661,48 triệu USD.

Sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam được cho là nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tại Trung Quốc giảm xuống. Tại đất nước tỷ dân, sầu riêng được xem là “trái cây vua”, được dùng làm quá tặng trong các dịp đặc biệt như lễ cưới.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc thời gian qua đã giúp thị phần sầu riêng Việt Nam ở nước này tăng lên nhanh chóng, nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều nông dân chạy theo số lượng và bỏ qua chất lượng.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường lớn, có nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu Việt Nam song có những quy định rất chặt chẽ. Bởi vậy, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu cần chủ động tham khảo, tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp, đối tác cung cấp hàng hóa trước ký hợp đồng.

Đặc biệt, đối với mặt hàng quả sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai phải đảm bảo mã số vùng trồng không nằm trong diện bị phía Trung Quốc đưa vào danh sách hạn chế do hàng hóa vi phạm... Qua đó, tránh việc đưa hàng lên tới cửa khẩu nhưng không thể xuất, giao hàng cho đối tác.

Việc lượng xuất khẩu tăng lên đột ngột nhưng lại không có sự kiểm soát chất lượng có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng của sầu riêng Việt Nam. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện các nước đang tập trung vào kiểm soát chất lượng và bảo vệ thương hiệu. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam cần chú ý để tăng sức cạnh tranh tại thị trường tỉ dân này.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục