Sau bầu cử Tổng thống 2024, nền kinh tế Mỹ sẽ bước sang trang mới?

(Banker.vn) Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra trong hôm nay không chỉ ảnh hưởng đến chính trị mà còn gây ra những tác động sâu rộng lên nền kinh tế Mỹ, từ chính sách thuế, thương mại đến thị trường lao động và tài chính. Những khác biệt lớn trong chính sách của hai ứng cử viên sẽ định hình mức giá hàng hóa, chi phí vay vốn và thậm chí là cơ hội việc làm của người dân Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là một trong những sự kiện được giới đầu tư và người dân quan tâm sâu sắc, bởi những quyết sách sau bầu cử sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump mang đến những hướng đi chính sách khác biệt, ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường lao động, thương mại và các nguồn năng lượng của Mỹ.

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ thay đổi toàn bộ nền kinh tế như thế nào?
Nếu đắc cử, ông Trump có kế hoạch tăng mạnh thuế nhập khẩu

Các chính sách này sẽ không chỉ tác động đến túi tiền của người dân, mà còn định hình cách Mỹ giao thương với thế giới. Dưới đây là năm tác động kinh tế quan trọng nhất có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào kết quả bầu cử:

1. Chính sách thuế: Cuộc đối đầu về giảm và tăng thuế

Ông Donald Trump đã đặt mục tiêu giảm thuế lên hàng đầu, cam kết sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế trước đó và mở rộng cắt giảm thuế doanh nghiệp. Các đề xuất của ông bao gồm việc miễn thuế cho tiền tip, lương làm thêm giờ và phúc lợi xã hội. Để bù đắp tổn thất doanh thu, ông đề xuất tăng thuế nhập khẩu.

Ngược lại, bà Kamala Harris chỉ cam kết giữ nguyên các khoản cắt giảm thuế đối với người có thu nhập dưới 400.000 USD và hủy bỏ các khoản cắt giảm thuế đối với tầng lớp giàu có. Bà cũng cam kết tăng thuế doanh nghiệp và áp thuế tối thiểu với các tỷ phú, đồng thời hỗ trợ tín dụng thuế cho gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Với việc các quy định cắt giảm thuế năm 2017 sắp hết hạn, Quốc hội sẽ buộc phải thảo luận về thuế suất trong thời gian tới, bất kể ai là người chiến thắng.

2. Thương mại: Đe dọa từ thuế quan và những căng thẳng quốc tế

Nếu đắc cử, ông Trump có kế hoạch tăng mạnh thuế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước. Đảng Cộng hòa đề xuất mức thuế từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu và lên đến 60% với hàng nhập từ Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo, nếu mức thuế áp dụng ở 20%, GDP của Mỹ có thể giảm 0,8% và lạm phát tăng thêm 4,3% vào năm 2028. Nếu thế giới cũng phản ứng bằng các biện pháp tương tự, GDP của Mỹ có thể giảm đến 1,3%.

Bà Harris có quan điểm tiếp nối chính sách thương mại của chính quyền đương nhiệm, cảnh báo các đề xuất thuế quan của ông Trump sẽ dẫn đến “thuế tiêu thụ quốc gia” – tăng chi phí tiêu dùng cho người Mỹ.

3. Nhập cư: Tác động lên thị trường lao động

Chính sách nhập cư của ông Trump tập trung vào việc trục xuất người nhập cư trái phép, tác động đến các lĩnh vực sử dụng lao động nhập cư như xây dựng, khách sạn và bán lẻ. Đây là một động thái gây tranh cãi bởi nhiều nhà kinh tế cho rằng nó sẽ làm gián đoạn thị trường lao động và tiêu tốn hàng tỷ USD chi phí thực hiện.

Ngược lại, bà Harris ủng hộ việc siết chặt luật nhập cư trái phép nhưng sẽ không thực hiện các biện pháp mạnh tay như trục xuất hàng loạt. Cả hai ứng viên đều có quyền hạn đáng kể trong việc thay đổi quy định nhập cư mà không cần sự đồng ý từ Quốc hội, và đây sẽ là một vấn đề được theo dõi sát sao.

4. Chính sách năng lượng: Sự đối lập giữa năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch

Ông Trump cam kết đẩy mạnh sản xuất dầu, khí tự nhiên và than nhằm giảm chi phí nhiên liệu. Ông cũng hứa sẽ chấm dứt trợ cấp cho năng lượng xanh, thay vào đó, thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Ngược lại, bà Harris cam kết theo đuổi năng lượng sạch để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bà cam kết giảm chi phí năng lượng cho các hộ gia đình thông qua năng lượng sạch và cắt giảm phát thải, nhằm đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

5. Thâm hụt ngân sách: Mối lo ngại về chi phí vay và lãi suất

Dù ai đắc cử, thâm hụt ngân sách Mỹ dự kiến sẽ tăng nhưng mức độ thâm hụt sẽ chênh lệch đáng kể. Kế hoạch của bà Harris dự báo tăng thâm hụt 3.950 tỷ USD trong 10 năm, trong khi kế hoạch của ông Trump có thể đẩy thâm hụt lên đến 7.750 tỷ USD.

Thâm hụt lớn hơn sẽ kéo theo chi phí vay và lãi suất cao hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nợ công của Mỹ có thể đạt mức 116% GDP vào năm 2028 nếu ông Trump thực hiện cắt giảm thuế, còn theo kế hoạch của bà Harris, nợ công sẽ chạm mức 109% GDP.

Phố Wall sụt giảm trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ và quyết định của Fed

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm nhẹ khi nhà đầu tư đón chờ tuần biến động với hai sự kiện lớn là bầu cử tổng ...

Giá vàng hôm nay 5/11/2024: Liệu cuộc bầu cử Mỹ có phải đòn bẩy cho giá vàng phi mã?

Chốt phiên ngày 4/11, giá vàng trong nước tiếp tục giảm sâu tại các thương hiệu lớn, trong khi giá vàng thế giới đang chịu ...

Chuyển động thị trường kim loại quý ngày 5/11: Giá vàng ổn định, bạc "lao dốc", đồng đạt đỉnh 2 tuần

Hôm nay, giá các kim loại quý và kim loại cơ bản tiếp tục biến động đáng kể. Trong khi giá vàng ổn định ở ...

Thanh Hằng

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục