Sau 7 năm thành lập, PVS quyết định giải thể công ty con tại Malaysia

(Banker.vn) Thành lập từ năm 2016, đến nay, PVS đã phê duyệt phương án giải thể tự nguyện thông qua nghị quyết của thành viên đối với Công ty Dầu khí Labuan.
Sau 7 năm thành lập, PVS quyết định giải thể công ty con tại Malaysia
PVS giải thể công ty con tại Malaysia sau 7 năm thành lập

Ngày 16/10/2023, HĐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (HNX: PVS) đã thông qua việc giải thể Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Labuan theo phương án giải thể tự nguyện. Đồng thời, PVS cũng chấm dứt Dự án đầu tư ra nước ngoài đối với “Dự án thành lập Công ty PTSC Labuan cung cấp tàu dịch vụ dầu khí tại Malaysia”.

Theo tìm hiểu, vào tháng 8/2016, PVS đã công bố Nghị quyết về việc thành lập công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Tổng công ty tại Malaysia và công tác cán bộ.

Theo đó, PVS quyết định thành lập Công ty PTSC Labuan Co., Ltd. với tên gọi trong nước là Công ty TNHH MTV Dịch vụ Dầu khí Labuan (PTSC Labuan). Công ty này được đặt trụ sở tại đảo Labuan, Malaysia với ngành nghề hoạt động chính là cung cấp tàu dịch vụ, phục vụ khai thác dầu khí và tìm kiếm, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kỹ thuật dầu khí.

PTSC Labuan có vốn điều lệ là 572.565,12 USD (13.741 tỷ đồng), trong đó có tài sản bằng tàu là tàu PTSC Hai Phong có giá trị 406.548,43 USD (9.757 tỷ đồng), và tiền mặt góp vào 166.016,69 USD (3.984 tỷ đồng).

Theo Quyết định, ông Đoàn Đình Tự - Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam – Công ty Tàu Dịch vụ Dầu khí làm người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại PTSC Labuan Co., Ltd. và giữ chức vụ Giám đốc PTSC Labuan.

Được biết, ngoài PTSC Labuan, PVS còn có 12 công ty con sở hữu trực tiếp khác với tổng giá trị đầu tư gần 3.187 tỷ đồng.

Điểm qua về tình hình kinh doanh, trong nửa đầu năm 2023, PVS đạt hơn 8.415,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 462,6 tỷ đồng, tăng 77,5% so với cùng kỳ.

Mới đây, HĐQT PVS đã phê duyệt kế hoạch trả cổ tức vào ngày 27/10 tới. Theo kế hoạch, PVS dự kiến trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền, tỷ lệ 7%, tức là cổ đông có 1 cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng. Với gần 478 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PVS dự kiến chi khoảng hơn 334,5 tỷ đồng để trả cổ tức. Nguồn vốn trả cổ tức lấy từ lợi nhuận sau thuế năm 2022 được phân phối.

Vừa qua, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP đến từ Đan Mạch, hoạt động chủ yếu lĩnh vực năng lượng tái tạo đã ký kết hợp đồng hợp tác với liên danh giữa tập đoàn xây dựng năng lượng Semco Maritime (Đan Mạch) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) – thành viên chủ lực thuộc PVS.

PTSC M&C là nhà thầu lớn của Việt Nam và trong khu vực về cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là trong lĩnh vực xây lắp cơ khí, công trình biển. Theo đó, liên danh này sẽ là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của Dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao do CIP làm chủ đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc).

Cụ thể, vào tháng 11/2022, CIP đã ký Biên bản ghi nhớ với liên danh Semco Maritime - PTSC M&C về việc thiết kế, mua sắm và thi công trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như phát triển thị trường ra châu Á và quốc tế.

Ngay sau đó, vào cuối năm 2022, một số lãnh đạo cấp cao của CIP, bao gồm Giám đốc điều hành Jacob Poulsen đã đến thăm công trường chế tạo của PTSC M&C tại Vũng Tàu để thảo luận với ban lãnh đạo PTSC M&C về tiềm năng cung cấp trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án của CIP tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo PVS, giá trị hợp đồng cho PVS là khoảng 100 triệu USD. Như vậy, PVS đã trúng thầu 4 dự án điện gió ngoài khơi kể từ khi công ty mở rộng sang mảng mới này với tổng giá trị hợp đồng ước tính là 668 triệu USD. Theo thỏa thuận, PVS đảm nhận sản xuất 4 trạm biến áp ngoài khơi từ năm 2023 đến năm 2026. Thông tin chi tiết hiện chưa được công bố.

Trước đó, hồi tháng 5/2023, PVS và Orsted đã ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho Dự án Điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4.

Ngày 16/10, cổ phiếu PVS thiết lập đỉnh mới ở mức 40.700 đồng/cp và thu hút sự quan tâm lớn của thị trường. Như vậy, chỉ trong 2 tháng, cổ phiếu PVS đã tăng khoảng 30%. Còn nếu so với đầu năm, cổ phiếu này đã ghi nhận mức tăng hơn 86%.

Nhiều chuyên gia nhận định, cổ phiếu PVS “tăng ga” sau khi doanh nghiệp này công bố quyết định trả cổ tức và ký kết được nhiều dự án lớn với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/10, giá cổ phiếu PVS lại quay đầu giảm gần 4%, xuống chỉ còn 39.400 đồng/cp.

Công ty chứng khoán nói gì về triển vọng trung hạn nhóm dầu khí?

Tại báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap (VCI) đánh giá triển vọng đối với nhóm cổ phiếu dầu khí trong bối cảnh OPEC+ tiếp ...

Cổ đông Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) sắp nhận hơn 334 tỷ đồng cổ tức

HĐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) mới phê duyệt kế hoạch trả cổ tức năm 2022.

Giá dầu liên tục tăng, cổ phiếu BSR kỳ vọng "bùng nổ" với đà tăng 45%

Đà tăng của giá dầu là động lực cho nhóm dầu khí trong thời gian tới. Đáng chú ý, cổ phiếu BSR kỳ vọng tăng ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán