Sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ giảm từ 10% đến 15%

(Banker.vn) Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, vụ hồ tiêu năm 2024, sản lượng sẽ giảm từ 10% đến 15%, dự kiến thu hoạch ước đạt 160.000 - 165.000 tấn.
Sản lượng hồ tiêu vẫn tăng nhiều dù giá thấp Dự kiến cuối tháng 8/2023, Việt Nam có thể xuất khẩu hết sản lượng hồ tiêu năm 2023

Ông Lê Việt Anh – Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, lũy tiến từ 1/1 đến 30/9/2023, Việt Nam xuất khẩu được 204.385 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 183.475 tấn, tiêu trắng đạt 20.910 tấn.

Lượng tồn kho hồ tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây
Lượng tồn kho hồ tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 678,1 triệu USD, tiêu đen đạt 578,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 99,9 triệu USD. Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 63,6%.

So với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng 15,3% tương đương 27.164 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% tương đương giảm 104,5 triệu USD.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3.539 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.068 USD/tấn, giảm lần lượt 15,3% đối với tiêu đen và 14,2% đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 2022.

Các doanh nghiệp đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu bao gồm: Nedspice đạt 13.541 tấn, tăng 1%; Olam Việt Nam đạt 13.408 tấn, giảm 37,3%; Trân Châu đạt 13.250 tấn, giảm 37,1% và Phúc Sinh đạt 11.607 tấn, giảm 1,1%; Haprosimex JSC đạt 8.411 tấn, giảm 24,3%…

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng chủ yếu bao gồm: Nedspice Việt Nam, Olam Việt Nam, Pearl Group, Liên Thành và Phúc Sinh. Các thị trường tiêu thụ tiêu trắng chủ yếu: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Thái Lan…

Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 20.541 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 19.232 tấn, tiêu trắng đạt 1.309 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái lượng nhập khẩu giảm 30,7% tương đương 9.084 tấn. Brazil, Campuchia và Indonesia là 3 quốc gia cung cấp chủ yếu cho Việt Nam đạt 12.517 tấn, 3.403 tấn và 2.697 tấn.

Trong đó, nhập khẩu từ Brazil tăng 62,2%, từ Campuchia giảm 73,0% và từ Indonesia giảm 48%. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Olam đạt 7.659 tấn, giảm 11,8% và chiếm 37,3% thị phần nhập khẩu; Trân Châu đạt 3.541 tấn, tăng 3,4%; Nedspice đạt 1.589 tấn, tăng 65,5%; KSS Việt Nam đạt 1.331 tấn, giảm 30,1% và Sơn Hà đạt 1.198 tấn, giảm 10,8%…

Thị trường hồ tiêu nội địa quý III/2023 không có nhiều sự đột biến khi giá hồ tiêu giảm nhẹ vào tháng 7, tăng trở lại vào tháng 8 và tháng 9 nhưng giảm trở lại vào giữa tháng 10. Hiện giá đang đứng bình quân ở mức 70.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước giá thu mua nội địa bình quân 9 tháng giảm 10%.

Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Dự kiến 3 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 45.000 tấn đưa tổng lượng xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 250.000 tấn. Lượng tồn kho hồ tiêu năm 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo ông Lê Việt Anh, vụ hồ tiêu năm 2024 sẽ bắt đầu 2 tháng nữa tại khu vực Đắk Nông, nơi được coi là vùng trọng điểm nhất của hồ tiêu Việt Nam hiện nay.

Tình hình mưa lũ vào tháng 7 vừa qua được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới vụ thu hoạch hồ tiêu sắp tới, cộng với diễn biến dự đoán hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào cuối năm có thể dẫn tới sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 sẽ giảm so với năm 2023.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp, vụ tiêu 2024 sẽ giảm khoảng 10 - 15%, dự kiến sản lượng thu hoạch ước đạt 160.000 - 165.000 tấn.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính sẽ giảm khi sản lượng được dự báo từ các nước sản xuất đều giảm, tuy nhiên mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn.

Ngoại trừ Trung Quốc thì dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột tại Đông - Âu. Đồng thời, tác động của cuộc chiến tại Israel cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam - nhận định, mặc dù điều kiện thị trường khó khăn, trong đó, thị trường EU và Hoa Kỳ trầm lắng hơn so với thị trường Trung Quốc, nhưng 9 tháng đầu năm ngành hàng đã đạt thành tích xuất khẩu tốt, tăng về số lượng, tuy nhiên giảm về giá trị so với năm ngoái.

Dự báo trong 3 tháng tới xuất khẩu hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang.

Bà Hoàng Thị Liên nhận định, bối cảnh suy thoái kinh tế, xung đột Nga - Ukraine, xung đột Israel - Palestine ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu trong đó có yếu tố giá dầu và tình hình thương mại thế giới nói chung.

Nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên đã chứng kiến sự sụt giảm của các ngành hàng nói chung, và nhóm hàng gia vị cũng không phải là ngoại lệ.

Bên cạnh đó, các chính sách quản lý vĩ mô, sức mua, sức tiêu thụ của các thị trường lớn, trong đó có Hoa Kỳ và EU là thị trường trọng điểm của Việt Nam khả năng sẽ khó hồi phục trong ngắn hạn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương