Sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp sẽ vận hành từ 19/7: "Tất cả đã sẵn sàng"

(Banker.vn) Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chính thức vận hành vào 19/7 tới đây được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thế nhưng để thực sự thấy được hiệu quả của hệ thống này, vẫn cần phải có thêm thời gian...

Chia sẻ với báo chí mới đây, lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ khai trương vào ngày 19/7 tới. "Đến thời điểm này, tất cả các công đoạn để vận hành hệ thống đều đã sẵn sàng", vị này cho biết.

Sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp sẽ vận hành từ 19/7:
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chính thức vận hành vào 19/7 tới đây

Còn theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến thời điểm này hệ thống đã hoàn thành việc thử nghiệm với thành viên, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và sẵn sàng mọi điều kiện kỹ thuật để vận hành chính thức.

"Để đảm bảo các chức năng hệ thống được vận hành chính xác, HNX đã tổ chức nhiều đợt kiểm thử. Kết quả kiểm thử với thành viên qua 2 đợt cho thấy hệ thống đã vận hành ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thành viên trong việc nhập lệnh và tra cứu thông tin...", lãnh đạo HNX chia sẻ.

Lãnh đạo HNX cũng khẳng định đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu, hồ sơ và đã tổ chức 2 đợt đào tạo cấp chứng chỉ cho người sử dụng hệ thống.

Tại hội nghị sơ kết Bộ Tài chính diễn ra sáng ngày 13/7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2023.

Theo Ủy ban Chứng khoán, năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động, khối lượng phát hành giảm mạnh, khối lượng mua lại tăng. Hết quý 1/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp còn khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, tương đương 12,1% GDP năm 2022.

Trong đó trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 35,1%; tổ chức tín dụng chiếm 32,1%; sản xuất, thương mại và lĩnh vực khác chiếm 32,8%. Nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 74,2%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 25,8%.

Việc có hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung giúp tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp dành riêng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát thị trường từ khâu phát hành đến giao dịch, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán.

Chia sẻ với Kinh tế Chứng khoán về việc đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp, ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát Nội bộ của Công ty CP Chứng khoán SSI, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vận hành vào tháng 7 tới đây là một sản phẩm mới giúp tăng tính thanh khoản sẽ tăng thanh khoản đối với các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể dễ dàng đăng kí mua/bán trái phiếu doanh nghiệp trực tiếp thông qua các tổ chức lưu kí, và đồng thời cũng dễ dàng theo dõi biến động giá trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Long, động thái của UBCK được cho là cần thiết trong một thị trường thứ cấp đang khá ảm đảm. Cùng với việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, đây sẽ là các yếu tố thay đổi nền tảng giúp kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể vận hành theo đúng nguyên tắc và mục tiêu mong muốn – là trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Việc vận hành của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp là một điều kiện cần cho kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tuy nhiên chúng ta vẫn sẽ cần thêm điều kiện đủ để giúp thị trường có thể trở lại sôi động trở lại, bao gồm việc cải thiện nhu cầu đầu tư và nhu cầu phát hành.

Do vậy, trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể có những chuyển biến rõ rệt được, và trên hết từ doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sẽ cần thời gian để xem xét tính hiệu quả của hệ thống giao dịch này.

Về kỳ vọng của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu thứ cấp, ông Long cho rằng, về dài hạn, Chính phủ vẫn luôn định hướng thị trường vốn (trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp) là một kênh huy động vốn quan trọng giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ, do vậy triển vọng trên thị trường trái phiếu thứ cấp vẫn còn rất lớn. Cụ thể, trong mục tiêu phát triển thị trường tài chính Việt Nam, Chính phủ đặt ra kế hoạch đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP đến năm 2025 và tăng lên 25% trong năm 2030.

Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư trên thị trường này vẫn khá yếu, đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân sau nhiều những trường hợp kêu gọi vốn trái phiếu, nhưng sử dụng sai mục đích thời gian vừa qua cũng như lãi suất phát hành/thứ cấp không đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư so với mức rủi ro đem lại.

Đối với việc đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với bản chất là thị trường vốn, yếu tố nền tảng là trên hết và nhà đầu tư luôn cần phải xem xét cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận đem lại để đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình. Bên cạnh đó, những thay đổi về mặt chính sách và các tác động cũng là yếu tố cần được lưu ý.

Ngân hàng nào mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất trong quý 2?

Các ngân hàng đã xuống tiền mua lại khoảng 57.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong quý 2 - quán quân thuộc về ai?

Nợ phải trả tới hơn 1 tỷ USD, công ty con của Bitexco làm gì với 3.000 tỷ trái phiếu quá hạn?

Công ty con của Bitexco đã tổ chức Hội nghị trái chủ cho các lô trái phiếu tổng giá trị 3.000 tỷ đồng nêu trên, ...

Bảo hiểm Sun Life “đổ” hơn 1.600 tỷ đồng vào trái phiếu của những doanh nghiệp nào?

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, chỉ tính riêng trong năm 2022, Sun Life Việt Nam có khoản đầu tư vào trái ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán