Thị trường tiếp tục có sự điều chỉnh trong tuần giao dịch vừa qua, tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm so với tuần trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thận trọng hơn.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch 6-10/2, VN-Index giảm 21,85 điểm (-2,0%) xuống 1.055,30 điểm, HNX-Index giảm 6,78 điểm (-3,15%) xuống mức 208,50 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 26,3% so với 5 phiên giao dịch trước đó xuống mức 49.133 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,0% xuống 2.587 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 38,4% xuống 4.260 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 39,7% xuống 282 triệu cổ phiếu.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự suy giảm. Nhóm cổ phiếu bán lẻ, bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề, VHM, VIC, MWG, MSN là những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường khiến chỉ số giảm về sát mốc 1.060 điểm.
Khối ngoại mua ròng trên hai sàn trong tuần qua với 908 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 29,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và HCM với lần lượt 9,5 và 3,3 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 5,0 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 3,74 điểm. Động thái này cho thấy các trader vẫn đang khá tiêu cực về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Đánh giá về thị trường chứng khoán tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng, diễn biến điều chỉnh của thị trường trong tuần qua không quá bất thường bởi một số yếu tố như lực mua ròng từ khối ngoại đã có xu hướng giảm tốc, sau khoảng 3 tháng khối này mua ròng với quy mô lớn.
Trong khi đó, dòng tiền khối nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự mặn mà khi kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp được công bố nghiêng nhiều về kết quả kém khả quan. Điều này cũng giải thích phần nào hiện tượng thanh khoản trung bình suy giảm trong tuần qua.
Nhìn về diễn biến VN-Index kể từ tháng 11 tới nay, dòng tiền tập trung chính vào khối ngoại, với quy mô mua ròng bình quân từ 500-600 tỷ đồng/phiên. Với một lượng tiền lớn tham gia thị trường, áp lực chốt lời từ khối này sẽ có xu hướng tăng lên, thể hiện một phần trong tuần qua.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp nghiêng nhiều về kém khả quan đã đưa mặt bằng định giá P/E thị trường lên mức cao hơn, dẫn tới dòng tiền ngoại khối có xu hướng đảo chiều.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Song hành với quy mô mua ròng lớn, chỉ số đã có thời điểm vượt mốc 1.100 điểm chỉ trong gần 3 tháng và nhiều cổ phiếu đã tăng khoảng 30-50% kể từ vùng đáy này. Do đó, việc bán cổ phiếu của các NĐT nước ngoài cũng có thể giúp thị trường cân bằng lại cung – cầu.
Sự hồi phục của thị trường trong thời gian ngắn vừa qua đã đưa mặt bằng định giá tăng nhanh từ mức dưới 10 lần P/E lên mức gần 12 lần P/E, gần mốc trung bình định giá P/E thị trường trong 1 năm qua. Nếu so với mức P/E lịch sử, định giá của thị trường hiện vẫn đang ở mức trung bình thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn.
Cần lưu ý nếu bóc tách nhóm ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường thì mức P/E các nhóm còn lại không phải quá hấp dẫn nếu so với trung bình lịch sử và so với mặt bằng huy động lãi suất hiện nay.
Về kịch bản thị trường tuần tới, với những tín hiệu kém khả quan hiện tại kết hợp với dòng tiền suy yếu đặc biệt là khối ngoại khi khối này giảm quy mô mua ròng trong các phiên gần đây, ông Khoa cho rằng VN-Index sẽ sớm về kiểm định hỗ trợ MA100 quanh vùng giá 1.040 – 1.050 điểm trong các phiên đầu tuần sau. Nếu chỉ số đánh mất mốc này, không ngoại trừ khả năng chỉ số cần phải kiểm định lại mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trong thời gian tới.
Với rủi ro điều chỉnh được dự báo sẽ tiếp diễn trong tuần tới, vị chuyên gia Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường. Trong trường hợp chỉ số tìm được điểm cân bằng mới, có thể giải ngân thăm dò một số cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm như:
Nhóm dầu khí khi giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng đặc biệt sau khi Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 tới.
Nhóm điện khi gần đây có nhiều thông tin tích cực về giá điện. Đây cũng là nhóm ngành có tính phòng thủ và có tỷ lệ chi trả cổ tức đều đặn.
Nhóm thủy sản với giá cá tra xuất khẩu tăng cao sau Tết. Ngoài ra, thủy sản cũng là một trong số nhóm ngành xuất khẩu được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa hậu chính sách Zero-Covid khi các nhà xuất khẩu trong nước có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.
Ở một góc nhìn khác, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC nhận định, về ngắn hạn, thị trường chứng kiến áp lực bán chủ động cuối phiên trong 2 ngày gần nhất, xóa bỏ hoàn toàn vận động tích lũy cân bằng ngắn hạn. Áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế và chưa có tín hiệu đảo chiều nào đáng tin cậy.
Diễn biến rung lắc còn kéo dài sang tuần sau, do xu hướng điều chỉnh trùng khớp với thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là VN30F2302. Tuy nhiên nhà đầu tư nên chủ yếu hành động dựa trên phản ứng của giá của cổ phiếu và chỉ số, không nên dựa vào các dự báo.
Đối với nhà đầu tư dài hạn, ông Đạt khuyến nghị nên chờ đợi vùng giá dưới 1.000 điểm trước khi có các vị thế thăm dò. Giá giảm sâu đôi khi kích hoạt các cơ hội mua giá rẻ, tuy nhiên các hành động “bắt dao” ở các nhịp rơi đầu tiên là không phù hợp. Mức P/E gần 12 lần cũng chưa thực sự hấp dẫn để mua gom quyết liệt, nếu so sánh với các vùng đáy định giá trong quá khứ, hay xem xét mặt bằng kết quả kinh doanh khó khăn của 2023.
Trong khi đó, với đại đa số nhà đầu tư có xu hướng lướt sóng ngắn hạn, ông Đạt cho rằng hành động phù hợp lúc này là chờ đợi điểm mua khi VN-Index chặn đứng quán tính giảm điểm.
Phiên giao dịch ngày 1/2 là tiêu cực với khối lượng giao dịch rất lớn, nhưng bối cảnh liên thị trường và nội bộ thị trường Việt Nam vẫn còn đủ dư địa cho một nhịp tăng tiếp diễn (dù có thể là nhịp tăng ngắn và rủi ro cao). Cụ thể hơn, điều kiện cần cho nhịp hồi là việc VN-Index hạ nhiệt sau khoảng thời gian tăng nóng, có thể là kiểm chứng mạnh dưới hỗ trợ tâm lý 1.050 điểm. Bên cạnh đó, điều kiện đủ là chờ đợi giai đoạn chỉ số ổn định hơn và tích lũy chặt chẽ hơn.
Đánh giá về đà giảm tốc mua ròng của khối ngoại, ông Đạt đưa ra 2 lý do chính. Một là, giá trị mua ròng của khối tổ chức nước ngoài và tương quan với VN-Index. Nhóm ngoại ưu tiên mua gom khi thị trường điều chỉnh sâu về vùng 1.000 điểm và đang có chiều hướng chững lại khi Index hồi phục.
Hai là, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Dù là thị trường khổng lồ với nền kinh tế trong chu kỳ hồi phục, cùng xu hướng mở cửa nền kinh tế trở lại với mức lãi suất thấp, nhưng định giá của thị trường Trung Quốc tương đối rẻ. PE của Shanghai Stock Exchange đang ở khoảng 2 lần, Hang Seng là 8 lần. Thị trường Việt Nam đang rẻ so với khu vực Đông Nam Á, nhưng không rẻ nếu so với Trung Quốc, và có thể gặp áp lực cạnh tranh nguồn vốn nếu tiếp tục tăng trưởng định giá.
Tuy nhiên, vị chuyên gia DSC cho rằng, chỉ 2 phiên dừng mua ròng không phản ánh sự thay đổi của nhóm nhà đầu tư lớn như khối ngoại. Nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát xu hướng vận động dòng tiền dài hạn hơn. Đồng thời trong trường hợp chỉ số kéo dài đà giảm về vùng hỗ trợ 1.000 điểm, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại trở lại.
Theo chuyên gia, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp trong năm 2023 sẽ có chiều hướng suy giảm. Trường hợp suy giảm 30% có thể đẩy mức PE của VN-Index lên khu vực đắt từ 17-18 lần. Bên cạnh việc quan tâm đến định giá, nhà đầu tư dài hạn nên tập trung vào các cổ phiếu/doanh nghiệp đảm bảo tiêu chí dòng tiền tốt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao và thanh khoản thấp như hiện nay.
Một số tiêu chí tham khảo bao gồm: Dòng tiền tốt (Tiêu chí chính): Dòng tiền sản xuất kinh daonh/doanh thu > 10%, doanh nghiệp vốn hóa: lợi nhuận sau thuế 2022 > 1.000 tỷ, định giá rẻ: PE < 10 (định giá rẻ) và tỷ lệ nợ thấp (giảm thiểu áp lực nợ): Nợ/TTS < 0,5.
Chứng khoán BIDV: 4 yếu tố tiềm năng ngành bất động sản khu công nghiệp Trong Báo cáo Triển vọng Ngành quý I năm 2023, Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra khuyến nghị khả quan đối với các nhóm ... |
Nhận định chứng khoán ngày 13/2/2023: Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh Thị trường chứng khoánghi nhận phiên giảm thứ 2 trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy bên bán ... |
Thị trường chứng khoán ngày 13/2/2023: Thông tin trước giờ mở cửa Thị trường chứng khoán tiếp tục có sự điều chỉnh trong tuần giao dịch vừa qua; Chủ tịch DGC tiếp tục nâng sở hữu tại ... |
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|