Rộ tin OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng

(Banker.vn) Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings nhận định, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) có thể cắt giảm thêm sản lượng trong năm 2024.
Vì sao Brazil gia nhập OPEC+? OPEC+ đối mặt với nhiều áp lực dư cung, giá dầu giảm OPEC+ sẽ làm gì khi cắt giảm sản lượng chưa thể đẩy giá dầu lên?

Theo báo cáo của Fitch Ratings, đà tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể thúc đẩy OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng nếu thị trường dầu mỏ chuyển sang trạng thái dư cung.

Báo cáo cũng nhận định các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2024, chủ yếu nhờ đà tăng trưởng khởi sắc của các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ.

Trước đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm tới.

OPEC

OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024

OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm đáng kể so với mức tăng dự báo 2,46 triệu thùng/ngày trong năm nay. Dự báo này không thay đổi so với báo cáo mà OPEC đưa ra hồi tháng 11.

OPEC cho biết, tổ chức này vẫn “lạc quan một cách thận trọng” về các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ vào năm 2024. Theo OPEC, trong năm tới, nhu cầu dầu mỏ sẽ được tiếp sức nhờ sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vững vàng, trong bối cảnh hoạt động kinh tế tiếp tục được cải thiện ở Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Fitch Ratings, các quốc gia tại MENA sẽ ổn định sản lượng dầu mỏ trong năm 2024, sau các quyết định cắt giảm sản lượng vào năm 2023 của OPEC+. GDP phi dầu mỏ của các nước này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% vào năm 2024, nhờ những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế cũng như các cải cách kinh tế mới.

Fitch Ratings cảnh báo cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas có thể gây ra một số rủi ro và có nguy cơ dẫn đến tình trạng leo thang bạo lực trong khu vực. Theo tổ chức này, căng thẳng địa chính trị cũng có thể tác động tiêu cực đến ngành du lịch của khu vực MENA trong thời gian tới.

Giá dầu thô toàn cầu đã giảm kể từ tháng 10, với giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế giảm từ mức cao nhất trong năm nay là 98 USD/thùng ghi nhận hồi tháng 9 xuống quanh mức 70 USD/thùng. Đà sụt giảm này tiếp tục kéo dài kể từ khi OPEC+ ngày 30/11 vừa qua đã công bố một đợt cắt giảm sản lượng mới với tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.

Cụ thể, Saudi Arabia nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 năm nay cho đến hết quý I/2024.

Trong khi đó, Nga thông báo nâng mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện đến 500.000 thùng/ngày, kéo dài đến hết quý I/2024, tăng so với mức 300.000 thùng/ngày hiện nay.

Thanh Bình (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương