Rà soát dự án FDI có vốn đăng ký trên 100 triệu USD

(Banker.vn) Dự án FDI có vốn đăng ký từ 100 triệu USD trở lên, diện tích đất sử dụng 50 ha trở lên sẽ thuộc đối tượng rà soát, đánh giá.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3409/BKHĐT-ĐTNN gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về báo cáo thực hiện dự án FDI quy mô lớn, sử dụng nhiều đất.

Rà soát dự án FDI có vốn đăng ký trên 100 triệu USD
Đối tượng rà soát của báo cáo là những dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 100 USD trở lên, có diện tích sử dụng đất từ 50 ha trở lên

Theo đó, đối tượng rà soát của báo cáo là những dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 100 USD trở lên; Dự án có diện tích sử dụng đất từ 50 ha trở lên; Dự án hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích đất sử dụng từ 2 ha trở lên.

Nội dung của báo cáo tập trung vào tình hình góp vốn, giải ngân vốn đầu tư; thực hiện các mục tiêu quy định tại Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận, đăng ký đầu tư, việc thực hiện các cam kết về tiến độ triển khai dự án.

Báo cáo về tình hình sử dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, tình hình sử dụng lao động và chấp hành Luật Lao động; tình hình chấp hành các quy định về m,môi trường, đảm bảo môi trường.

Trong trường hợp có sự chậm trễ, hoặc chưa thực hiện đúng các mục tiêu tại Giấy phép đầu tư/ Giấy chứng nhận, đăng ký đầu tư hoặc các quy định của pháp luật thì cần nêu rõ thực trạng và lý do.

Công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án FDI trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất sửa đổi pháp luật, chính sách để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.

Trong đó tập trung vào 2 nhóm dự án, bao gồm: Thứ nhất, nhóm dự án khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, như thực thi chính sách, thủ tục đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động, nghĩa vụ tài chính. Thứ hai, nhóm dự án không triển khai hoặc chậm triển khai, không thực hiện theo tiến độ đã cam kết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo trước ngày 30/6/2022.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương