Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Nghị định nhằm mục đích nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cung cấp viện trợ cho nước ngoài từ ngân sách nhà nước với quy trình, thủ tục minh bạch, đơn giản, rõ ràng, chặt chẽ; xác định cơ quan đầu mối quốc gia cụ thể về quản lý viện trợ cho nước ngoài; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đảm bảo hiệu quả, tác dụng của chi ngân sách cho viện trợ, góp phần đưa viện trợ nước ngoài của Việt Nam thành công cụ sắc bén, hiệu quả trong thực hiện đường lối đối ngoại, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước, nâng cao vị thế khu vực và quốc tế của Việt Nam.
![]() |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài. Ảnh minh họa |
Cụ thể, trong dự thảo có quy định về quy trình cung cấp và quản lý viện trợ cho nước ngoài, bao gồm các nội dung:
Tổng hợp và lựa chọn danh mục báo cáo đề xuất cấp viện trợ; Lập, thẩm định, quyết định chủ trương viện trợ; Lập, thẩm định, quyết định viện trợ.
Thông báo, trao đổi, thống nhất với bên tiếp nhận viện trợ về những nội dung, yêu cầu cơ bản của viện trợ từ Việt Nam; hỗ trợ bên tiếp nhận viện trợ hoàn tất hồ sơ, thủ tục tiếp nhận viện trợ từ Việt Nam theo quy định của Việt Nam và bên tiếp nhận viện trợ.
Đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thoả thuận về viện trợ hoặc trao đổi văn bản về viện trợ với bên tiếp nhận viện trợ.
Lập, bố trí kế hoạch viện trợ; Quản lý thực hiện và quản lý tài chính chương trình, dự án, phí dự án viện trợ; Điều chỉnh viện trợ (nếu cần).
Theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo và thanh tra, kiểm toán; Hoàn thành, nghiệm thu và chuyên giao kết quả.
Đối với các khoản viện trợ cụ thể, tùy thuộc loại hình, lĩnh vực, hình thức, phương thức viện trợ, phương thức thực hiện viện trợ: Thực hiện quy trình, thủ tục quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV. Chương V của Nghị định này.
Ngoài ra, về phạm vi và nguồn viện trợ, dự thảo đề xuất quy định, hướng dẫn cụ thể việc chi viện trợ từ ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương cấp tỉnh, cụ thể như sau:
Chi viện trợ trong dự toán NSTW và ngân sách địa phương cấp tỉnh hằng năm: Đối với các chương trình, dự án, phi dự án đã được phê duyệt và đủ điều kiện để bố trí ngân sách khi lập dự toán ngân sách hằng năm.
Sử dụng dự phòng NSTW hằng năm cho chi viện trợ: Đối với dự án, phi dự án đột xuất và những trường hợp cần thiết khác.
Không bao gồm: Các khoản niên liễm, các khoản đóng góp có tính tự nguyện, nghĩa vụ hoặc có tính niên liễm của Việt Nam cho tổ chức, khuôn khổ, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực mà Việt Nam là thành viên; các khoản viện trợ cho nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.