Vừa qua, CTBC Vietnam Equity Fund, quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý thông báo đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu DXG của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh vào ngày 9/3. Sau giao dịch, nhóm quỹ ngoại đã giảm sở hữu tại Đất Xanh xuống còn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 10,85%.
Vào thời điểm cuối tháng 1, Dragon Capital vẫn còn nắm xấp xỉ 20% vốn tại Đất Xanh, tương đương gần 122.000.000 cổ phiếu. Như vậy, nhóm quỹ này đã bán ròng khoảng gần 56 triệu cổ phiếu DXG chỉ trong chưa đầy 2 tháng.
Chiều ngược lại, nhóm quỹ Dragon Capital cũng thông báo đã mua 1,5 triệu cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn Gelex vào phiên 9/3. Trong đó, Amersham Industries Limited gom 1 triệu đơn vị, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) mua 500.000 đơn vị.
Tạm chiếu theo thị giá kết phiên giao dịch, ước tính nhóm quỹ ngoại này đã chi gần 19 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại GEX được nâng từ 4,99% vốn lên 5,17%, tương ứng hơn 44 triệu cổ phần. Theo đó, Dragon Capital đã quay lại ghế cổ đông lớn tại Gelex.Trươc đó, ngày 6/3, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 1,75 triệu cổ phiếu GEX hạ sở hữu xuống còn 4,99% vốn, tương ứng 42,54 triệu cổ phần.
Thông tin có liên quan, mới đây, Gelex và Frasers Property Vietnam đã ký hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn đầu khoảng 6.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD.
Đại diện Gelex cho biết hai bên sẽ hợp tác phát triển 80 ha trong số quỹ đất công nghiệp của công ty này, dự kiến cung cấp hơn 500.000 m2 các loại hình sản phẩm như nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.
Trên thị trường chứng khoán, cả DXG và GEX vẫn đang quanh quẩn vùng đáy. Kết thúc phiên 13/3, thị giá DXG dừng ở mức 11.200 đồng/cp, giảm 76% so với đỉnh cách đây gần một năm. Trong khi đó, GEX cũng đã giảm 74% so với đỉnh hồi đầu năm ngoái, xuống mức 12.300 đồng/cp.
Trên thị trường chứng khoán, cả DXG và GEX vẫn đang quanh quẩn vùng đáy (TradingView) |
Liên quan đến giao dịch gần đây của Dragon Capital, ngày 1/3, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital là DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã bán ra 810.000 cổ phiếu PVD (PV Drilling) để giảm sở hữu từ 11,06% về còn 10,92% vốn điều lệ.
Tương tự, thông qua các quỹ liên quan là Amersham Industries Limited, Hanoi Investments Holdings Limited và Wareham Group Limited, nhóm Dragon Capital đã bán ra 1,75 triệu cổ phiếu DXG (Đất Xanh), qua đó hạ sở hữu tại Đất Xanh xuống còn 71,7 triệu cổ phần, tương đương 11,8% vốn điều lệ công ty.
Giao dịch được thực hiện vào phiên 3/3, tạm lấy giá chốt phiên làm giá giao dịch, các cổ đông ngoại đã này thu về 17,68 tỷ đồng cho số cổ phiếu nói trên.
Báo cáo cập nhật đến hết ngày 23/2 của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý cho biết, tỷ trọng tiền mặt của quỹ được nâng lên 4,68%, tương ứng lượng tiền chờ giải ngân đạt 77,7 triệu USD (~1.843 tỷ đồng), tăng hơn 44 triệu USD (~1.050 tỷ đồng) trong tuần 16/2-23/2. Quy mô danh mục của VEIL đạt gần 1,66 tỷ USD, giảm hơn 131 triệu USD (~3.100 tỷ đồng) trong hơn 1 tháng.
Kể từ khi quỹ VEIL đạt trạng thái gần như "full" cổ phiếu hồi 19/1, quỹ này đã liên tục bán ròng nâng tỷ trọng tiền mặt từ mức thấp nhất là 0,54% lên 4,68% tại ngày 23/2. Lượng tiền nắm giữ tương ứng tăng thêm 68 triệu USD (~1.600 tỷ đồng). Tại thời điểm 23/2, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/share) VEIL đạt 8,03 USD, giảm 0,99% so với tuần trước và tăng 2,29% so với đầu năm.
Đất Xanh lần đầu báo lỗ sau hơn 1 thập kỷ, Gelex "khả quan" hơn
Về tình hình kinh doanh, Đất Xanh công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần 984 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ, kéo theo lợi nhuận gộp giảm 61% xuống còn 434 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 49% xuống 44%.
Xét về cơ cấu doanh thu, 2 mảng có đóng góp lớn nhất là bán căn hộ, đất nền và dịch vụ môi giới bất động sản đều ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Cụ thể, mảng bán căn hộ và đất nền giảm 69% (còn hơn 400 tỷ đồng) và mảng dịch vụ môi giới bất động sản giảm 56% (còn 394,8 tỷ).
Trong kỳ, doanh thu tài chính của DXG giảm 87% xuống còn vỏn vẹn hơn 34 tỷ đồng,, trong khi đó chi phí tài chính lại tăng 25% lên 168 tỷ đồng. Kết quả, DXG báo lỗ trước thuế hơn 424 tỷ đồng; lỗ sau thuế 460 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 245 tỷ đồng.
Theo giải trình, nguyên nhân DXG lỗ đậm trong quý IV là do tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ sụt giảm trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu - lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.
Lũy kế cả năm 2022, DXG mang về 5.581 tỷ đồng doanh thu thuần và 469 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 45% và 71% so với kết quả năm 2021.
Tại 31/12/2022, tổng tài sản của Đất Xanh tăng 8,9% so với đầu năm lên 30.771,4 tỷ đồng. Trong đó, 27.800,2 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, bao gồm 919 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 66,4%, các khoản phải thu tăng 12,7% lên 12.169,3 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 26,7% lên 14.238 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả tăng 12,6% so với đầu kỳ lên 16.751 tỷ đồng, trong đó 12.777 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, song, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm 32% về còn gần 2.023 tỷ đồng.
Trong khi đó, Gelex ghi nhận tổng doanh thu đạt 32.263,7 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 2.093 tỷ đồng, tăng thêm gần 2% so với thực hiện của năm 2021 và hoàn thành 80% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Cũng như các doanh nghiệp trên thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh của Gelex năm 2022 đã chịu ảnh hưởng từ biến động của kinh tế vĩ mô. Tuy duy trì đà tăng trưởng tốt nhưng rõ ràng một số nhóm ngành bị ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường như vật liệu xây dựng và thiết bị điện.
Ngoài ra, các dự án điện gió bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cũng dẫn đến sản lượng năm 2022 thấp hơn đáng kể so với mức sản lượng dự kiến.
Ở góc độ các mảng kinh doanh trong hệ thống Gelex, theo các số liệu mới công bố, có thể thấy, năm 2022, các mảng hoạt động đều có doanh thu thuần tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, ngoại trừ thiết bị điện do sụt giảm nhu cầu thị trường và ảnh hưởng một phần từ việc di dời nhà máy Thibidi, CFT trong 6 tháng đầu năm 2022.
Như vậy có thể thấy, doanh thu của Gelex năm 2022 đã có sự đóng góp cân bằng hơn giữa các mảng hoạt động, giảm phụ thuộc vào mảng thiết bị điện so với cùng kỳ 2021 do hợp nhất Viglacera từ quý 2 năm 2021 và các mảng khu công nghiệp, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Gelex là 52.401 tỷ, giảm 14% so với 2021, chủ yếu giảm tài sản ngắn hạn do Gelex chủ động giảm tích trữ hàng tồn kho, giảm phải thu ngắn hạn và giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thị trường tài chính, Gelex chủ động định hướng giảm nợ vay trong hệ thống để giảm chi phí và áp lực tài chính. Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Gelex tại 31/12/2022 là tương đối cân bằng.
Các chỉ số tài chính của Gelex như hệ số nợ, hệ số thanh toán, hệ số hiệu quả hoạt động … đều ở mức an toàn và tiếp tục được cải thiện tốt trong quý IV/ 2022. Tình hình tài chính lành mạnh giúp Gelex gặp ít rủi ro trong bối cảnh thị trường vốn và lãi suất có nhiều biến động.
Khối ngoại giao dịch sôi động phiên đầu tuần 13/3, tâm điểm gom cổ phiếu bluechip Phiên giao dịch ngày 13/3, bên cạnh thanh khoản thị trường cải thiện tích cực, khối ngoại cũng có phiên giao dịch sôi động với ... |
Điểm lại các giao dịch cổ phiếu đáng chú ý ngày 13/3/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam điểm lại và gửi đến quý độc giả tin tức về các giao dịch cổ ... |
Phiên giao dịch ngày 14/3/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ... |
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|