Quỹ ngoại đến từ Singapore vừa mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu MWG của Thế giới Di động

(Banker.vn) Mới đây, nhóm quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners đến từ Singapore đã mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động.

Cụ thể, ngày 3/2, nhóm quỹ Arisaig Partners (Asia) Pte., Ltd vừa mua vào 4.017.100 cổ phiếu MWG để nâng sở hữu từ 7,85% lên 8,12% vốn điều lệ. Trong đó, Arisaig Global Emerging Markets Fund (Singapore) Pte, Ltd mua vào 2.870.500 cổ phiếu MWG; và Mercer QIF Fund Public Limited Company mua vào 1.146.600 cổ phiếu MWG.

Quỹ ngoại đến từ Singapore vừa mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu MWG của Thế giới Di động
nhóm quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners đến từ Singapore đã mua vào hơn 4 triệu cổ phiếu MWG. Hình minh họa

Được biết, nhóm quỹ Arisaig Partners chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao. Arisaig Partners hiện có 4 quỹ thành viên, trong đó Arisaig Asia Fund là quỹ lớn nhất, đang nắm gần 104 triệu cổ phiếu MWG.

Theo tìm hiểu, Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd là một công ty quản lý đầu tư độc lập được thành lập vào tháng 10/1996 và có địa chỉ tại Singapore.

Nhóm quỹ Arisaig Partners chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm quỹ chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao. Arisaig Partners hiện có 4 quỹ thành viên, trong đó Arisaig Asia Fund là quỹ lớn nhất, đang nắm gần 104 triệu cổ phiếu MWG.

Ngược lại, nhóm Dragon Capital liên tục bán ra và giảm sở hữu tại Thế giới Di động. Trong đó, ngày 26/12/2022, quỹ này bán ra 5,3 triệu cổ phiếu MWG; và ngày 3/2/2023, quỹ Dragon Capital tiếp tục bán thêm 5.343.700 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 9,33% về còn 8,96% vốn điều lệ.

Thống kê trong phiên giao dịch 3/2, cổ phiếu MWG không xuất hiện giao dịch khớp lệnh của khối ngoại. Thay vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã “trao tay” nhau tổng khối lượng hơn 7 triệu đơn vị, tổng giá trị các giao dịch gần 338 tỷ đồng tương ứng giá thoả thuận bình quân 47.800 đồng/cp. Ước tính tại mức thị giá thoả thuận bình quân, số tiền nhóm quỹ Arisaig Partners có thể chi ra vào khoảng 190 tỷ đồng.

Trên thị trường, chốt phiên sáng 10/2, cổ phiếu MWG hiện đang dừng ở mức 43.600 đồng/cp, tăng 21% so với đáy hồi trung tuần tháng 11 nhưng vẫn thấp hơn gần 45% so với đỉnh đạt được giữa tháng 4 năm ngoái. Giá trị vốn hoá tương ứng ở mức 64.300 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu NVL thời gian gần đây. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu MWG thời gian gần đây. Nguồn TradingView

Về kết quả kinh doanh, quý IV/2022, tình hình kinh doanh của MWG sụt giảm mạnh so cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu đạt 30.588 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 619 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,4% và 60,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 23,3%, về mức 311,8 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68,5%, tương ứng tăng thêm 155,1 tỷ đồng lên 381,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng 25,1%, lên mức 6.895,5 tỷ đồng

Lũy kế cả năm 2022, MWG báo doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 16%, chỉ đạt 4.100 tỷ đồng.

Trong năm 2022, MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, so với kế hoạch đã đề ra, Thế giới Di động chỉ thực hiện được 95% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.

Đáng chú ý, MWG còn cho thấy sự khó khăn khi liên tục thu hẹp quy mô nhân sự của công, còn 73.202 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4%.

Từ giữa năm 2022, MWG đẩy mạnh cắt giảm các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời điều chỉnh quy mô một số chuỗi như Bách Hóa Xanh, AVAFashion và AVAJi.

Kinh doanh kém sắc, lương thưởng của lãnh đạo MWG thế nào?

Trong BCTC quý IV/2022, MWG công bố chi tiết thu nhập của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài - Thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT MWG, nhận mức thù lao 1,927 tỷ đồng, tương đương hơn 160 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đức Tài là thành viên sáng lập, linh hồn của MWG. Kể từ khi ông Trần Kinh Doanh rời khỏi vai trò điều hành Bách hoá Xanh hồi tháng 4/2022, ông Tài tạm điều hành chuỗi này và đã có rất nhiều cải tổ. Điển hình là việc cắt giảm hàng loạt cửa hàng kém hiệu quả nhằm gia tăng lợi nhuận trên mỗi điểm bán.

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG nhận mức lương 1,779 tỷ đồng trong năm 2022, trung bình 148 triệu đồng/tháng. Ông Hiểu Em chịu trách nhiệm điều hành chính hai chuỗi bán lẻ tạo doanh thu lớn nhất của MWG gồm Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. Tại tập đoàn, ông Hiểu Em chịu trách nhiệm điều hành chính hai chuỗi bán lẻ tạo doanh thu lớn nhất của MWG gồm Thế giới Di động và Điện máy Xanh.

Hai thành viên HĐQT khác của MWG là ông Đặng Minh Lượm và ông Trần Huy Thanh Tùng nhận mức thu nhập lần lượt là 1,343 tỷ đồng và 1,236 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Tùng là một trong 5 thành viên sáng lập Thế giới Di động, phụ trách mảng tài chính, hiện đang đảm nhận chức Tổng Giám đốc MWG.

Đáng chú ý, dù là thành viên không điều hành nhưng ông Robert Willet- Thành viên HĐQT lại nhận mức thù lao cao nhất (2,234 tỷ đồng).

Trên thực tế, lãnh đạo Thế giới Di động sẽ có mức thu nhập cao hơn công bố ở trên rất nhiều, chủ yếu đến từ khoản cổ phiếu thưởng hàng năm. Ngoài ra, các thành viên người Việt trong HĐQT đều sở hữu lượng lớn cổ phần của công ty, ông Nguyễn Đức Tài và các công ty/cá nhân liên quan đang nắm cổ phần chi phối.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán