Quỹ ngoại đã tìm thấy "đáy" của VN-Index?

(Banker.vn) Chỉ trước đà hồi phục của VN-Index vài ngày, các quỹ ngoại đã liên tiếp "xuống tiền" gom vào lượng lớn cổ phiếu của rất nhiều doanh nghiệp...

Mới đây, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ ngoại tỷ USD do Dragon Capital quản lý đã ra thông báo đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu KDH của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền trong ngày 15/11. Ước tính tại mức thị giá KDH cùng ngày, VEIL có thể đã chi ra khoảng 29 tỷ đồng cho giao dịch trên.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm đã tăng từ 7,94% lên 8,15% tương ứng lượng sở hữu 58,4 triệu đơn vị. Trước đó, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của Nhà Khang Điền sau khi hoàn tất mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH ngày 11/11. Như vậy, chỉ trong ít ngày, nhóm Dragon Capital đã mua ròng tổng cộng 20,5 triệu cổ phiếu KDH.

Quỹ ngoại đã tìm thấy
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong một động thái tương tự, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã 1 triệu cổ phiếu HDG của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô Group) trong ngày 14/11. Trước đó, nhóm này cũng đã mua 600.000 cổ phiếu HDG vào ngày 9/11. Sau các giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại đã tăng từ 10,8% lên 11,2% tương ứng lượng sở hữu 27,4 triệu đơn vị.

Thời gian gần đây, ngoài KDH và HDG, nhóm quỹ ngoại đã mua ròng một loạt cổ phiếu khác như DGC, DPM, DCM, FRT, PVD, VHC,... với khối lượng từ vài trăm nghìn đến vài triệu đơn vị. Một trong những quỹ thành viên tích cực gom hàng nhất là VEIL sau khi tỷ trọng tiền mặt của quỹ lên cao kỷ lục vào ngày 3/11 trước đó. Động thái giải ngân mạnh tay diễn ra ngay trước nhịp hồi mạnh của thị trường trong vài phiên vừa qua.

Có thể kể đến như quỹ CTBC Vietnam Equity Fund - thành viên của Dragon Capital đã mua 300.000 cổ phiếu và Norges Bank mua 884.700 cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau. Giao dịch được thực hiện trong phiên 11/11. Tạm tính theo giá kết phiên 11/11 là 28.500 đồng/cổ phiếu, ước tính nhóm quỹ ngoại Dragon Capital phải chi hơn 33,76 tỷ để thực hiện giao dịch trên.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu DCM mà Dragon Capital nắm giữ thay đổi từ 26.363.400 đơn vị lên 27.548.100 đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu thay đổi từ 4,9799% lên 5,2036%. Với tỷ lệ sở hữu mới này, nhóm quỹ Dragon Capital đã góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của Đạm Cà Mau.

Lý giải về việc thường xuyên lướt sóng thời gian gần đây, chuyên gia của Dragon Capital cho biết, trong danh mục sẽ có những cổ phiếu đặt mục tiêu dài hạn và cũng có những cổ phiếu có mục tiêu ngắn hạn hơn. Ngược lại, danh mục của quỹ có những khoản đầu tư lại mang tính chất chu kỳ và cần hạ tỷ trọng khi hết chu kỳ tăng trưởng. Quỹ “trading” thường xuyên vì cần thay đổi chiến lược khi có những yếu tố tác động.

Thời gian qua, Dragon Capital phòng thủ khá tốt với lượng tiền mặt cao. Đây cũng là lợi thế giúp quỹ có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn khi thị trường bước vào chu kỳ tăng mới. “Khi thị trường có đủ 5 tiêu chí (1) lãi suất ngừng tăng (2) tỷ giá có dấu hiệu ổn định (3) thanh khoản không tệ đi (4) chính phủ bàn về giải pháp hỗ trợ những tổ chức có nguy cơ phá sản (5) kỷ vọng lợi nhuận yếu đi để xác lập vùng đáy, Dragon Capital sẽ giải ngân rất quyết liệt” – Chuyên gia nhấn mạnh.

Cơ hội để thâu tóm doanh nghiệp giá rẻ?

Trao đổi vấn đề này với Kinh tế Chứng khoán, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ mô Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phân tích: “Giá cổ phiếu càng giảm thì khối ngọai càng tích cực mua vào. Đây là cơ hội để thâu tóm doanh nghiệp giá rẻ”.

“Lúc nhà đầu tư nội địa rót tiền và đẩy thị trường lên cao, các nhà đầu tư ngoại sẽ bắt đầu bán ra số cổ phiếu đã tích luỹ từ trước, đem lợi nhuận về nước. Giờ nhà đầu tư trong nước bán tháo, họ quay lại và tăng cường mua ròng, tạo chu kỳ 'xén lông cừu' mới”, theo TS. Huân.

Với diễn biến hiện tại, TS. Huân dự đoán thị trường M&A thời gian tới đặc biệt sôi động, chủ yếu các doanh nghiệp ngoại thâu tóm công ty Việt Nam.

Còn nhớ, chủ tịch một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cảm thán, khi giá cổ phiếu tuột dốc, họ liên tục nhận được đề nghị của các quỹ và doanh nghiệp nước ngoài về việc bán cổ phần hoặc liên doanh dự án. Đây là cơ hội để họ thâu tóm tài sản với giá rẻ mạt vì thương vụ nào cũng dựa trên bối cảnh thị trường và ưu thế đang thuộc về bên mua.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect đã buồn rầu nhận xét, vòng xoáy giảm giá trên thị trường vốn Việt Nam cũng như tình trạng khát thanh khoản hiện nay sẽ kích hoạt các cuộc “bán mình” đáng tiếc của doanh nghiệp Việt.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục