Quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt

(Banker.vn) Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan.
Bộ Tài chính bác đề xuất miễn thuế VAT với điện, nước sinh hoạt Đề nghị giám sát chất lượng nguồn nước tại các cơ sở cấp nước sạch Phải giải quyết dứt điểm những bức xúc về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt

Chiều 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), có ý kiến đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước mặt và giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.

Quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.

Có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, theo ông Lê Quang Huy - Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thuỷ điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước (Mục 1, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần quy định xây dựng các kịch bản cấp nước đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu, kịch bản cho các đô thị bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do nước và những tác động tiêu cực khác do biến đổi khí hậu; nghiên cứu xây dựng các kịch bản rủi ro cho nguồn nước trong trường hợp khủng hoảng.

Theo ông Lê Quang Huy, về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giải trình như sau: Tại Điều 35, Điều 36 của dự thảo Luật đã quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Như vậy, nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị đã bao hàm trong kịch bản nguồn nước; phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho đô thị ở các điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các rủi ro về nguồn nước. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị Nhà nước nên ưu tiên đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, kết hợp với bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các vùng hải đảo, khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng lại thuộc vùng khan hiếm nước, nguồn nước tự nhiên không đủ để đáp ứng các hoạt động phát triển và giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước (khoản 2 Điều 4).

Đồng thời, khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39), và giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường như tại điểm h khoản 2 Điều 42 vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt.

Cũng theo ông Lê Quang Huy - tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quan trắc tại khoản 3 Điều 51 dự thảo Luật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương