Quỹ đầu tư do Shark Tuệ Lâm điều hành chỉ ra 2 ngành công nghệ mới nổi đầy tiềm năng

(Banker.vn) Báo cáo của VinVentures nhấn mạnh tình trạng “mùa đông gọi vốn” tiếp tục kéo dài do căng thẳng địa chính trị và biến động kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, khiến tổng giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm xuống còn 308 triệu USD. Trong đó, công nghệ tài chính (Fintech) và tiêu dùng vẫn duy trì được sức hấp dẫn, 2 ngành công nghệ khác với dư địa tăng trưởng lớn cũng được đề cập trong báo cáo này.

Ngành Công nghệ dưới góc nhìn từ VinVentures

Ngày 28/10, VinVentures – quỹ đầu tư công nghệ được tài trợ bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup – chính thức ra mắt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Quỹ hiện đang quản lý tổng tài sản 150 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là danh mục đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD sẽ được giải ngân trong vòng 3 đến 5 năm tới, tập trung vào các startup tiềm năng.

Người dẫn dắt VinVentures là bà Lê Hàn Tuệ Lâm, hay còn được gọi là “Shark Tuệ Lâm” – nhân vật nổi bật từ chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6. Với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực đầu tư và phát triển doanh nghiệp, bà Tuệ Lâm được kỳ vọng sẽ mang lại tầm nhìn chiến lược và những thương vụ đầu tư mang tính đột phá.

Ngay sau khi ra mắt, VinVentures đã công bố Báo cáo Ngành Công nghệ, cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế và xu hướng đầu tư công nghệ tại Việt Nam. Báo cáo nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2024 ghi nhận tăng trưởng mạnh nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, dù bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.

Trong đó, báo cáo đặc biệt nhấn mạnh tình trạng “mùa đông gọi vốn” tiếp tục kéo dài do căng thẳng địa chính trị và biến động kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, khiến tổng giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm xuống còn 308 triệu USD, sụt giảm 30% so với năm 2023 và là năm thứ tư liên tiếp ghi nhận sự suy giảm. Số lượng thương vụ cũng giảm nhẹ từ 77 xuống 75, phản ánh sự sàng lọc gắt gao hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư.

Quỹ đầu tư do Shark Tuệ Lâm điều hành chỉ ra 2 ngành công nghệ mới nổi đầy tiềm năng
Tổng giá trị giao dịch (triệu USD) và số lượng giao dịch của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2024

Về lĩnh vực đầu tư, công nghệ tài chính (Fintech) và tiêu dùng vẫn duy trì được sức hấp dẫn, trong khi công nghệ nông nghiệp (Agritech) và công nghệ thực phẩm (Foodtech) đang được coi là những ngành mới nổi đầy tiềm năng.

Cụ thể, Agritech & Foodtech là lĩnh vực có tổng giá trị thương vụ lớn nhất trong các tất cả các ngành, đạt 85 triệu USD và nổi lên như một trụ cột hàng đầu, tăng trưởng từ khoảng 1% trong 2023 lên khoảng 27% vào năm 2024, trong khi Người tiêu dùng chiếm vị trí thứ hai. Tuy nhiên, vị trí hàng đầu đạt được bởi Agritech & Foodtech chủ yếu được thúc đẩy bởi thỏa thuận 70 triệu USD đối với Techcoop, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch của lĩnh vực này.

Theo sau là Fintech (Công nghệ tài chính) ở vị trí thứ ba với tổng giá trị thương vụ đạt 30,8 triệu USD, tuy nhiên, vẫn giữ vị trí hàng đầu trong số các giao dịch được tính.

Mảng SaaS (dịch vụ ứng dụng phần mềm) và Proptech (công nghệ bất động sản) tiếp tục nằm cuối bảng xếp hạng cùng với Blockchain, tương tự xu hướng năm 2023. Chỉ có duy nhất 1 thương vụ trong ngành Proptech tại Việt Nam năm 2024 là startup Wesale nhận số vốn không được tiết lộ từ Hitseries Capital.

Phân tích kỹ hơn về lý do Proptech đứng cuối bảng, báo cáo của VinVentures chỉ ra rằng mặc dù đây là lĩnh vực tiếm năng, sự phát triển vẫn bị hạn chế do tốc độ hồi phục chậm của thị trường bất động sản, sự do dự của người dùng và chi phí cao, liên quan đến các công nghệ tiên tiến. Thị trường Proptech tại Việt Nam dự kiến trị giá hơn 1,4 tỷ USD vào năm 2029, CAGR khoảng 18,7%.

Ngành công nghệ mới nổi tiềm năng gọi tên Agritech và Foodtech

Ngành công nghệ nông nghiệp (Agritech) đang trở thành một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng, đặc biệt khi nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao và bền vững ngày càng tăng. Với dân số thế giới dự kiến đạt 10 tỷ người vào năm 2050, ngành nông nghiệp không chỉ đối mặt với áp lực phải tăng năng suất mà còn cần đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường. Sự phát triển của khoa học công nghệ, từ Internet vạn vật (IoT), nông nghiệp chính xác, đến trí tuệ nhân tạo (AI), đang mở ra cơ hội mới để giải quyết những thách thức này.

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được xem là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Các công nghệ như hệ thống cảm biến môi trường, robot tự động hóa, và blockchain trong truy xuất nguồn gốc đã giúp tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Theo dự báo, khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% vào giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp trong thập kỷ tới. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quỹ đầu tư do Shark Tuệ Lâm điều hành chỉ ra 2 ngành công nghệ mới nổi đầy tiềm năng
Theo dự báo, khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% vào giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp trong thập kỷ tới. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa sản xuất mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nông nghiệp công nghệ cao còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhiều startup trong lĩnh vực này đã thành công với các mô hình canh tác thông minh, sử dụng công nghệ IoT để quản lý nước, ánh sáng và nhiệt độ, tối ưu hóa điều kiện phát triển của cây trồng. Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này, nhận thấy tiềm năng lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào công nghệ nông nghiệp, đặc biệt tại các khu vực như Đông Nam Á, nơi điều kiện khí hậu và đất đai đa dạng tạo cơ hội cho các giải pháp sáng tạo.

Trong khi đó, ngành công nghệ thực phẩm (Foodtech) được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ sự gia tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chất lượng cao. Tại Việt Nam, với tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm chiếm phần lớn trong ngân sách hàng tháng của người dân, ngành này đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, và giàu dinh dưỡng ngày càng phổ biến, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Một yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành là sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản thực phẩm đang giúp ngành này bắt kịp xu hướng quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 của Việt Nam là tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lên 65-70 tỷ USD, trong đó ngành công nghệ thực phẩm đóng vai trò nòng cốt. Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng lớn trong việc hội nhập và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Quỹ đầu tư do Shark Tuệ Lâm điều hành chỉ ra 2 ngành công nghệ mới nổi đầy tiềm năng
Ngành công nghệ thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ sự gia tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chất lượng cao

Ngoài ra, ngành công nghệ thực phẩm còn thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nhờ khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu và tiêu chuẩn quốc tế không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Với sự đổi mới không ngừng trong công nghệ, từ tự động hóa đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo và blockchain trong chuỗi cung ứng, ngành này có tiềm năng chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hơn nữa, việc tập trung vào phát triển thực phẩm chức năng và các sản phẩm thay thế là một xu hướng quan trọng khác. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu về sức khỏe mà còn phù hợp với lối sống hiện đại, nơi người tiêu dùng ưu tiên tính tiện lợi và bền vững.

Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển ...

Top cổ phiếu bán lẻ đáng đầu tư năm 2025: Triển vọng lớn nhờ tối ưu hóa và công nghệ AI

Chứng khoán MB (MBS) nhận định ngành bán lẻ năm 2025 đầy tiềm năng với lợi nhuận dự kiến tăng 22%. Động lực từ tiêu ...

Hoàng Anh

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục