Quốc hội thông qua việc xem xét điều chỉnh 3 luật mới về đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8

(Banker.vn) Quốc hội vừa biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó, ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét thông qua luật để điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật sớm hơn.
qh-bieu-quyet-thong-qua.jpg
Lãnh đạo Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Chiều ngày 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Với 463/465 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 95,07% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Nghị quyết quyết nghị, bổ sung vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng (tên gọi chính thức của Luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét, thông qua dự án Luật); Bổ sung nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng, sẽ báo cáo Quốc hội quyết nghị trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, giải trình, tiếp thu nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật.

Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.

Thời gian có hiệu lực đưa ra ban đầu của 3 luật này là từ ngày 1/1/2025.

Nói về tầm quan trọng của 3 luật này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng 3 luật là những căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh. Khi chính thức có hiệu lực, 3 luật mới này sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường bất động sản.

M.Đ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ