Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

(Banker.vn) Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau. Mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng kinh tế thế giới khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị nên năm nay dự báo GDP chỉ tăng trên 5%...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau. Mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng kinh tế thế giới khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị nên năm nay dự báo GDP chỉ tăng trên 5%.

Thảo luận trước đó, một số ý kiến cho rằng bối cảnh kinh tế năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro, khó đoán định, nên mục tiêu GDP tăng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi báo cáo tiếp thu, giải trình cho hay, kịch bản GDP năm sau được đưa ra trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi, khó khăn và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).

Ba động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác

Cùng đó, trên cơ sở GDP năm nay đạt trên 5% nên dự kiến mức tăng năm sau 6-6,5% "thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội". Nhưng để đạt mục tiêu này, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu Quốc hội giao

Cũng theo Nghị quyết, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP là 24,1-24,2%; tốc độ tăng năng suất lao động 4,8-5,3%. Các chỉ tiêu này đều thấp hơn năm 2023, lần lượt 1,3-1,6% và 0,2-0,7%.

Các ý kiến đại biểu đề nghị giữ kế hoạch năm sau bằng năm nay, nhưng ông Vũ Hồng Thanh giải thích, các chỉ tiêu này phụ thuộc vào quy mô GDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế. Năm 2024, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng 6-6,5%, quy mô lao động khoảng 51,8 triệu lao động và tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 7,83%.

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng.

Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm. "Một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi", ông Thanh nêu.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Từ cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lao động năm 2024 là phù hợp.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt và mở rộng hợp lý, có trọng điểm. "Thị trường tiền tệ, tín dụng cần bảo đảm ổn định, phấn đấu giảm tiếp lãi suất, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn và tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng", Nghị quyết nêu.

Quốc hội lưu ý hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ khó khăn để phục hồi phát triển ổn định các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động; bỏ những dự án không thật sự cần thiết để tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy nhanh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém.

Trong lĩnh vực đầu tư công, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm, tăng phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Về tài chính công, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Chính phủ tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ và đưa ra các chính sách phù hợp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

MSVN: Những "chồi xanh" phục hồi trong xuất khẩu đã thành hiện thực

"Những chồi xanh phục hồi trong xuất khẩu đã thành hiện thực, tạo tiền đề cho một năm tươi sáng hơn phía trước..." báo cáo ...

Đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 132 nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc sửa đổi Nghị định 132 là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa sống còn ...

Gỡ vướng cho một số dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào

Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán