Quảng Trị: Sắp khởi công sân bay 5.800 tỷ đồng do T&T Group và Cienco 4 làm chủ

(Banker.vn) Đây là dự án sân bay có thời gian chuẩn bị đầu tư nhanh nhất trong cả nước. Thêm cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị và khu vực.
Lâm Đồng: Liên Khương trở thành Cảng hàng không quốc tế sau 91 năm phát triển Chính phủ trình Quốc hội xem xét bố trí 1.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Gia Bình Sân bay Cà Mau "lột xác": Mở đường cho du lịch "Đất Mũi" bùng nổ

Ngày 6/7 tới đây, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T Group - Cienco 4 sẽ chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.

Quảng Trị: Sắp khởi công sân bay 5.800 tỷ đồng do T&T Group và Cienco 4 làm chủ
Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021 - 2030 và 1 trong 19 cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh minh họa)

Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với quy mô hơn 265ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021 - 2030 và 1 trong 19 cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4.

Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tăng cường kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được khai thác, đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, dự án đường ven biển nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây, cao tốc Lao Bảo - Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, dự án CHK Quảng Trị là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của địa phương, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội Quảng Trị phát triển.

Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam của Việt Nam. Nơi đây có cây cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cầu Hiền Lương chính là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành 2 miền dọc theo vĩ tuyến 17.

Về T&T Group, đây là doanh nghiệp tư nhân ra đời từ năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, T&T Group của bầu Hiển hiện trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, hoạt động đa ngành với 7 nhóm chính: Bất động sản; tài chính và đầu tư; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển và logistic; công thương; khoáng sản, năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao.

Ngọc Anh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục