Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình điện trên địa bàn

(Banker.vn) Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án điện 220kV và 110kV tăng cường nhân lực, thiết bị thi công, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch.
Bộ Chính trị phân công bà Trịnh Thị Minh Thanh điều hành Tỉnh ủy Quảng Ninh Quảng Ninh: Bắt thanh niên vận chuyển hơn 1.000 bao thuốc lá thương hiệu nổi tiếng Quảng Ninh: Xử phạt 2 cơ sở kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Quảng Ninh là một trong các địa phương có nhu cầu sử dụng điện cao, xếp thứ 7 trong 28 tỉnh/thành phố ở miền Bắc. Điện thương phẩm năm 2023 là 5,9 tỷ kWh, tăng 8,27% so với năm 2022. Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2021-2025 là 11,8%/năm.

Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình điện trên địa bàn
Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (phường Hà Khánh, TP Hạ Long) - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất đặt là 5.750MW. Lưới điện truyền tải trên địa bàn có trạm biến áp 500kV Quảng Ninh và 7 trạm 220kV với tổng công suất đặt 2.125MVA. Có 6 mạch đường dây 500kV với tổng chiều dài 458,5 km và 17 đường dây 220kV với chiều dài tương đương 503,6 km. Lưới điện 110kV gồm 860 km đường dây và 30 trạm biến áp với tổng dung lượng khoảng 2.530MVA.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện của các nhà máy Nhiệt điện trên địa bàn tỉnh ước đạt 22,5 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện tiêu thụ ước đạt 3,9 tỷ kWh, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Mặc dù nhu cầu sử dụng điện tăng cao, song từ đầu năm đến nay, việc cung ứng điện trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh vẫn đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, để đạt kết quả đó, ngoài nguyên nhân khách quan thời tiết mưa nhiều, các nhà máy thủy điện ở khu vực phía Bắc đều huy động tối đa công suất, thì với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng nỗ lực của các ngành, địa phương đã giúp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Trong đó, trọng tâm là triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất của các Nhà máy Nhiệt điện; đảm bảo tối đa lượng than cung cấp cho các nhà máy Nhiệt điện; thực hiện diễn tập điều chỉnh phụ tải và huy động máy phát dự phòng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong sử dụng điện tiết kiệm.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã kịp thời đầu tư, nâng cấp hạ tầng điện, đáp ứng cho nhu cầu mở rộng, tăng năng suất tại các nhà máy, xí nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện cao của tỉnh Quảng Ninh và nhu cầu sử dụng điện trong những năm tới, EVN và các đơn vị đang tiếp tục triển khai đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Trong quá trình đầu tư xây dựng, EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như liên quan quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án; thủ tục quy hoạch chi tiết 1/500; thỏa thuận/điều chỉnh vị trí trạm, hướng tuyến đường dây; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt đánh giá tác động môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành cung ứng và phát triển điện lực tỉnh cho biết, thời gian qua các đơn vị đã nỗ lực, có nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn từ đầu năm 2024 đến nay. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Ninh và các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng điện tiết kiệm.

Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án điện 220kV và 110kV tăng cường nhân lực, thiết bị thi công, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Các địa phương tích cực, chủ động phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương