Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?

(Banker.vn) Theo kết quả giải ngân vốn đầu tư công kỳ tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công Quảng Nam mới đạt 31,3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Cần Thơ: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 43% Bộ nào thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tăng mạnh nhất?

UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông tin về tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kỳ tháng 8/2024 (tính đến hết ngày 31/7/2024) trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?
Quảng Nam chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã giải ngân hơn 2.038 tỷ đồng, đạt 28,9% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 29,5% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 31,3% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, đối với vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân gần 526 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực giải ngân hơn 233,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch; vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được hơn 223,7 tỷ đồng, đạt 24,6% kế hoạch; vốn hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giải ngân gần 5,96 tỷ đồng, đạt 7,6% kế hoạch và vốn nước ngoài ngân sách Trung ương cấp phát giải ngân gần 62,24 tỷ đồng, đạt 14,6% kế hoạch.

Đối với vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 1.512,64 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch.

Ngoài ra, kế hoạch vốn văn 2023 kéo dài giải ngân hơn 600 tỷ đồng, đạt 32,9% kế hoạch.

Có 15 sở, ban ngành và 5/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh (dưới 29,7%).

Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?
Đặc thù tỉnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, có 8 nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ.

Đó là, đặc thù tỉnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn.

Nguồn thu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam là 2.700 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn thu tiền sử dụng đất khả năng sẽ không thu được so với dự toán được giao (đến nay, thực tế nguồn thu sử dụng đất toàn tỉnh chỉ thu được khoảng 426,358 tỷ đồng, trong đó: cấp tỉnh hơn 80 tỷ đồng, cấp huyện 346,284 tỷ đồng), vì vậy, đến nay vẫn chưa có đủ nguồn thu theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao để phân bổ và giải ngân.

Công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư còn chậm, kéo dài, do nhiều nguyên nhân như: Việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung (bao gồm đơn giá và số lô tái định cư).

Đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này gặp khó khăn vướng mắc, có tỉ lệ giải ngân thấp vẫn khó thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân tốt.

Đơn giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, tình trạng thiếu đá, cát sỏi tại nhiều địa phương.

Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ với việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án tốn rất nhiều thời gian, vì vậy công tác giải ngân rất chậm.

Hầu hết các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế đang triển khai rất chậm, khó khăn liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị y tế.

Số danh mục công trình đầu tư của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia nhiều, áp lực cho cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu, quyết toán vốn đầu tư. Địa bàn triển khai chủ yếu trên các huyện miền núi cao; công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện của nhiều địa phương còn chậm,... làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện xây dựng tại các địa phương.

Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sở ngành trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh: CTV)

Nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở ngành chủ động rà soát công tác giải ngân từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng, có khả năng giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.

Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, đơn vị, địa phương được phân bổ kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chịu trách nhiệm tập trung giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được phân bổ và tiếp tục huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giải ngân nguồn vốn sự nghiệp bảo đảm nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả, kịp thời phục vụ và đáp ứng quyền lợi hợp pháp, chính đáng, cấp thiết của nhân dân.

Phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên theo dõi, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương