Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn Tuyên Quang nêu rõ, báo cáo số 255 ngày 10/8/2023 của Bộ Tư pháp gửi các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn có nhiều nội dung nêu thực trạng một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn |
Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của thực trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Đồng thời, cho biết thêm định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật?
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận đúng là thời gian qua có một số tình trạng vi phạm như “thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ”; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế đây là một thực tế.
Trong 5 năm 2018 - 2022 có 142 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên như ở Đông Anh, Hà Nội.
“Trong pháp luật về đấu giá, Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên, đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các văn bản của Đảng, phát triển đấu giá trực tuyến…” - Bộ trưởng nói.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cũng nêu tình trạng quân xanh, quân đỏ trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ở một số nơi, làm thất thoát tài sản của nhà nước; một số cán bộ phận đấu giá viên tiêu cực đã bị xử lý, đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Ngoài ra, còn tình trạng kiểm tra, ban hành văn bản hướng dẫn chuyên ngành chưa đúng theo thể thức theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn văn bản chồng chéo giữa các ngành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết với chức năng thẩm định văn bản, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?
Về pháp luật trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản và các dự thảo luật khác có nghiên cứu để sửa đổi giải quyết những vướng mắc. Về phía Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu cùng các bộ ngành để hạn chế các tình trạng mà các đại biểu đã nêu như tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu giá.
Về mâu thuẫn của các văn bản và giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, phải nghiên cứu kỹ và thực hiện tốt rà soát. Đồng thời, dần phải chuẩn hóa quy trình và áp dụng những nguyên tắc, nguyên lý để xử lý những công việc như giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ động đề xuất các văn bản và nghiên cứu mang tính chất hệ thống.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, cơ bản nhất là cần phải tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, từng văn bản một trong các lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời siết chặt các kỷ luật, kỷ cương.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Hùng Thắng - đoàn Hà Nam về giải pháp đấu giá trực tuyến để tránh tình trạng thông đồng, dìm giá, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận, đấu giá trực tuyến là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch… trong đấu giá.
Ông Long cho biết, một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới tính tới. Cơ quan quản lý đang nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó.
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, ông Long chia sẻ, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá để xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|