Phải chuẩn bị tốt phương án nhân sự, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Thủ tướng: Chuẩn bị sẵn sàng để vận hành bộ máy mới từ 1/7 Lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hoà Bình |
Quy trình xây dựng phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt sau hợp nhất
Ngày 14/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận 150-KL/TW (Kết luận 150) của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các Ủy viên Trung ương dự khuyết là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy) thì Ban Tổ chức Trung ương là đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng.
Sau khi chuẩn bị, phương án nhân sự là lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh sau sáp nhập tỉnh phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo. Tiếp đó, Ban Tổ chức Trung ương hoàn thiện để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Với nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh thì lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị phân công sẽ triệu tập, sau đó đồng chủ trì cùng các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập để họp với các thường trực tỉnh ủy, thành ủy, các Trưởng Ban Tổ chức của các địa phương chuẩn bị các nội dung cho việc xây dựng phương án nhân sự.
Phương án nhân sự chuẩn bị gồm: Báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập về; đánh giá sơ bộ về thuận lợi, khó khăn; xây dựng phương án nhân sự và định hướng phân công cấp Ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ hiện tại và cho nhiệm kỳ kế tiếp.
Sau bước chuẩn bị trên, người được Bộ Chính trị phân công cùng với Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất, sáp nhập tổ chức hội nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương hợp nhất, sáp nhập thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện và thông qua phương án nhân sự.
Hội nghị này có sự tham gia của đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất, thì tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Phương án nhân sự đã xây dựng sẽ được Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy (của các địa phương hợp nhất, sáp nhập) báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ định đối với nhân sự theo quy định.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, người được Bộ Chính trị phân công sẽ đồng chủ trì cùng các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất tổ chức cuộc họp với Ban Thường vụ các địa phương hợp nhất để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện phương án nhân sự. Sau đó, phương án nhân sự này được báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét chỉ định theo thẩm quyền.
Với nhân sự là cấp ủy, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp xã sau nhập xã và việc phân công đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo ở xã, phương án nhân sự hoàn toàn do Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng chỉ đạo việc xây dựng và thông qua.
![]() |
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
Số lượng cấp phó thời gian sáp nhập có thể nhiều hơn quy định
Theo kết luận của Bộ Chính trị, phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập gồm: các Ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh đương nhiệm.
Với cấp xã mới thành lập, phương án nhân sự gồm: cấp Ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp Ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Việc phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện. Trong đó, Bộ Chính trị đặc biệt lưu ý phải coi trọng, đề cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung và có kết quả, sản phẩm công tác cụ thể.
Công tác nhân sự cũng phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ.
Bộ Chính trị nêu rõ, không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.
Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định. Việc phân công, bố trí số lượng cấp Ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.
Với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới) có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp Ủy viên cấp tỉnh làm Bí thư đảng ủy. Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm Bí thư Đảng ủy.
Tại Kết luận số 150, Bộ Chính trị cũng đưa ra lưu ý: Trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư; cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã và phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập; bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. |