Phục hồi sau sự cố Vũng Áng 1, mảng nhiệt điện sớm thành động lực tăng trưởng chính của PV Power

(Banker.vn) Trong phân tích mới đây, VNDirect dự báo, sự trở lại của Nhà máy Vũng Áng 1 sau sự cố sẽ là động lực dẫn dắt mảng nhiệt điện của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HOSE: POW) tăng trưởng cả về sản lượng và doanh thu trong giai đoạn 2023 - 2024.

Phục hồi sau sự cố Vũng Áng 1, mảng nhiệt điện sớm thành động lực tăng trưởng chính của PV Power

Sự trở lại của Nhà máy Vũng Áng 1 sau sự cố sẽ là động lực dẫn dắt mảng nhiệt điện của PV Power tăng trưởng cả về sản lượng và doanh thu trong giai đoạn 2023 - 2024

Trích dẫn báo cáo tài chính quý I/2023 của PV Power, VNDirect đã phân tích chi tiết về kết quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp này trong những tháng đầu năm 2023. Đây là cơ sở quan trọng để đưa ra dự báo về triển vọng của PV Power trong thời gian tới.

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện PV Power ước đạt 4.003 triệu kWh, vượt 16% so với kế hoạch và tăng 10% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, tổng sản lượng điện tăng là nhờ nhóm nhiệt điện huy động tích cực. Cụ thể, sản lượng điện khí đã tăng 10% so với cùng kỳ do sản lượng nhiệt điện Cà Mau 1&2 cải thiện đáng kể.

Cùng với đó, sản lượng điện than tăng 14% do nhu cầu điện dân cư tăng trong bối cảnh thuỷ điện ghi nhận thuỷ văn không thuận lợi. Dù vậy, đây vẫn là mức thấp hơn kế hoạch do công tác sửa chữa tại Tổ máy số 1, Nhà máy Vũng Áng 1 kéo dài.

Sản lượng tăng cùng với giá bán neo cao khiến doanh thu của PV Power tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 7,424 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm 34% so với cùng kỳ do nhiều nhà máy như Nhơn Trạch 1, Vũng Áng 1 và Cà Mau 1&2 ghi nhận sản lượng huy động từ thị trường điện cạnh tranh cao với giá thấp hơn, thu hẹp biên lợi nhuận gộp 5 điểm %.

Quý I/2023, PV Power đạt 534 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 20% dự phóng mà VNDirect đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, về triển vọng kinh doanh cả năm 2023, VNDirect vẫn dự báo doanh thu của PV Power tăng 15% so với cùng kỳ, trên cơ sở kỳ vọng vào sự tăng trưởng sản lượng tích cực của nhóm nhiệt điện có thể bù đắp những mất mát từ thủy điện trong bối cảnh thủy văn kém thuận lợi.

Theo các chuyên gia, lợi nhuận ròng của PV Power trong năm 2023 sẽ tăng 7% so với cùng kỳ nhờ khoản thoái vốn 300 tỷ đồng tại Công ty CP EVN Việt Lào. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2024 sẽ đạt 17% nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh của các mảng cốt lõi.

Phục hồi sau sự cố Vũng Áng 1, mảng nhiệt điện sớm thành động lực tăng trưởng chính của PV Power

Dự phóng doanh thu và lợi nhuận của PV Power trong giai đoạn 2023 - 2024.

VNDirect chỉ ra rằng, sự trở lại của Tổ máy 1, Nhà máy Vũng Áng 1 với công suất 600 MW từ quý III/2023 sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng của nhóm nhiệt điện trong giai đoạn 2023 – 2024. Theo các chuyên gia, nhà máy này sẽ được hưởng lợi lớn trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng do mực nước tại các hồ thuỷ điện ở khu vực miền Bắc, miền Trung xuống thấp.

Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện của Nhà máy Vũng Áng 1 đã cải thiện rõ rệt, với mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ và đà tăng này sẽ được tiếp tục trong phần còn lại của giai đoạn El Nino cho đến ít nhất nửa sau năm 2024. Các chuyên gia của VNDirect đánh giá, nếu nhà máy này hoạt động với công suất tiềm năng tối đa, sản lượng điện dự kiến sẽ tăng 27% so với cùng kỳ trong năm 2023 và tăng tới 38% so với cùng kỳ trong năm 2024.

Về giá bán, trong bối cảnh các nhà máy điện than sẽ phải sử dụng hoàn toàn than trộn, VNDirect dự báo, giá bán bình quân của Vũng Áng 1 sẽ neo cao ở mức 2.162 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 1% so với cùng kỳ trong năm 2023. Sang năm 2024, giá bán bình quân sẽ giảm 9% so với cùng kỳ do được hỗ trợ bởi xu hướng giảm của giá than nhập khẩu.

Phục hồi sau sự cố Vũng Áng 1, mảng nhiệt điện sớm thành động lực tăng trưởng chính của PV Power

Những yếu tố khiến giá bán bình quân của Vũng Áng 1 neo cao

Theo đó, VNDirect dự phóng, trong năm 2023, doanh thu của Vũng Áng 1 sẽ tăng 30% và lợi nhuận gộp tăng 42% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, doanh thu sẽ tiếp tục tăng 37% so với cùng kỳ còn mức tăng trưởng lợi nhuận gộp là 27%.

Đối với nhóm điện khí, VNDirect dự phóng sản lượng năm 2023 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng 24% vào năm 2024. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa nguồn tại khu vực miền Nam sẽ sớm được hấp thụ hết bởi nhu cầu ngày càng tăng trong khi tốc độ tăng trưởng nguồn điện đang chững lại. Mặt khác, nhu cầu điện nhóm công nghiệp & xây dựng (thường chiếm 45 - 50% tổng nhu cầu) cũng sẽ tăng đáng kể khi kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo đi lên.

Về giá bán điện khí, theo VNDirect, giá bán bình quân 2023 – 2024 dự kiến sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ do xu hướng giảm giá dầu FO, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao, đạt lần lượt 2.032 đồng/kWh và 2.022 đồng/kWh, bởi chi phí khai thác các mỏ nội địa ngày càng trở nên đắt đỏ.

Theo đó, doanh thu điện khí năm 2023 và 2024 dự kiến sẽ tăng lần lượt 13% và 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận gộp sẽ tăng 23% trong năm 2023 và 38% trong năm 2024.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia dự báo, năm 2023, sản lượng thuỷ điện sẽ giảm 25% so với cùng kỳ, trước khi phục hồi trở lại vào năm 2024. Giá bán bình quân dự kiến sẽ dao động ở mức 1.063 – 1.085 đồng/ kWh trong giai đoạn 2023 – 2024. Theo đó, năm 2023, doanh thu và lợi nhuận từ mảng thuỷ điện của PV Power sẽ cùng giảm, với các mức tương ứng lần lượt là 33% và 50%. Năm 2024 được dự báo sẽ khả quan hơn khi doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ còn lợi nhuận đạt mức tăng 32%.

Trước tình hình đó, VNDirect vẫn duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu POW của PV Power. Mức giá mục tiêu được đưa ra là 17.800 đồng/cp.

Phục hồi sau sự cố Vũng Áng 1, mảng nhiệt điện sớm thành động lực tăng trưởng chính của PV Power
Tổng hợp định giá của VNDirect

Hiện tại, POW đang được giao dịch ở mức P/B 1,0x, thấp hơn so với trung bình ngành. Các chuyên gia của VNDirect cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tích lũy một doanh nghiệp điện khí hàng đầu, hưởng lợi từ quan điểm phát triển nguồn điện dài hạn của Chính phủ.

Cũng theo chuyên gia, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu này có thể đến từ việc công bố kế hoạch bồi thường cụ thể cho Vũng Áng 1 và sự phục hồi nhu cầu điện mạnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số rủi ro giảm giá bao gồm: khó khăn tài chính của EVN chưa được giải quyết, kéo theo rủi ro về trích lập dự phòng và gián đoạn dòng tiền kinh doanh hay nguồn cung đầu vào (than, khí) thiếu làm ảnh hưởng đến khả năng huy động của PV Power.

PV Power (POW) mang về 3.350 tỷ đồng doanh thu trong tháng 5/2023

Tháng 6/2023, POW đặt mục tiêu sản lượng điện 1.434 triệu kWh, doanh thu đạt 2.674 tỷ đồng.

PV Power đạt 3.350 tỉ đồng tổng doanh thu

Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - PV Power (HoSE: POW) vừa có báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ...

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải toả công suất tại Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 của PV Power

Dự án giải tỏa công suất cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 của PV Power đang gặp khó khăn trong ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán